Năm học 2021-2022, Việt Nam thiếu 101.745 giáo viên

Chia sẻ Facebook
01/09/2022 20:01:38

Trong năm học 2021-2022, Việt Nam thiếu 101.745 giáo viên so với năm học trước. Con số bổ sung cho năm học tới là 27.850 biên chế.

Tổng hợp đề nghị từ các tỉnh, thành phố, trong năm học 2021-2022, Việt Nam đã thiếu 101.745 giáo viên so với năm học trước, trong khi số giáo viên thừa là 2.161 người. Con số bổ sung do Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất là 27.850 biên chế, chiếm chưa đầy 30% số giáo viên các tỉnh cần có.

Học sinh và giáo viên trong buổi tựu trường của một trường THCS ở Hà Nội, tháng 9/2018. (Ảnh minh họa: Jimmy Tran/Shutterstock)

Thông tin trên được đưa ra tại các phụ lục đính kèm Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương (Bộ Chính trị quyết định).


Trong năm học 2021-2022, Việt Nam có tổng cộng 1.212.684 giáo viên tại các địa phương. Số giáo viên thừa là 2.161 người và số giáo viên thiếu là 101.745 người .

Số giáo viên bị thiếu nhiều nhất tại Thanh Hóa (8.856 người), kế đến là Nghệ An (7.599 người). Đáng lưu ý, Hà Nội đứng thứ 3 với tổng cộng thiếu 6.902 người (TP.HCM chỉ thiếu 889 người).

Số giáo viên thừa được ghi nhận nhiều nhất tại Quảng Ngãi (485 người – bậc THCS), đứng thứ 2 là TP.HCM (356 người – cũng bậc THCS).

Phân theo cấp học, bậc mầm non với 12.181 trường công lập; số giáo viên thừa là 50 người và thiếu 51.388 người. Con số do Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất bổ sung là 13.015 người.

Ở bậc tiểu học, Việt Nam có 12.527 trường công lập; thừa 117 giáo viên và thiếu 28.178 giáo viên; được đề xuất bổ sung 8.162 người.

Ở bậc THCS, tổng số trường công lập là 8.798 trường; thừa 1.896 giáo viên, thiếu 15.253 giáo viên; được đề xuất bổ sung 4.665 người.

Ở bậc THPT, tổng số trường công lập là 2.102 trường; thừa 98 giáo viên, thiếu 6.926 giáo viên; được đề xuất bổ sung 2.008 người.

Con số 27.850 biên chế giáo viên do Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất chỉ chiếm 28% so với số giáo viên thiếu trên tổng thể (101.745 người thiếu (trừ) 2.161 người thừa).

So với số biên chế giáo viên tính theo định mức còn thiếu (65.980), số lượng biên chế đề xuất trên cũng chỉ đáp ứng 42,2%.

Hơn 1,9 triệu biên chế các cơ quan Đảng, hơn 1,9 triệu biên chế chính quyền địa phương


Mở rộng các con số, trong giai đoạn 2022-2026, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương là 1.979.433 người (gồm 6.285 người cấp Trung ương; 64.266 người cấp địa phương).


Biên chế chính quyền các địa phương (gồm UBND và HĐND cấp tỉnh trở xuống, các đơn vị sự nghiệp công lập, hội quần chúng, cán bộ, công chức cấp xã) là 1.908.882 người , ít hơn tổng biên chế khối Đảng 70.551 người.


Trong tổng biên chế chính quyền địa phương, tổng biên chế giáo viên được bổ sung là 65.980 người , chỉ chiếm 4,2% tổng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập (1.562.485 người) hoặc chiếm 3,4% nếu so với tổng số biên chế cán bộ, công/viên chức tại địa phương. Tức cứ mỗi 100 cán bộ, công chức, viên chức địa phương thì chỉ có khoảng 3-4 giáo viên.

(Số 27.850 biên chế giáo viên được đề xuất bổ sung cho năm học 2022-2023 nằm trong tổng số65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026 nói trên).

Hơn 1% giáo viên nghỉ việc trong một năm học

Theo tổng hợp chưa đầy đủ, Bộ GD-ĐT cho hay số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong năm học 2021-2022 khoảng trên 1% so với tổng số giáo viên trong cả nước, tập trung ở các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương…; Những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội quá khó khăn như Gia Lai, Sơn La… cũng có hiện tượng giáo viên nghỉ việc đông hơn một chút so với các địa phương khác.

Theo Bộ GD-ĐT, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là chính sách tiền lương còn rất thấp; khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục còn hạn chế nên giáo viên cảm thấy bị áp lực; giáo viên được tuyển dụng và phân công đến công tác xa gia đình trong điều kiện sinh hoạt, công tác nhiều thiếu thốn, xa xôi, thiếu nhà ở công vụ…

Với tổng số 1.212.684 giáo viên trong năm học 2021-2022, con số trên 1% nghỉ việc tương đương khoảng hơn 120.000 người.

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, trong 5.501 viên chức nghỉ việc trong 2 năm qua, lĩnh vực giáo dục chiếm tỷ lệ cao nhất với 2.436 người (tiếp theo là y tế 2.145 người). Tại Bình Dương, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, có 527 giáo viên nghỉ việc, phần lớn vì thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống.


Nguyễn Quân

Chia sẻ Facebook