Năm bất thường của USD

Chia sẻ Facebook
13/12/2022 11:08:03

USD vọt lên mức cao nhất 20 năm, đè nặng lên thị trường hàng hóa và các đồng tiền khác. Nhưng đà tăng trưởng của đồng bạc xanh đến nay đã mất nhiệt lượng.

Năm bất thường của USD


Thị trường ngoại hối toàn cầu liên tục chứng kiến những kỷ lục trong năm nay. Euro lần đầu rẻ hơn USD sau 20 năm. Đồng tiền của Anh suýt rơi xuống ngang mức 1 USD đổi 1 bảng Anh. Chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền lớn khác - đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2002.


Nhưng đến đầu tháng 12, chỉ số USD đã rơi xuống đáy 6 tháng. Tính đến 18h45 ngày 12/12, chỉ số USD giảm về dưới ngưỡng 105 điểm. Mức tăng so với một năm trước đó bị thu hẹp còn gần 9%. Euro được giao dịch ở mức 1,057 USD đổi 1 euro. Tỷ giá GBP/USD là 1,228 USD /GBP.

Kể từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tổng cộng 3,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.

Để kìm chế lạm phát, Fed buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.

Biến động của chỉ số USD trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics.


Ác mộng USD tăng


Các đợt tăng lãi suất mạnh tay của Fed trong năm nay là nguyên nhân đẩy đồng USD tăng vọt. Điều này thúc đẩy giới đầu tư mua vào những tài sản của Mỹ vì lợi suất ngày càng hấp dẫn. Để thực hiện các giao dịch, họ buộc phải mua đồng bạc xanh.


USD cũng mạnh lên nhờ vị thế tài sản trú ẩn an toàn. Đồng USD tham gia vào khoảng 90% giao dịch ngoại hối trên toàn cầu, chiếm 6.000 tỷ USD hoạt động kinh tế mỗi ngày trong giai đoạn trước đại dịch. Đồng bạc xanh được sử dụng từ các giao dịch qua thẻ tín dụng của khách du lịch đến những khoản đầu tư quốc tế.

Lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn

Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London


Với vị thế quan trọng trên thế giới, đồng USD thường tăng giá trong thời kỳ hỗn loạn. Một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư cho rằng đồng bạc xanh tương đối an toàn và ổn định.


Ảnh hưởng kinh tế từ xung đột Nga - Ukraine, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở một số nước lớn, các đợt bùng phát dịch tại Trung Quốc cùng lúc hỗ trợ USD .


"Một số yếu tố thúc đẩy đồng USD , nhưng động lực chính của đà tăng là lạm phát tại Mỹ và những động thái tiếp theo của Fed. Lạm phát là trung tâm của vấn đề. Bởi nó buộc Fed phải hành động quyết liệt hơn", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - nói với chúng tôi trong cuộc phỏng vấn hồi giữa tháng 7, thời điểm chỉ số USD vọt lên mức cao nhất 20 năm.


Thời điểm đó, ông Taimur Baig - Giám đốc điều hành Ngân hàng DBS (Singapore) - cho rằng đối với các nước châu Á, việc sức mạnh của đồng nội tệ giảm so với đồng USD thậm chí còn đáng lo ngại hơn lạm phát.


"Chúng tôi không lo ngại nhiều về những chính sách thúc đẩy lạm phát", ông Baig nhận định với CNBC. "Nhưng việc giá của đồng nội tệ giảm so với đồng USD và dự trữ USD cạn kiệt là vấn đề lớn hơn", ông nói thêm.

USD mạnh lên đè nặng lên chứng khoán, tiền mã hóa, các thị trường hàng hóa như vàng và dầu. Ảnh: Reuters.


Theo Bloomberg, trên khắp thế giới, các nước phụ thuộc vào nhập khẩu điêu đứng vì lãi suất và đồng USD tăng cao, giá hàng hóa trên trời, khiến họ không thể thanh toán những mặt hàng nhập khẩu bằng đồng USD . Các khoản nợ bằng USD của một số quốc gia cũng phình to.

Tại Ghana, nỗi lo khan hiếm hàng hóa bao trùm những doanh nghiệp nhập khẩu. Hàng nghìn container chở đồ ăn chất đống tại các cảng biển Pakistan. Trong khi đó, giá bánh mì tại Ai Cập tăng cao vì nhiều nhà máy không còn bột mì.


Dự trữ ngoại tệ giảm khiến nhiều quốc gia khó tiếp cận với đồng USD , còn các nhà băng chậm trễ trong việc thanh toán bằng đồng bạc xanh. "Đồng USD đang nuốt chửng đồng cedi. Chúng tôi đã rơi vào cảnh vô vọng", ông Samson Asaki Awingobit, Thư ký điều hành của Hiệp hội Xuất nhập khẩu Ghana, chia sẻ.


USD suy yếu


Nhưng USD đã bắt đầu suy yếu kể từ đầu tháng 11. Nguyên nhân là các tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ. Điều đó khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 12.

Trong bài phát biểu hôm 30/11, ông Jerome Powell - Chủ tịch Fed - xác nhận ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12.

Ông Powell lưu ý rằng các động thái như tăng lãi suất và hạ tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của Fed sẽ cần thời gian để phát huy tác dụng. Do đó, ông khẳng định việc điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất là hợp lý.

Theo dữ liệu của CME Group vào tuần trước, thị trường định giá khoảng 80% khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất xuống còn 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12, sau 4 lần nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp.

Euro tăng trở lại lên hơn mốc 1 USD đổi 1 euro. Ảnh: Trading Economics.

"Chúng ta đều hiểu rằng Fed muốn 'nhẹ chân ga' trước khi bước sang năm 2023. Điều này có thể giúp họ nhìn vào gương chiếu hậu để quan sát tình hình kinh tế", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com (London) - trả lời chúng tôi.


Theo đội ngũ chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, thị trường đang lo ngại về những thay đổi trong các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư sợ bỏ lỡ thời điểm "bán đỉnh", bởi sau khi đạt đỉnh, đồng USD có thể lao dốc nhanh và mạnh.

Dĩ nhiên, giới đầu tư khó có thể dự đoán chính xác động thái tiếp theo của Fed. Bởi các dữ liệu gần đây của Mỹ đưa ra những tín hiệu khác nhau về lạm phát. Cùng với đó là các rủi ro lớn đối với những nền kinh tế trên toàn cầu.

Theo chuyên gia Wilson, điều quan trọng không chỉ nằm ở động thái tiếp theo của Fed, mà còn là việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào khi nào với mức lãi cuối cùng là bao nhiêu.

Thảo My

Chia sẻ Facebook