Nam bệnh nhân ho ra máu tái phát kéo dài do giãn động mạch phế quản

Chia sẻ Facebook
25/08/2022 18:44:58

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa nút mạch điều trị cho nam bệnh nhân 54 tuổi ho ra máu tái phát kéo dài do giãn động mạch phế quản.


Bệnh nhân D.V.C. (54 tuổi, trú tại xã Dân Chủ, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào viện trong tình trạng ho khạc ra máu nhiều lần dai dẳng không dứt, người mệt mỏi.

Bệnh nhân cho biết: Có tiền sử ho ra máu, đợt này tái phát ho ra nhiều máu đỏ tươi, đã đi khám và điều trị tại một cơ sở y tế nhưng không tiến triển.


Sau khi thăm khám lâm sàng, nghi ngờ nguyên nhân khiến bệnh nhân ho ra máu nhiều lần là do có tổn thương về mạch máu, kíp bác sĩ Khoa Hô hấp - Bệnh nghề nghiệp tiến hành nội soi phế quản phát hiện phế quản phải có máu chảy từ lỗ phân thùy VII, tiếp tục chụp cắt lớp mạch máu thấy có tình trạng giãn động mạch phế quản hai bên.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ho ra máu do giãn động mạch phế quản. Sau khi được điều trị nội khoa kháng sinh cầm máu, các bác sĩ Khoa Hô hấp tiếp tục hội chẩn với Khoa Chẩn đoán hình ảnh quyết định can thiệp nút tắc động mạch phế quản cho bệnh nhân.

Vị trí chảy máu đã cầm qua hình ảnh nội soi phế quản. Ảnh: BVCC

Kíp can thiệp do BSCKI. Bùi Duy Hưng, Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh phụ trách tiến hành luồn một ống thông vào động mạch đùi lên động mạch phế quản phải dưới sự hướng dẫn của máy chụp mạch xóa nền 2 bình diện DSA. Sau đó, một ống thông nhỏ hơn tiếp tục được luồn chọn lọc vào động mạch phế quản tổn thương, các hạt PVA được bơm vào mạch để nút tắc ngăn dòng máu chảy.

Ca can thiệp diễn ra thuận lợi sau 30 phút thực hiện. Bệnh nhân ăn uống, đi lại bình thường và hết ho ra máu ngay sau can thiệp. Theo dõi sau đó, bệnh nhân cũng đã chấm dứt tình trạng ho ra máu kéo dài, phục hồi chỉ sau 1 tuần điều trị tích cực

Theo các bác sĩ, ho ra máu tái phát liên tục sẽ làm mạch máu phế quản ngày càng tổn thương, nguy cơ gây ra tình trạng suy hô hấp. Tùy vào mức độ ho ra máu mà các bác sĩ có phương án điều trị phù hợp. Việc điều trị ho ra máu cơ bản là điều trị nội khoa.

Trước đây, nếu ho ra máu kéo dài, tái phát nhiều lần, bệnh nhân phải thực hiện nội soi phế quản cầm máu, trong trường hợp nặng buộc phải phẫu thuật cắt thùy phổi tổn thương và dùng kẹp cầm máu động mạch phế quản... Việc này sẽ khiến bệnh nhân hồi phục chậm, thời gian điều trị lâu, nguy cơ tai biến cao.

Hình ảnh luồn ống thông vào động mạch phế quản tổn thương để thực hiện nút tắc. Ảnh: BVCC

Với xu hướng xâm lấn tối thiểu ngày càng được ứng dụng rộng rãi, kỹ thuật can thiệp nút động mạch phế quản hiện được đánh giá là hữu hiệu nhất trong điều trị ho ra máu với những ưu điểm vượt trội so với các phương pháp trước đó. Bệnh nhân ít đau đớn, máu cầm ngay lập tức, hiệu quả điều trị lâu dài, thời gian hồi phục nhanh, không phải gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ, vì thế hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình can thiệp, giảm bớt nguy cơ tai biến trong gây mê và hồi sức sau phẫu thuật.

Ho ra máu dù không hiếm gặp nhưng lại dễ nhầm lẫn và bị bỏ sót, do tình trạng này thường liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, như: lao phổi, nấm phổi, áp xe phổi, ung thư phế quản - phổi, tắc mạch phổi, dị dạng mạch phổi, giãn động mạch phế quản…

Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, ho máu sẽ khiến máu tràn vào đường hô hấp, máu đông sẽ bít kín đường thở khiến người bệnh suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong; mặt khác nếu không kịp thời ngắt được vị trí gây chảy máu sẽ khiến cơ thể người bệnh suy kiệt do mất máu quá nhiều, ảnh hưởng đến tính mạng.

Vì vậy, các bác sĩ Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp khuyến cáo: Nếu đã bị ho ra máu, cho dù ho máu số lượng ít hay nhiều, người dân đều nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa về hô hấp để khám, phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Chia sẻ Facebook