Nam diễn viên hài nổi tiếng Vbiz bất ngờ khoe ảnh lên xe hoa, kết hôn đồng giới ở Mỹ?

Chia sẻ Facebook
31/03/2024 04:32:33

Hình ảnh được đích thân nam diễn viên hài nổi tiếng Vbiz này đăng tải sáng 29/3 đã khiến dân tình 'dậy sóng'.

Mới đây, trên trang cá nhân, diễn viên Minh Dự đã khiến nhiều khán giả bất ngờ khi chia sẻ hình ảnh tay trong tay hạnh phúc bên cạnh một chú rể.


Theo đó, Minh Dự cười tươi, hạnh phúc cầm hoa cưới. Tay còn lại nắm chặt chú rể. Nam diễn viên hài viết: "Cảm ơn anh đã đến bên em! Xin lỗi cô dâu, tôi mượn chút tôi trả".

Minh Dự bất ngờ đăng tải hình ảnh cầm hoa cưới, tay trong tay với chú rể ở nước ngoài.

Thoạt nhìn, nhiều người lầm tưởng sao nam Vbiz này bí mật lên xe hoa ở nước ngoài. Tuy nhiên, Minh Dự chỉ đang hỗ trợ bưng mâm quả cho một người bạn tổ chức lễ cưới ở Mỹ, không hề có chuyện nam diễn viên hài này lên xe hoa.

Ở một bài đăng trước đó, Minh Dự cũng hóm hỉnh trêu rằng việc bưng mâm quả của anh kéo dài từ trong nước ra quốc tế.


"Nhận bưng quả trọn gói trong và ngoài nước" , Minh Dự hài hước viết trên trang cá nhân.

Hóa ra, nam diễn viên chỉ là thành viên trong dàn bưng mâm quả trong lễ cưới người bạn đồng nghiệp ở Mỹ.

Minh Dự là "cây hài" quen mặt của sân khấu miền Nam cũng như màn ảnh thông qua các wed-drama, chương trình truyền hình, phim điện ảnh,... Là người nổi tiếng và ít nhiều có những thành tựu, song ít ai biết rằng, Minh Dự xuất thân trong một gia đình lao động, có bố làm nghề sửa tivi, mẹ làm nhân viên dọn vệ sinh.


Thế nhưng, Minh Dự chưa bao giờ chạnh lòng vì nghề nghiệp của bố mẹ. Anh từng chia sẻ: "Ba tôi sửa điện tử giỏi nên thiết kế cho tôi những cây quạt bằng pin và khi đi học những bạn bè trong lớp đều trầm trồ vì chỉ mình tôi có món đồ đó. Còn khi mẹ làm tạp vụ, mẹ thấy ai bỏ cuốn sách nào đó, mẹ gom lại đem về cho tôi đọc hay ai cho mẹ những bình nước đẹp thì mẹ cũng mang về để mình dùng. Tôi không bao giờ chạnh lòng vì những điều đó mà đó chính là động lực để lo cho ba mẹ nhiều hơn".

Minh Dự chưa bao giờ tự ti về nghề nghiệp của bố mẹ.

Trước đó, báo Ngôi sao ngày 20/11/2023 cũng có bài đăng với thông tin: "Minh Dự: 'Tôi từng thất bại trong việc biến giảng đường thành sân khấu'". Nội dung được báo đưa như sau:

Dù là diễn viên hoạt náo trên sân khấu, Minh Dự gặp không ít khó khăn khi thử sức ở lĩnh vực sư phạm với vai trò trợ giảng.

Khi nhắc đến Minh Dự, khán giả sẽ nhớ về một diễn viên hài duyên dáng, hoạt ngôn trên sân khấu. Song song hoạt động nghệ thuật, Minh Dự cũng tham gia công tác giáo dục với vai trò trợ giảng đại học. Anh chia sẻ sự nghiệp giảng dạy của mình xuất phát từ tình yêu văn chương và sự trân trọng con chữ.

Minh Dự hiện là trợ giảng khoa Văn, Đại học Văn Hiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp


- Cơ duyên nào đưa anh đến với giảng đường?

