Năm cùng tháng tận, khủng hoảng ngân sách ở Đức vẫn dai dẳng
Việc cho đến thời điểm này Chính phủ Đức vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận ngân sách càng làm nổi bật những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ liên minh cầm quyền.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng bế tắc tài chính kéo dài theo sau phán quyết gây chấn động của Tòa Hiến pháp Liên bang – một trong những tòa án tối cao của Đức – hồi giữa tháng 11.
Phán quyết đặt ra câu hỏi về các khoản “quỹ đặc biệt” ngoài ngân sách liên bang thường xuyên và tạo ra “lỗ hổng” tài chính trị giá khoảng 17 tỷ Euro khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải vật lộn để “vá” nếu muốn thông qua ngân sách năm 2024.
Hôm 7/12, bà Katja Mast, một nhà lập pháp cấp cao từ Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, thừa nhận rằng liên minh cầm quyền “đèn giao thông” sẽ không thể “chốt” được ngân sách năm 2024 trước cuối năm nay.
Ngay cả khi liên minh 3 bên – bao gồm Đảng SPD, Đảng Xanh (Greens) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) – đạt được sự nhất trí về dự thảo ngân sách trong những ngày tới, bà Mast cho biết, sẽ không có đủ thời gian để họ nhận được sự chấp thuận cần thiết của Quốc hội Đức (Bundestag) trước khi năm 2023 khép lại.
Áp lực đang đè nặng lên Thủ tướng Scholz, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner – mỗi người đại diện cho một đảng trong liên minh cầm quyền với những ưu tiên thường trái ngược nhau – về việc nhanh chóng nhất trí với nhau về một thỏa thuận ngân sách có thể được Quốc hội Đức thông qua vào đầu tháng 1.
Đảng Xanh và SPD mong muốn duy trì các khoản trợ cấp, chẳng hạn như các khoản trợ cấp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch và pin ở Đức.
Trong khi đó, để bù đắp lỗ hổng 17 tỷ Euro nói trên, Đảng FDP do ông Lindner dẫn dắt muốn cắt giảm chi tiêu và giảm trợ cấp. Ông Lindner không tin rằng Đức có thể đảm bảo khả năng cạnh tranh, sự thịnh vượng và an sinh xã hội thông qua các khoản trợ cấp như vậy.
Bộ 3 gồm ông Scholz, ông Habeck và ông Lindner đã đồng ý nối lại đàm phán ngân sách sau khi Bộ trưởng Tài chính trở về sau cuộc họp với các đối tác Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels.
Khi mục tiêu để Nội các thông qua ngân sách mới và gửi tới Quốc hội để phê duyệt vào cuối tháng 12 đã trở nên “ngoài tầm với”, ông Lindner sẽ phải vạch ra một kế hoạch tạm thời để thúc đẩy chính phủ hoạt động trong những tháng đầu năm 2024.
“Tôi đã lưu ý rằng các đối tác liên minh đã có một thời gian biểu rất tham vọng nhưng sẽ không phải là khủng hoảng nếu chúng ta không có luật ngân sách cho đến năm sau”, ông Lindner nói với các phóng viên ở thủ đô của Bỉ hôm 7/12.
“Nhà nước hoàn toàn có khả năng hoạt động, không cơ quan chức năng nào phải đóng cửa, không có khoản lương nào không được trả, và không ai sẽ không nhận được hỗ trợ tài chính mà họ đang mong đợi”, ông Lindner bổ sung.
Khi được hỏi liệu các nhà đầu tư có nên lo lắng về tình trạng bất ổn ngân sách ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu hay không, ông Lindner nhấn mạnh rằng Đức vẫn là “mỏ neo ổn định” với tỉ lệ nợ trên GDP giảm và thâm hụt hàng năm thu hẹp.
“Nơi tốt nhất để đầu tư hiện nay là Đức”, Bộ trưởng Lindner khẳng định.
Ông Scholz, ông Habeck và ông Lindner dự kiến sẽ gặp nhau vào tối 10/12 để hoàn tất thỏa thuận về ngân sách năm 2024, sau đó họ có thể trình bày với giới truyền thông vào sáng ngày 11/12 .
Minh Đức (Theo Politico EU, Bloomberg)