Năm ăn nên làm ra của doanh nghiệp niêm yết ngành phân phối ô tô

Chia sẻ Facebook
08/02/2023 09:52:35

Hơn một năm từ khi các biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, kinh tế dần đi vào quỹ đạo ổn định, nhu cầu mua sắm và đi lại của người dân Việt Nam dần hồi phục. Được lợi từ xu hướng đó cùng với những hỗ trợ từ Chính phủ, bức tranh lợi nhuận của ngành ô tô trong năm 2022 đã tươi sáng hơn. Nhiều doanh nghiệp báo lãi ở mức kỷ lục trong lịch sử.

Năm ăn nên làm ra của doanh nghiệp niêm yết ngành phân phối ô tô


Các yếu tố vĩ mô hỗ trợ mạnh cho xu hướng ngành

Ngành ô tô năm 2022 nhìn chung trải qua 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 9 tháng đầu năm với sự hồi phục của kinh tế, hoạt động đi lại trở lại bình thường, mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Bên cạnh đó, Nghị định 103/2021/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp trong nước cũng hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng của ngành.

Bộ dữ liệu từ Báo cáo di chuyển cộng đồng của Google (Community Mobility Reports) cập nhật đến ngày 15/10/2022 cho thấy lượng người đến các địa điểm được chọn có xu hướng gia tăng từ cuối quý 1/2022.

Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy doanh số bán hàng theo tháng tăng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Giai đoạn 3 tháng cuối năm, doanh số bắt đầu chững lại khi tín dụng thắt chặt hơn, mặt bằng lãi suất tăng cao do ảnh hưởng từ 2 đợt tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 9 và tháng 10. Các khách hàng khó tiếp cận được vốn vay, nhu cầu tiêu dùng giảm đi.

Yếu tố trên cũng là nguyên nhân chính được đề cập trong giải trình biến động kết quả kinh doanh quý 4/2022 của phần lớn doanh nghiệp ngành ô tô.

Theo VAMA, cả năm 2022, có hơn 404.6 ngàn xe bốn bánh được bán ra, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ô tô du lịch bán được gần 317 ngàn chiếc (tăng 48%), xe thương mại đạt hơn 82.7 ngàn chiếc (giảm nhẹ 1.5%) và xe chuyên dụng đạt gần 5 ngàn chiếc (tăng 14%).

Toyota là nhãn hiệu xe được bán nhiều nhất với thị phần 22%. Các vị trí tiếp theo là Huyndai, Kia và Mitsubishi chiếm lần lượt 17%, 15% và 10% thị phần.


Theo SSI Research, xe nhập khẩu (chiếm tỷ trọng từ 30 - 40% trong tổng lượng xe bán ra) tăng mạnh. Năm 2022, lượng xe nhập khẩu tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu tiêu thụ xe nhập khẩu có chiều hướng tăng.


Cũng theo SSI Research, dù các nhà sản xuất ô tô trong năm 2022 phải đối diện với tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn, khiến hoạt động kinh doanh bị cản trở, nhưng cũng là cơ hội để các đại lý bán xe nâng giá bán cao hơn, lên đến 50% trên mỗi chiếc xe.

Các quy định quan trọng trong năm vừa qua với ngành công nghiệp ô tô

Nguồn: SSI Research


Doanh thu cao kỷ lục, lãi sau thuế tăng phi mã

Thống kê từ 6 doanh nghiệp niêm yết ngành phân phối ô tô cho thấy, tổng doanh thu năm 2022 tăng 28% so với năm 2021. Các doanh nghiệp đều tăng trưởng hai con số.


Đáng chú ý nhất là CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, HOSE : SVC ). Doanh thu đạt kỷ lục trong lịch sử với gần 21.5 ngàn tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2021 và cao hơn so với năm 2019 (gần 18.3 ngàn tỷ) - mức trước dịch COVID-19. Quy mô doanh thu của SVC gần bằng tổng doanh thu của 5 doanh nghiệp xếp sau cộng lại.


Với vị thế là nhà phân phối xe hạng sang Mercedes-Benz có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HOSE : HAX ) ghi nhận doanh thu cao nhất từ trước đến nay gần 6.78 ngàn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021 và cao hơn 31% so với mức trước dịch COVID-19.

Trong năm qua, HĐQT Haxaco đã thông qua việc nhận quyền sử dụng đất tại đường Võ Văn Kiệt, phường An Lạc, quận Bình Tân (TPHCM) để phát triển dự án khu phức hợp kinh doanh xe ô tô kết hợp văn phòng, căn hộ cao cấp. Giá trị ghi nhận tại khoản mục bất động sản đầu tư này là hơn 469 tỷ đồng.


