Nam nghệ sĩ Việt cả nước biết mặt, làm nghề mấy chục năm nhưng đời tư luôn là một bí mật
Báo Người Đưa Tin ngày 2/7/2024 đưa thông tin với tiêu đề: "Nam nghệ sĩ Việt cả nước biết mặt, làm nghề mấy chục năm nhưng đời tư luôn là một bí mật" cùng nội dung như sau:
Dù là gương mặt xuất hiện rất nhiều trên truyền hình, được khán giả cả nước nhớ mặt nhưng công chúng gần như không ai biết gì về đời tư của nghệ sĩ Đức Sơn.
Thập niên 1980, Đức Sơn là diễn viên Đoàn kịch Tổng cục Chính trị - tiền thân của Nhà hát Kịch nói Quân đội hiện nay. Thời đó, như bao đồng nghiệp khác, nam diễn viên phải đạp xe mỗi đêm hàng chục km để lên sân khấu phục vụ khán giả.
Xuất thân là diễn viên sân khấu nhưng nghệ sĩ Đức Sơn nổi tiếng qua màn ảnh nhỏ. Anh tham gia rất nhiều phim và trở thành gương mặt thân quen với khán giả cả nước như: Nhành lan tím, Đầm hoang, Vào Nam ra Bắc, Gió qua miền tối sáng, Những nẻo đường tình yêu, Đường đến thiên đàng, Cô gái mang tên dòng sông, Mặt nạ tình yêu, Mùa hè đẹp nhất…
Với nhân dáng đẹp, gương mặt dễ nhìn, giọng nói chuẩn Hà Nội, nghệ sĩ Đức Sơn thường được mời đóng những vai sang trọng như giám đốc. Và đặc biệt là các vai giám đốc từ chính diện đến phản diện, anh đều hoàn thành một cách xuất sắc.
Dù là gương mặt cả nước biết mặt trên sóng truyền hình nhưng nam nghệ sĩ cực kỳ kín tiếng về đời tư, có thể nói là một bí mật mà đến giờ, khán giả cũng không ai biết.
Nghệ sĩ Đức Sơn chưa từng tiết lộ năm sinh với báo giới. Có lần, được báo giới đề nghị khái quát về bản thân, nghệ sĩ Đức Sơn trả lời ngắn gọn như này: Tốt nghiệp trường Nghệ thuật Quân đội, khoa Diễn viên sân khấu, đã có vợ và một con trai.
Nam NSƯT tiết lộ điều sợ nhất trong đời sống hôn nhân với vợ kém 22 tuổi, dự định vào viện dưỡng lãoĐỌC NGAY
Bên cạnh nghệ thuật, nam nghệ sĩ thích chơi tennis, bơi lội. Đức Sơn là người rất nghệ sĩ tính. Làm nghề bằng cả đam mê và trân trọng nghề nên vai diễn nào thật sự hấp dẫn, anh mới nhận lời.
Một câu chuyện thể hiện rất rõ về nghệ sĩ tính của Đức Sơn là có lần, anh được một nhãn hàng mời quay quảng cáo dầu gội đầu với mức cát-xê khủng.
Ấy vậy mà khi đến gặp họ, anh lại đề nghị nhãn hàng dùng chó làm diễn viên cũng có thể minh chứng được sản phẩm của mình vừa mượt tóc vừa thơm vừa rẻ. Dĩ nhiên, sau đó nhãn hàng chào thân ái và không bao giờ gặp lại Đức Sơn nữa.
Đức Sơn bảo mình là người sống thật tình với bạn bè nên được nhiều người tin tưởng. Niềm hạnh phúc đó thể hiện rất rõ qua phong thái đĩnh đạc lại có phần bình thản cùng nụ cười lúc nào cũng tươi rói và rạng ngời trên mặt của nam nghệ sĩ.
Một trong những điều thú vị về nghệ sĩ Đức Sơn nữa là, đang thành danh ở miền Bắc, đắt show từ sân khấu tới phim ảnh, bỗng nhiên một ngày ở tuổi xế chiều, anh lặng lẽ chuyển vào TPHCM sống.
Xung quanh sự thay đổi này của nam nghệ sĩ có rất nhiều đồn đoán. Người nói anh đi theo tiếng gọi của tình yêu. Người bảo anh Nam tiến để làm các dự án bí mật. Còn Đức Sơn nghe tin đồn chỉ cười không giải thích.