- Tôi từng chia sẻ rằng mẹ làm công nhân, tạp vụ ở trường học, bệnh viện để kiếm từng đồng nuôi tôi ăn học. Từ bé, tôi đã có ý thức với việc học, yêu văn chương, chữ nghĩa. Lúc đặt bút ghi nguyện vọng thi vào khoa Văn, tôi định hướng bản thân sẽ theo nghề dạy học.

Nhưng rồi số phận đẩy tôi bén duyên với sân khấu. Với lịch diễn dày đặc, chắc chắn tôi không thể dạy các lớp trung học. Tình cờ, khoa Văn có một môn tên Văn học thực tiễn, trường muốn tìm nhân vật là người từng học văn, thành công ở đa dạng lĩnh vực để dẫn dắt sinh viên. Tôi vốn xuất thân từ khoa, đạt vài thành tựu trong lĩnh vực diễn xuất, lại tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật mang tính văn học nên được trường ngỏ lời. Sau khi nhận được lời mời, tôi đồng ý không chút do dự.

Hiện tôi chỉ dạy một môn gồm 4-5 buổi mỗi học kỳ. Những tiết đầu, tôi trò chuyện với các bạn. Cuối môn, các bạn sẽ làm báo cáo, không thi. Tôi hay mời nhiều nhân vật có tiếng trong lĩnh vực chuyên môn như cô Hồng Đào, MC Liêu Hà Trinh, MC Quang Bảo, diễn viên Puka... đến chia sẻ với sinh viên.

Lúc gia đình biết chuyện, họ rất mừng và tự hào về tôi. Giờ đây, tôi có thể tự kiếm tiền bằng con chữ. Không những thế, tôi vừa đi dạy, cũng vừa theo đuổi được đam mê diễn xuất.


- Ngoài kiến thức trong bài, anh còn muốn truyền tải những giá trị gì đến sinh viên?

- Tình yêu văn học là điều đầu tiên tôi muốn truyền tải đến sinh viên. Ngoài kiến thức thô, tôi kể rất nhiều câu chuyện bên lề với mong muốn kích thích và truyền cảm hứng cho các bạn. Tôi luôn tự hào văn học là một trong những môn "thời thượng", vì học văn là học làm người.

Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi hay "khoe" với sinh viên rằng suốt 4 năm học dù thiếu tiền, khó khăn đủ điều nhưng tôi chưa từng nợ môn nào. Năm thứ ba, tôi bắt đầu đi diễn để lo học phí, mất rất nhiều thời gian cho sân khấu, nhưng tôi chưa từng xao nhãng việc học.

Vậy tại sao bây giờ các bạn có một cuộc sống tốt, bố mẹ chu cấp đầy đủ nhưng vẫn để nợ môn, không chịu đến trường? Đôi lúc, tôi hỏi một số bạn về dự định tương lai, các bạn vẫn mông lung chưa thể trả lời rõ. Tôi chỉ mong các bạn có thể hiểu được giá trị con chữ, đầu tư cho việc học nghiêm túc hơn.

Định hướng nghề nghiệp trước đây của Minh Dự là nghề giáo, không phải nghệ sĩ. Ảnh: Hạnh Lê


- Diễn viên Minh Dự và thầy giáo Minh Dự khác nhau thế nào?

- Tôi nhận thấy khi lên lớp, các sinh viên tập trung vào mình hơn so với một giảng viên bình thường. Từ lúc bước vào lớp, tôi như trở thành tâm điểm thu hút ánh nhìn, các bạn tò mò về tôi và bài giảng của tôi thì đó đã là một sự "ưu ái" không dễ có được. Tuy nhiên, làm cách nào để kéo dài sự chú ý đó trong buổi học nhiều giờ liền lại là chuyện khác.

Thật ra ai tiếp xúc nhiều với tôi sẽ thấy Minh Dự trên sân khấu và ngoài đời hoàn toàn khác nhau. Khi nhập tâm vào nhân vật, tôi có thể nói rất nhiều, chửi rất hăng. Nhưng ngoài đời, tôi nghiêm túc và khá trầm, ngồi cà phê một mình 5-6 tiếng là chuyện bình thường.

