Nam Bộ tiếp tục mưa chuyển mùa, Trung Bộ, Tây Nguyên mưa lớn do áp thấp
Do rãnh thấp (tồn tại nhiễu động gây mưa) nối với vùng áp thấp trên Biển Đông nên khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có đợt mưa rất lớn. Khu vực Nam Bộ vẫn đang trong đợt mưa chuyển mùa, trước khi vào mùa mưa vào giữa tháng 4.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hiện tại có rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực giữa Biển Đông. Trong 1-2 ngày tới, rãnh áp thấp tiếp tục dịch chuyển dần lên phía Bắc, vùng áp thấp hoạt động mạnh dần và có xu hướng dịch chuyển về phía đất liền nước ta.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp với hoàn lưu vùng áp thấp và sau kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh nên từ ngày hôm nay 30-3 đến ngày 2-4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Lượng mưa dự báo có thể đạt 50-400mm cho cả đợt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 30-3, ông Trần Quang Năng - trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết vùng áp thấp giữa Biển Đông vẫn chưa mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới như một số trang mạng đưa tin.
"Hiện tại chúng tôi vẫn đang theo dõi sát và có bản tin cảnh báo sớm cho người dân biết để có phương án ứng phó", ông Năng nói.
Riêng khu vực Nam Bộ vẫn tiếp diễn mưa chuyển mùa trước khi bước vào mùa mưa vào giữa tháng 4.
Ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết trong tháng 4 thời tiết chủ đạo là xen kẽ nắng mưa, đặc biệt nền nhiệt độ tương đối cao khi miền Nam có đợt nắng nóng cao điểm.
Khi mưa xảy ra trong nền nhiệt cao cộng hưởng nhiệt tỏa ra từ các tòa nhà, mặt đường dễ tạo nên xáo trộn không khí lớn và sinh ra dông lốc.
"Đặc biệt là sét, ở đô thị nó không trực tiếp nhưng dễ xảy ra sét lan truyền đánh vào các đường dây điện, mạng sẽ gây hư hại thiết bị trong nhà. Còn ở các vùng nông thôn, đồng ruộng thì cần lưu ý vấn đề này, khi mưa không trú tránh dưới gốc cây lớn.
Trước mưa cũng có gió giật lên đến cấp 7-8 gây ngã đổ cây rất nguy hiểm. Ngoài ra, mưa đá cũng có thể xuất hiện trong điều kiện thời tiết này.
Về mùa màng thì lại tốt, thời điểm này có mưa thì sẽ bổ sung nguồn ẩm, nguồn nước rất tốt cho cây trồng. Những cơn mưa vừa qua xảy ra ở các tỉnh miền Tây cũng bổ sung một lượng nước ngọt đáng kể cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long", ông Quyết nói.
Tia cực tím ở TP.HCM cao nhất cả nước
Ông Nguyễn Mạnh Linh - dự báo viên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết ngày hôm nay 30-3, các tỉnh thành Bắc Bộ có chỉ số UV cực đại ở mức nguy cơ gây hại trung bình trong khi từ Trung Bộ trở vào Nam Bộ, chỉ số UV cực đại duy trì trong mức nguy cơ gây hại rất cao (7,5 trở lên).
Chỉ số tia UV tại các tỉnh, thành phố tăng lên mức rất cao từ khoảng 10h và đạt cực đại vào 12h, giảm dần và xuống ngưỡng nguy cơ gây hại trung bình sau 14h.
Tại TP.HCM, chỉ số tia UV cao nhất cả nước khi ở ngưỡng 'tím ngắt' 11. Các tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... phổ biến dưới 10.
Dự báo trong 3 ngày tới chỉ số UV cực đại tại Bắc Bộ tăng lên mức nguy cơ gây hại rất cao ở ngày đầu, sau giảm xuống mức nguy cơ gây hại trung bình 2 ngày cuối.
Các tỉnh thành Trung Trung Bộ, chỉ số UV cực đại ở mức nguy cơ trung bình trong cả 3 ngày tới.
Các tỉnh thành Nam Trung Bộ trở vào Nam Bộ, chỉ số UV cực đại ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao trong 2 ngày đầu, sau giảm xuống mức nguy cơ gây hại cao trong ngày cuối.
Từ ngày 30-3 đến ngày 2-4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đón đợt mưa lớn trái mùa với lượng mưa phổ biến từ 150-350mm, có nơi trên 400mm.