Dàn mỹ nam, mỹ nữ nhà sao Việt: Đẹp như tạc tượng, tài năng, ngoan hiền hết phần thiên hạĐỌC NGAY
Chỉ biết rằng, sau khi Nam tiến, anh đầu quân cho sân khấu kịch Hồng Vân một thời gian rồi hoạt động tự do. Nam diễn viên cũng đi phim nhưng cực kỳ kén chọn. Vai diễn nào na ná những vai anh từng đóng hoặc không đủ hấp dẫn, không chất, anh sẽ từ chối.
Anh bảo, bản thân làm nghệ thuật không vì tiền nên không vui thì sẽ không tham gia. Anh không ngại nhận mình "chảnh". Ở độ tuổi đã kinh qua biết bao nhiêu vai diễn, Đức Đơn không quan trọng chuyện đắt show cũng chẳng đề cao giá cát-xê dù tiền thì ai cũng cần.
Nam nghệ sĩ nhận mình chỉ là người lam thuê nhưng làm thuê theo ý thích của mình, có quyền từ chối làm những gì mình không thích.
Trong nghề, nghệ sĩ Đức Sơn là gương mặt lão làng được đồng nghiệp cùng trang lứa cũng như các thế hệ sau nể trọng, không chỉ bởi tài năng, sự chuyên nghiệp mà còn bởi đạo đức.
Vậy nhưng tới giờ, khi nhiều đồng nghiệp, thậm chí cả những người trẻ hơn anh đều đã nhận danh hiệu NSƯT, NSND thì anh vẫn… không có gì.
Nam nghệ sĩ không chạnh lòng về điều này. Đạt được danh hiệu rất quý giá nhưng với anh, nghệ sĩ là người xây tượng đài tưởng niệm trong lòng người hâm mộ. Đạt danh hiệu thì tốt mà không có cũng không phải là vấn đề.
Đức Sơn chưa bao giờ luồn cúi, bon chen để đạt giải thưởng, thành tích hay danh hiệu. Với anh, được làm nghệ thuật, được thăng hoa với từng vai diễn là hạnh phúc rồi.
Tiếp đến, báo Vnexpress ngày 3/7/2024 cũng có bài đăng với thông tin: "Nghệ sĩ Đức Sơn: 'Cuộc sống tôi viên mãn'". Nội dung được báo đưa như sau:
Nghệ sĩ đóng tác phẩm điện ảnh Mùa hè đẹp nhất (đạo diễn Vũ Khắc Tuận), ra rạp cuối tháng 6. Dịp này, ông nói về đam mê diễn xuất, niềm hạnh phúc được gia đình ủng hộ suốt hơn 40 năm theo nghề.
- Lý do ông nhận lời tham gia dự án dù hiếm khi đóng phim điện ảnh?
- Nhiều năm qua, tôi vẫn làm nghề, trung bình khoảng hai, ba tác phẩm mỗi năm song chủ yếu là phim truyền hình. Tôi vốn quen biết đạo diễn Vũ Khắc Tuận, từng đóng phim tốt nghiệp và nhiều dự án khác của cậu ấy. Tôi thích cách làm việc trau chuốt và tư duy hình ảnh của Tuận. Sau khi đọc kịch bản - xoay quanh những người đàn ông trung niên muốn hoàn thành di nguyện của bạn thân, tôi liền nhận lời. Câu chuyện trong phim không lớn lao nhưng ai xem cũng có thể ôn lại thanh xuân, về ngày tháng nỗ lực học tập, bươn chải để thành công, hoặc những sai lầm không thể thay đổi.
- Đóng phim này, ông nhớ gì về thời trẻ của mình?
- Tôi nhớ bản thân của một thuở ngây ngô, khi mới tập tành diễn xuất. Năm 1977, tôi học trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó vào nghề với kịch nói. Vở đầu tiên tôi đóng là Hành trình đến tự do (tác giả Nguyễn Khải) của Đoàn Kịch nói Quân đội, thuộc Tổng cục chính trị.
Ngày ấy, diễn viên trẻ chỉ cần được giao một vai nhỏ thôi đã quý lắm rồi, còn tôi may mắn đóng toàn vai chính. Nhiều đêm, tôi đạp xe hàng chục cây số đến nhà hát, diễn xong lại hì hục đạp về giữa khuya, đường không bóng người. Thu nhập chúng tôi theo bảng lương quân đội, không nhiều nhưng thời đó chẳng tiêu pha gì mấy nên vẫn đủ sống.