Đó là trong cuộc sống thường ngày. Trên giảng đường, tôi càng nghiêm khắc hơn. Tôi có thể dễ chịu trong việc chấm điểm, nhưng tuyệt đối không cho phép các bạn làm việc riêng. Trong trường hợp các bạn nói chuyện khi tôi đang giảng, tôi sẽ không la mắng mà nhắc nhở nhẹ nhàng, hoặc ngừng giảng bài rồi nhìn chằm chằm vào các bạn, lúc đó các bạn sẽ tự khắc trật tự trở lại. Tôi không thích việc phê bình hay la ai đó trước lớp, vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình tượng cá nhân của sinh viên.


- Danh xưng "Thánh chửi" có theo anh xuất hiện trên lớp?

- Tôi không tự đặt biệt danh "Thánh chửi". Tên gọi này xuất hiện khi tôi bước vào các cuộc thi, gameshow giải trí, do khán giả và giới truyền thông đặt. Lúc đầu, tôi đón nhận vì nó có sức hút, không dễ để có một biệt danh trong nghề. Đôi lúc khán giả không nhớ tên mình, nhưng lại nhớ biệt danh của mình trước.

Tuy nhiên, theo thời gian, tôi lên giảng đường, tham gia các chương trình học thuật về viết lách, sáng tạo, tôi sợ hai từ "Thánh chửi" sẽ ảnh hưởng đến tác phong, danh tiếng của mình. Đương nhiên, "chửi" vẫn là một kỹ năng trên sân khấu. Khi cần nhập vai, tôi vẫn có thể chửi vanh vách nhưng tôi đang cố gắng sao cho khán giả nhìn nhận Minh Dự không chỉ biết chửi trên sân khấu, mà còn là người đa tài, biết viết sách, làm thơ để lan tỏa nhiều thông điệp nhân văn.

Hài hước trên sân khấu và mạng xã hội nhưng nghệ sĩ 28 tuổi tự nhận là thầy giáo nghiêm khắc ở giảng đường. Ảnh: Nhân vật cung cấp


- Anh gặp phải những khó khăn gì khi tham gia công tác sư phạm?

- Giai đoạn khó khăn nhất với tôi có lẽ nằm ở thời gian đầu, khi tôi lăn tăn chưa tìm ra cách tiếp cận hợp lý với sinh viên. Ngày đầu đứng lớp, tôi vừa run vừa hồi hộp, không biết làm thế nào để các bạn hợp tác với mình. Lúc đó, tôi chưa có nhiều kỹ năng sư phạm, nên nghĩ giảng đường cũng như sàn diễn của mình. Tôi muốn lớp học phải có không khí náo nhiệt như sân khấu, không muốn các bạn cảm thấy bài vở buồn chán, khô khan.

Nhưng sau đó, tôi thấy mình thất bại với quan điểm trên. Vì sân khấu là nơi mình giữ vai trò trung tâm, khán giả sẽ là người xem và tán thưởng. Còn trên giảng đường, sinh viên mới là trung tâm. Tuổi tôi không lớn hơn bao nhiêu so với sinh viên. Nên đôi lúc, có những bạn cảm thấy tôi còn quá trẻ, mới tốt nghiệp chưa lâu, chỉ học trước các bạn vài khóa nên không thiết tha nghe giảng, tôi cảm nhận được điều đó.

Lúc hơi thất vọng vì kết quả không như mong muốn, tôi tìm đến cô mình - hiện cũng là giảng viên khoa Văn - để chia sẻ và xin cô lời khuyên. Hiện tôi đã đổi phương pháp dạy, để các bạn có cơ hội thuyết trình và thảo luận nhóm nhiều hơn. Tôi để sinh viên làm "nhân vật chính" trên giảng đường, còn tôi chỉ đóng "vai phụ", là người quan sát và hướng dẫn các bạn.


- Đảm nhiệm hai công việc, anh làm thế nào để cân bằng được thời gian?

- Phía nhà trường và tôi thường thỏa thuận sao cho phù hợp lịch làm việc đôi bên. Tuy nhiên, có những hôm tôi đi tập, đi diễn rất khuya, về đến nhà đã gần sáng, tôi biết trước mình sẽ không đủ năng lượng lên lớp sớm. Tôi nhận lỗi với sinh viên, xin dời lịch học để đảm bảo chất lượng lên lớp, không muốn trạng thái của mình ảnh hưởng đến các bạn. Nói chung cũng khá vất vả, áp lực.

