Năm nhất và tình trạng thường xuyên tiêu sạch tiền: Bài học từ những sai lầm
Năm nhất và tình trạng thường xuyên tiêu sạch tiền: Bài học từ những sai lầm
Đi học đại học, bắt đầu chặng đường trở thành người lớn, hầu hết các bạn trẻ đều rất hào hứng. Ai mà chẳng muốn được tự do, tự mình quyết định mọi điều chẳng hạn như hôm nay sẽ đi đâu, chi tiêu ra sao.
Tuy nhiên, có 1 sự thật rằng, nhiều bạn khi là sinh viên năm nhất đã trải qua khoảng thời gian tiêu tiền không còn xu dính túi, gặp rắc rối liên quan đến tiền bạc. Một phần là bởi vì chưa nắm được các kỹ năng tài chính cùng với sự hào hứng khi đậu đại học đã dẫn đến tình trạng này.
Năm nhất đại học, ai rồi cũng từng tiêu sạch tiền
“Có lúc chỉ mới giữa tháng mà mình chỉ còn vài trăm nghìn để trang trải đến cuối tháng nên lo lắm, phải ăn uống tiết kiệm ngay lập tức. Có lần mình còn chi sạch tiền mà không biết, tháng đó khó khăn và hoang mang vô cùng”.
“Tâm lí của 1 sinh viên mới chưa biết lo nghĩ nhiều, chỉ biết hôm nay phải ăn cho ngon, cho no nên mình chủ yếu đặt đồ ăn trên các ứng dụng, ăn ở các hàng quán và đi ăn với bạn bè ở những quán nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Hầu như ngày nào mình cũng ăn ở ngoài, 1 tuần nhiều lắm là mình chỉ tự nấu ăn ở nhà được 1, 2 buổi”.
“Trước đi lên TP Hồ Chí Minh, họ hàng cũng cho mình một số tiền kha khá coi như món quà đậu đại học và bắt đầu tự lập. Song, chỉ trong 3 tháng mình đã chi tiêu hết khoản tiền đó chưa kể tiền sinh hoạt hàng tháng bố mẹ gửi”.
“Trước khi lên TP Hồ Chí Minh, mình có soạn danh sách những món đồ cần mua. Song, không hiểu sao cứ phát sinh thêm nhiều thứ ‘cần mua’ khác kể cả khi thực tế mấy thứ đó không thực sự cần thiết”.
Bắt đầu học cách chi tiêu
“Sau những sai lầm trong chi tiêu đến rỗng túi trong 3-4 tháng đầu năm nhất, mình bắt đầu học được cách sắp xếp thứ tự ưu tiên trong chi tiêu: Sức khỏe, học tập, chăm sóc vẻ ngoài, quần áo và trải nghiệm vui chơi”.
“Mình đi làm công việc bán thời gian rồi thực tập từ năm 2, cũng hiểu được ý nghĩa của đồng tiền, gặp nhiều anh chị học được những điều hay trong lối sống của họ. Mình bắt đầu tự quản lý chi tiêu hợp lý hơn bởi vì nhận ra kiếm được đồng tiền không hề dễ”
“Mình bắt đầu tự nấu ăn ở nhà nhiều hơn, cũng không còn ăn ngoài nhiều như trước nữa. Các khoản chi tiêu không cần thiết mình cũng không còn chi nữa, như mua quần áo mới hay săn giảm giá trên các sàn thương mại điện tử. Mình còn đặt ra mục tiêu 1 ngày chỉ được tiêu 80 - 100 nghìn đồng, và nếu tiêu nhiều hơn thì hôm sau phải tiêu ít lại để bù vào. Bên cạnh đó mình cũng tìm việc làm thêm, tự kiếm thêm thu nhập để quản lý chi tiêu của mình tốt hơn và không rơi vào khó khăn lúc cuối tháng như trước nữa”.
Bài học tài chính từ những sai lầm
Tường Vy chia sẻ rằng bài học lớn nhất cô bạn nhận được chính là bản thân tự nhận lấy hậu quả mình tạo ra khi tiêu sạch tiền.
“Hiện tại mình là sinh viên năm 4 rồi, nhìn lại khoảng thời gian đó mới thấy mình tiêu hoang phí như thế nào, những ngày cuối tháng phải ăn uống tiết kiệm ra sao. Tuy nhiên, cũng từ những lần như vậy mình mới biết cách quản lý chi tiêu hơn, tiết kiệm hơn và còn biết đi làm thêm để có thêm sinh hoạt phí cho bản thân nữa. Cũng có những lúc như vậy mới giúp mình trưởng thành”.
Cùng quan điểm với Tường Vy, Thu Hường cho rằng khoảng thời gian năm nhất vướng vào tình trạng “rỗng túi” là cơ hội cho cô bạn xem xét và học hỏi các kỹ năng quản lý tài chính. Vì biết được càng sớm thì càng tốt. Năm nhất mà biết quản lý chi tiêu - để giành đầu tư thì những năm về sau chỉ có tốt hơn. “Nhớ né mấy bẫy mua sắm trực tuyến nha! Ngân sách hạn chế như sinh viên mà rơi vào mua sắm trực tuyến là cái ví khổ lắm”, Thu Hường gửi gắm.
Ảnh: NVCC