Từ cuối thập niên 1980, sau khi được một số nơi mời, tôi rời đoàn, lấn sân đóng một số phim nhựa. Tôi dần có vai chính đầu tiên trong tác phẩm Đầm hoang (đạo diễn Hà Sơn). Tôi bắt đầu được đông đảo khán giả chú ý khi góp mặt trong Gió qua miền tối sáng (1996) - phim Việt dài tập đầu tiên thu tiếng trực tiếp. Giai đoạn tôi phủ sóng nhiều nhất có lẽ là giữa thập niên 1990, khi liên tiếp tham gia các phim truyền hình trên chương trình Văn nghệ chiều Chủ nhật. Đầu những năm 2000, tôi quyết định chuyển vào Nam định cư khi cảm nhận nơi đây khí hậu ôn hòa, có nhiều điều kiện phát triển sự nghiệp hơn.
- Trong hàng chục phim từng đóng, ông tâm đắc các vai nào?
- Mỗi vai qua đi đều để lại kỷ niệm khó quên trong tôi. Gần đây, một khán giả trung niên gặp tôi giữa đường, hồ hởi như tái ngộ người quen. Ông nói ngày trước xem tôi đóng trong Cô gái mang tên một dòng sông nên ấn tượng sâu đậm đến giờ. Hoặc vai chính trong phim truyền hình Đồng tiền quỷ ám (đạo diễn Trần Chí Thành, phát sóng năm 2016) - một cảnh sát giao thông bị tha hóa - cũng là vai tôi ưng ý bởi có đời sống, diễn biến tâm lý phức tạp. Tôi yêu nghề này vì đôi khi trong cuộc sống, có những điều không thể nói bằng lời, phải mượn phim ảnh để diễn tả.
Tôi từng nghỉ diễn xuất hai năm để buôn bán. Lúc đó, tôi có trong tay tí tiền nhưng cảm giác không hạnh phúc như thời được lăn lộn trên sân khấu, phim trường. Đạo diễn Lê Hùng - một đồng nghiệp thân thiết với tôi - bảo: "Mày không làm được gì ngoài nghề diễn đâu". Thế là tôi trở lại đóng phim.
- Cuộc sống của ông hiện như thế nào?
- Tôi biết ơn vì có cuộc sống viên mãn. Hàng ngày, tôi vẫn tự lái xe đi đóng phim, quảng cáo. Giờ tôi làm nghề vì niềm vui, bởi đây không phải nguồn thu nhập chính. Ngày trước, có lẽ nhờ gặp thời hoặc nghe người quen chỉ mua đất chỗ này, chỗ kia, kinh tế tôi hiện khá đủ đầy với hai căn nhà. Tôi sống cùng vợ và các con ở TP HCM, được gia đình hết lòng ủng hộ diễn xuất. Con lớn đã ngoài 40 tuổi, con út đang học ở Mỹ, không ai nối nghiệp của bố cả. Tôi sống hiện đại, không định hướng công việc mà để các con tự theo đuổi đam mê. Cũng có cháu từng học quay phim nhưng sau đó chuyển sang kinh doanh, nghề chọn người mà. Tôi khuyên con làm gì vẫn phải yêu nghề trước, dù có kiếm được tiền hay không.
Nhiều năm đóng phim từ Bắc vào Nam, tôi chưa từng mặc cả thù lao. Có đạo diễn trẻ hỏi tôi cátxê bao nhiêu trước khi mời, tôi chỉ đáp: "Nếu công ty dư dả, trả tôi xông xênh một tí. Nếu có ít, cứ trả ít". Tôi không nhìn mặt bằng thu nhập trong làng phim thế nào để "hét" giá.
- Sau hơn 40 năm, quan điểm làm nghề của ông hiện ra sao?
- Tôi chọn lọc phim hơn, chuẩn bị xong dự án nào mới nhận lời quay tác phẩm khác. Tôi thường nói với các đạo diễn, chưa bàn kịch bản hay hoặc dở, phải chân thật, hợp lý trước đã, tôi mới nhận lời. Tôi luôn cần thời gian để nghiên cứu vai trước khi đóng, từ nhân vật bác sĩ, công an đến trùm mafia, ưu tiên các câu chuyện giàu tính nhân văn. Gần đây nhất, tôi hoàn thành vai chính trong phim Bà già đi bụi, do đạo diễn Trần Chí Thành chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư.