Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân xã Yên Tiến (huyện Ý Yên, Nam Định) lại về đình làng lấy "lửa Thánh” cầu chúc cho năm mới sung túc, đủ đầy.
|
Vào thời điểm chuẩn bị chuyển giao, đêm 9/2 (tức 30 Tết Âm lịch) hàng trăm người dân ở thôn Đằng Chương (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tập) trung ở đình làng Đằng Chương. Không phải đốt pháo, người dân Đằng Chương sẵn sàng cho nghi thức đặc biệt là rước lửa thánh về nhà để lấy may.
|
|
Trước đó, tại mỗi gia đình đều chuẩn bị những cây đuốc cho nhà mình.
|
|
Cây đuốc được quấn vải, quấn dây thép rồi sau đó tẩm dầu hoả.
|
|
Thời khắc giao thừa điểm, trong tiếng chuông vang vọng, cụ từ đình làng mở cửa đình, thắp hương lễ Thành hoàng làng, rồi lấy lửa từ bát hương đó bắt đầu chia lửa.
|
|
Ngọn “lửa thánh” được chia tại sân đình tượng trưng cho sự may mắn, mang màu đỏ với sự ấm nóng đại diện cho sự nảy nở, sinh sôi của con người.
|
|
Ngọn lửa được đốt ngay giữa đình làng - nơi thờ ông Vương Tư Đồ, người đã khai thiên lập địa nơi đây.
|
|
“Lấy lửa” đêm giao thừa là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người dân làng nghề đồ thờ truyền thống thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
|
|
Theo các cụ cao niên trong thôn cho biết, làng Trang hay còn gọi là thôn Đằng Chương gọi tắt theo tên cổ từ ngày thành lập làng từ thế kỷ thứ X thời kỳ nhà Đinh do cụ Nguyễn Bạc Tự người dân gọi là cụ Vương Tư Đồ, húy là Nguyễn Đinh Điền (một trong tứ trụ triều đình nhà Đinh) về đây khai dân lập ấp. Ngay từ đó, cứ đêm giao thừa mỗi năm cụ lại đốt lửa chia cho dân làng như mang sự may mắn, sung túc đủ đầy, ấm áp đến cho mỗi người dân. Tục lấy lửa như vậy được ra đời và lưu truyền đến ngày nay.
|
|
Tục xin lửa của người dân làng không chỉ để cầu năm mới ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng, người người gặp nhiều may mắn mà còn thể hiện lòng thành kính của người dân, nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến công ơn của người có công lao khai mở đất nước bờ cõi.
|
|
Những người đi rước lửa đều là thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú, học hành giỏi giang bởi văn hóa “chọn người chọn tuổi” đẹp đầu năm mới trong tín ngưỡng nhiều thế hệ người Việt. Từ ngọn đuốc chính từ đình làng, đại diện làng sẽ chia lửa vào các ngọn đuốc, từng nhà liên tiếp truyền lại lửa cho nhau tạo nên khung cảnh rực sáng đêm đầu xuân năm mới.
|
|
Trên các nẻo đường, ai cũng cố gắng di chuyển thật nhanh để mong sao mình là người đầu tiên về nhà sớm bởi người dân trong làng quan niệm rằng, nếu là người về nhà đầu tiên thì cả năm đó, gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.
|
|
Trong thời khắc giao hòa giữa trời và đất, ánh lửa thiêng bùng lên sáng rực cả một góc trời, mọi người chĩa đầu cây đuốc vào để lấy lửa, sau đó giơ cao ngọn đuốc rồi tỏa về khắp các ngõ, xóm.
|
Lửa mang về nhà sẽ được dùng để thắp hương bàn thờ gia tiên, cúng trời đất và thổi vào bếp để mong cho năm mới làm ăn phát tài, phát lộc, mùa màng bội thu.
Ông Phạm Trọng Lam (người dân làng Trang) chia sẻ: “Với mỗi người dân làng, ngọn lửa luôn mang đến niềm vui, ấm nó, may mắn trong năm mới. Tục lệ lấy lửa luôn được mỗi người chúng tôi giữ gìn trân trọng như báu vật của làng, giúp con cháu nhớ về cội nguồn, hiểu thêm những nét đẹp truyền thống dân tộc”.
|
Với những gia đình không có người đi xin “lửa thánh” thì chỉ cần có hàng xóm láng giềng đem lửa lấy từ đình làng sang xông nhà. Hàng xóm đồng ý mừng tuổi cho gia đình thì ngọn “lửa thánh” vẫn được sử dụng để thắp hương bàn thờ gia tiên và nổi lửa ở bếp trong 5 ngày tết, với ý nghĩa may mắn đầu xuân tương tự.
|