Năm khu nhà tái định cư bỏ hoang ở Hà Nội: Chỗ vướng PCCC, nơi chưa đủ vốn
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận, trên địa bàn thành phố hiện nay có 5 khu nhà tái định cư đang chưa hoàn thiện, còn để trống, có nhiều vướng mắc, khó khăn. Sở Xây dựng và một số đơn vị, sở ngành đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để đưa các khu nhà này vào sử dụng, tránh tình trạng lãng phí, bỏ hoang kéo dài...
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội Quý II/2022 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về nhiều khu chung cư tái định cư với hàng nghìn căn hộ bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội xác nhận, trên địa bàn thành phố có 5 khu nhà tái định cư “đang trong quá trình hoàn thiện”.
Mới đây, trong dự thảo chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 xác định, đến 2025, thành phố phát triển mới khoảng 0,56 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư. Đến năm 2030, con số này là khoảng 1,3 triệu m2. Đáng chú ý, thành phố sẽ mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn từ ngân sách, trong đó ưu tiên đối với quỹ nhà đang thực hiện cơ chế đặt hàng mua nhà ở thương mại làm nhà ở phục vụ tái định cư; thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nhà ở xã hội làm nhà ở phục vụ tái định cư.
Cụ thể, có 4 dự án tại quận Hoàng Mai, 1 dự án tại quận Bắc Từ Liêm. Theo ông Minh, từ cuối năm 2021, UBND thành phố đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư các dự án, chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố có liên quan, tuỳ từng lĩnh vực cụ thể có giải pháp tháo gỡ, giải quyết từng dự án.
Ông Minh cho hay, tại quận Bắc Từ Liêm, dự án tái định cư CT4 có 130 căn hộ, đã triển khai từ rất lâu. Quá trình kiểm tra, có 2 nội dung cần được tháo gỡ là bổ sung nguồn vốn thực hiện và hoàn thiện các thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC). “Về bố trí vốn, Sở KH&ĐT đã bố trí đủ vốn để đảm bảo hoàn thiện công trình. Đến thời điểm này, toàn bộ phần thi công về PCCC đã hoàn thiện, đang chờ nghiệm thu. Sau khi nghiệm thu, công trình sẽ được đưa vào sử dụng”, ông Minh nói.
Tại quận Hoàng Mai, dự án khu nhà BC Trần Phú (do Ban QLDA công trình dân dụng làm chủ đầu tư), hiện còn vướng liên quan công tác xả thải. Sở TN&MT đã hướng dẫn toàn bộ quy trình, thủ tục liên quan. Dự án đang trong quá trình nghiệm thu, sắp tới sẽ đưa vào sử dụng, bố trí tái định cư theo quy định.
Đối với dự án B10 OTD 3 của phường Yên Sở (do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư), ông Minh cho biết, mới xong phần thô. “Nguyên nhân chậm là dự án đang thiếu vốn, khoảng 25 tỷ đồng. Trong kế hoạch đầu tư công sắp tới, quận Hoàng Mai đang báo cáo bổ sung vốn để hoàn thiện dự án. Dự án cũng đang vướng công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai thực hiện để mở đường đi vào”, ông Minh nói.
Dự án C13 DT1 phường Trần Phú đã hoàn thành các hạng mục chính, đang hoàn thiện nốt hạng mục PCCC và xả thải theo hướng dẫn của Công an thành phố và Sở TN&MT. Ông Minh cho biết, trong năm 2022, dự án sẽ được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Còn dự án tái định cư Đền Lừ 3, đến thời điểm này công tác PCCC, xả thải đã hoàn thiện. “Tháng 5 vừa qua đã dừng cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Công trình này được bàn giao về Ban Quản lý công trình nhà ở công sở thành phố. Chúng tôi sẽ tiếp nhận và bán quỹ nhà này theo quy định”, ông Minh nói.
Sẽ dùng nhà ở thương mại cho tái định cư
Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay và phát triển nhà ở tái định cư giai đoạn 2021 - 2030, thành phố Hà Nội xác định sẽ kiểm soát tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm. Thành phố yêu cầu kiểm soát, đôn đốc tiến độ bố trí, bàn giao quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố để đảm bảo hiệu quả sử dụng, tránh tình trạng bỏ trống, lãng phí tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, thành phố sẽ đa dạng hoá hình thức tạo lập quỹ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng trọng điểm theo quy định như sử dụng nguồn vốn ngân sách hoặc vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố; sử dụng nguồn vốn xã hội hoá, trong đó chủ đầu tư dự án được lựa chọn thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu; mua nhà ở thương mại, sử dụng nhà ở xã hội; ưu tiên mô hình xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phục vụ tái định cư…
Trường hợp quỹ nhà phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời không sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng quỹ nhà và các căn hộ nhỏ lẻ, nằm rải rác tại các quỹ nhà tái định cư đã hoàn thành nhưng chưa sử dụng hoặc đã bố trí nhưng không sử dụng hết, thành phố sẽ thực hiện tổ chức bán đấu giá để thu hồi vốn ngân sách.
Thành phố sẽ bố trí nguồn vốn từ ngân sách để mua lại quỹ nhà ở thương mại tại các dự án đã được thực hiện theo cơ chế đầu tư thí điểm để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư. Trước mắt ưu tiên mua lại quỹ nhà ở tại các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tránh rủi ro về pháp lý và tháo gỡ vướng mắc về thu hồi vốn của nhà đầu tư, hiệu quả kinh tế của các dự án.
Trường Phong - Trần Hoàng
Tiền Phong