Vất vả là thế nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Những kỷ niệm vui với học trò là động lực rất lớn tiếp sức cho tôi trong sự nghiệp giảng dạy. Có những lớp rất hiếu động. Khi thuyết trình một tác phẩm văn học hay nói quan điểm nào đó, các bạn trình bày bằng phong cách hài hước, làm tôi cười rất nhiều.

Hay gần đây, trong đám cưới Gin Tuấn Kiệt - Puka, nhiều bạn gửi ảnh tôi trên lớp và so sánh với khoảnh khắc tôi "quậy" trong sau tiệc. Các bạn nói "Trời ơi thầy quậy quá" nhưng rất thích thầy như vậy. Những điều nhỏ đều trở thành động lực cho mình.


- Giảng đường và sân khấu, anh có nghĩ mình sẽ chọn một trong hai để theo đuổi đến cùng?

- Tôi nghĩ là không thể bỏ một trong hai. Tôi sẽ làm cả hai đến khi nào không còn khả năng nữa mới thôi. Thật ra hai lĩnh vực cũng bổ trợ qua lại. Tôi thường ứng dụng chất liệu văn học lên sân khấu, như thêm văn thơ vào lời thoại nhân vật hay lên ý tưởng cho kịch bản. Để nói trôi chảy và được những lời hay, ý đẹp trên sân khấu là điều không dễ.

Nhưng nếu buộc phải chọn, tôi vẫn ưu tiên nghiệp diễn hơn vì vẫn còn nặng lòng với sân khấu, phim trường và các nhân vật của mình.

Minh Dự không nhận quà, chỉ nhận những lời chúc mỗi dịp 20/11. Ảnh: Hạnh Lê


- Anh thường làm gì vào ngày Nhà giáo Việt Nam?

Năm nào đến ngày 20/11, tôi đều dậy sớm, chuẩn bị quần áo chỉnh tề trước khi ra ngoài. Mọi người nghĩ tôi sẽ đến lễ mừng các giảng viên ở trường đại học, nhưng thật ra tôi lái xe về thăm trường cấp ba. Tôi đứng trò chuyện cùng thầy cô, dạo quanh sân trường, nhìn ngắm lớp học cũ. Lúc đó, tôi thấy bình yên hẳn, trường học cũng cho tôi thấy mình bé nhỏ, chưa trưởng thành.

Dù ở cương vị nào, tôi luôn biết ơn những người mang cho tôi con chữ, dạy tôi nên người. Trong nghiệp diễn, hai người thầy quan trọng nhất với tôi là NSƯT Hữu Châu và diễn viên Hồng Đào. Những khi gặp khó khăn về vai diễn, tôi đều tâm sự với thầy Hữu Châu. Những tâm tư về cuộc sống thì tôi tâm sự với cô Hồng Đào.


- Những năm qua, anh đón 20/11 với tư cách người thầy thế nào?

- Thật ra với chút kinh nghiệm ít ỏi, tôi chưa dám nhận mình là "thầy". Tôi không nhận quà của sinh viên dịp 20/11, thay vào đó là những lời chúc, thường là những câu hỏi thăm sức khỏe và lời mừng dễ thương.

Nhưng năm kia, có một đoạn tâm sự khiến tôi đặc biệt xúc động. Bạn ấy nói thi vào trường, khoa Văn vì tôi, tình yêu của bạn dành cho thơ văn cũng là được tôi truyền cảm hứng. Tôi rất hạnh phúc vì nghĩ mình đã làm được việc có ích. Đó là những món quà tôi thích và không cần gì hơn.


- Dự định của anh thời gian tới?

- Tôi học xong chương trình Thạc sĩ, cuối năm nay sẽ tiến hành bảo vệ luận văn cuối khóa. Nếu thành công, tôi mong có cơ hội trở giảng viên chính thức ở trường. Tôi muốn chứng minh sự nghiêm túc và quyết tâm gắn bó lâu dài với công việc.


Sau hai cuốn sách Hay chúng mình đừng hứa hẹn gì nhauMình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng , tôi sẽ ra mắt ấn phẩm thứ ba thời gian tới. Đồng thời, tôi cũng tập trung nâng cao chất lượng series Chuyện nhà Tí, nhằm đem đến cho khán giả món ăn tinh thần chất lượng hơn.

Chia sẻ Facebook