Nắm bắt thị trường, giá xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng đến tháng 4/2024
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, nguồn cung cà phê khan hiếm do ảnh hưởng thời tiết nên giá cà phê tăng mạnh trong năm 2023.
Ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023, so với tháng 11/2022 giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính, tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với tháng 11/2023, nhưng tăng 32,8% so với tháng 11/2022.
Lũy kế 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến tăng.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Mexico, Hà Lan, Indonesia… tăng mạnh.
Với cà phê Arabica, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Arabica sang các thị trường Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan…
Tháng 11/2023, trong khi giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm thì trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta và Arabica tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Theo báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nguồn cung cà phê cà phê Robusta cho thị trường tiêu thụ toàn cầu từ các nước sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á có khả năng giảm đã thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường kỳ hạn tăng mua, tuy nhiên, khối lượng chưa nhiều do sự thận trọng từ vấn đề lãi suất tiền tệ.
Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến tháng 4/2024
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, giá xuất khẩu cà phê tăng kéo theo giá cà phê trong nước tăng theo. Dự kiến, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn với giá trị hơn 4,2 tỷ USD, kỷ lục mới trong xuất khẩu cà phê nhiều năm qua, theo báo Lao Động.
Trước biến động thị trường hiện nay, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, niên vụ cà phê 2023/2024 đã trải qua được 2 tháng và được dự báo tiếp tục là một niên vụ đầy khó khăn và thách thức đối với ngành cà phê thế giới. Biến đổi khí hậu với những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cà phê toàn cầu, năng suất, sản lượng và chất lượng giảm.
Việt Nam đang trong mùa vụ thu hoạch của niên vụ mới và đã thu hoạch ước khoảng trên dưới 50% sản lượng cà phê cả nước. Một số vùng thu hoạch muộn do thời tiết mưa nhiều, dự kiến sản lượng giảm nhiều so với dự kiến.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chuyển đổi cây trồng khi giá cả phê những năm qua ở mức quá thấp, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 giảm gần 13% so với cùng kỳ 2022. Khả năng cả năm 2023, lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ giảm gần 15% đạt 1,411 triệu tấn. Áp lực nguồn cung cũng sẽ giúp giá xuất khẩu cà phê tăng cao.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cà phê của Việt Nam hiện ở mức 700.000 ha, nhưng thực tế có thể chỉ còn trên 600.000 ha. Theo đó, trong niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức khoảng 1,6-1,7 triệu tấn, so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ 2022/2023, và mức giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá cà phê Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến tháng 4/2024 cho đến khi Indonesia, Brazil bước vào vụ thu hoạch mới.
Trên thị trường hàng hoá phái sinh, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 6/12, giá hai mặt hàng cà phê giảm lần lượt 4,63% với Arabica hợp đồng tháng 3 và 0,81% với Robusta hợp đồng tháng 1. Tồn kho trên Sở Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE) tăng trở lại, kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 đã gây sức ép lên giá.
Trong báo cáo kết phiên 5/12, Sở ICE-US cho biết lượng Arabica đạt chuẩn đang lưu trữ tại đây đã tăng thêm 5.275 bao loại 60kg, lên 229.341 bao, tạm thoát khỏi mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Các quốc gia sản xuất cà phê chính tiếp tục gửi hàng đến để chờ chứng nhận với 19.568 bao. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá được dự báo sẽ không kéo dài.
Theo số liệu trên báo Công Thương về thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 7/12, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 59.900 - 60.500 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với ngày hôm trước.
Trong năm 2023, trên thị trường nội địa, có thời điểm giá cà phê tăng lên gần 70.000 đồng/kg, dự báo vụ tới có thể tăng hơn nữa vì nguồn cung đang thiếu.
Vicofa khuyến cáo, giá cà phê sẽ càng tăng cao nếu người nông dân chú trọng đến chất lượng hạt cà phê nguyên liệu. Để hạt cà phê có chất lượng cà phê tốt nhất, cà phê phải được hái khi đã chín. Khi trái cà phê chín, trọng lượng sẽ tăng 10%. Điều này vừa giúp tăng sản lượng cà phê, vừa nâng chất lượng cà phê trong quá trình chế biến, ông Nam nhấn mạnh.
Thách thức với khả năng thiếu nguồn cung cà phê tại châu Âu từ năm 2025
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cảnh báo hôm 6/12 rằng Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ thiếu cà phê từ năm 2025, đồng thời chỉ ra sự mơ hồ trong các quy định mới của châu Âu về nạn phá rừng.
Theo TTXVN , mùa Xuân vừa qua, EU đã thông qua một quy định nhằm ngăn chặn nạn phá rừng để sản xuất hàng hóa cho thị trường châu Âu. Các công ty nhập khẩu một số sản phẩm nhất định, chẳng hạn như cà phê, sẽ phải áp dụng hệ thống giám sát cây trồng và sẽ bị phạt tiền nếu vi phạm. Quy định có hiệu lực vào tháng 6/2023 và cho phép các doanh nghiệp thời gian đến cuối năm sau để thích ứng.
Tuy nhiên Giám đốc điều hành của ICO Vanúsia Nogueira cho hay, các quy định mới vẫn gây ra nhiều bất ổn. Bà Nogueira cảnh báo tại một hội nghị: “Nếu các công ty không đưa ra phản hồi để tuân thủ các quy định mới này, EU có thể không nhận đủ cà phê từ năm 2025. Những quy định mới này sẽ là thách thức lớn nhất của chúng tôi trong năm tới. Chúng tôi lo ngại rằng những trang trại nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng những yêu cầu mới này".
Đối với một số nhà sản xuất cà phê ở châu Phi hoặc Trung Mỹ, châu Âu đến nay vẫn là thị trường quan trọng nhất. Do đó, họ rất dễ bị tổn thương trước quy định mới này của châu Âu liên quan đến nạn phá rừng. Đặc biệt, các biện pháp này cũng áp dụng cho các sản phẩm khác như chăn nuôi, gỗ, dầu cọ, ca cao, sôcôla hay đồ nội thất làm từ gỗ.
Trúc Chi (t/h)