Với doanh thu lũy kế 2022 đạt gần 6.3 ngàn tỷ đồng, CTCP Auto City (Auto City, HOSE : CTF ) thoát được xu hướng sụt giảm doanh thu liên tiếp trong 3 năm trước. CTF được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng cao đối với dòng xe Ford với nhiều phiên bản được nâng cấp mẫu mã, phù hợp với người tiêu dùng, trong khi CTF là đại lý Ford lớn nhất. Dù mức tăng trưởng doanh thu cao đến 40% so với năm trước, City Auto vẫn chưa vượt qua được con số trước đại dịch vào năm 2019 là hơn 6.35 ngàn tỷ đồng.


Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, UPCoM: VEA ) cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu thuần 18%, đạt 4,747.6 tỷ đồng. So với năm trước dịch bệnh, doanh thu VEA tăng gần 6%.


CTCP Ô tô TMT ( HOSE : TMT ) cũng đạt doanh thu thuần cao thứ 2 trong lịch sử với hơn 3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 20%. Năm 2015, TMT có doanh thu cao nhất lịch sử là hơn 3.36 ngàn tỷ đồng.


CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long ( HOSE : HTL ) có năm thứ 3 cán mốc doanh thu ngàn tỷ khi đạt trên 1 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, tăng 16%. Trước đó, năm 2015 và 2016, HTL lần lượt đạt doanh thu hơn 1.7 ngàn tỷ và 1.2 ngàn tỷ.


Một ông lớn khác, dù không niêm yết, nhưng cũng cho thấy màu sắc kinh doanh tươi sáng là THACO AUTO, đạt doanh số hơn 131 ngàn xe, tăng 25%. Trong đó, chiếm lớn nhất là xe hãng Kia, hơn 60.7 ngàn chiếc (tăng 34%) và hãng Mazda với hơn 36 ngàn chiếc được bán ra (tăng 32%). Thị phần THACO AUTO tiếp tục dẫn đầu với 36.1%. Theo SSI Research, THACO gần đây đã đàm phán thành công để lắp ráp trong nước một số mẫu xe của thương hiệu BMW (X3, X5, 3-Series, 5-Series).


Đến hết năm 2022, phần lớn các doanh nghiệp đều báo lãi kỷ lục (trừ TMT và HTL ). Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình của 6 doanh nghiệp đạt gần 67%. Lãi ròng SVC và CTF đều cao hơn gấp đôi năm trước, lần lượt đạt 329 tỷ và 109 tỷ đồng.


Không kém cạnh, lãi ròng HAX tăng trưởng ở mức 50% so với năm trước, đạt hơn 239 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong lịch sử của đơn vị này từ trước đến nay.


Trong khi đó, TMT và HTL , dù lãi ròng không phải mức cao nhất lịch sử nhưng tăng trưởng cũng ở mức hai con số, lần lượt đạt 50 tỷ (tăng 21%) và 40 tỷ đồng (tăng 47%).


VEA có lãi ròng kỷ lục và mức lãi của riêng VEA đã gấp 10 lần 5 doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, lãi ròng của Công ty phần lớn không đến từ bán hàng và cung cấp dịch vụ mà từ hoạt động liên doanh liên kết và lãi tiền gửi.


Tính đến ngày 31/12/2022, VEA sở hữu 30% vốn Công ty Honda Việt Nam; 20% vốn Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; 25% vốn Công ty TNHH Ford Việt Nam. Năm 2022, hoạt động liên doanh liên kết giúp Công ty thu về khoản lãi gần 7 ngàn tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước; lãi tiền gửi ngân hàng gần 803 tỷ đồng, tăng 13%. Lãi ròng hơn 7.6 ngàn tỷ đồng, tăng 32%.


Giá cổ phiếu hưởng lợi


Giá cổ phiếu các doanh nghiệp phân phối ô tô năm 2022 nhìn chung có mức tăng trưởng trung bình cao hơn so với VN-Index . Dù dẫn đầu về kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu SVC vẫn xếp sau CTF về mức tăng. Diễn biến của cổ phiếu CTF trong năm phần lớn đi ngược pha với các mã khác trong ngành và thị trường chung. Còn cổ phiếu VEA (chiếm 90% vốn hóa thị trường của ngành, theo SSI Research) ổn định trong năm 2022.


Ở chiều ngược lại, HTL , HAX và TMT đều giảm. Dù vậy, chỉ có HAX và TMT có mức sinh lời thấp hơn so với thị trường chung trong năm 2022.

Diễn biến giá cổ phiếu các doanh nghiệp phân phối ô tô trong năm 2022

Nguồn: VietstockFinance

Dự báo các xu hướng của thị trường ôtô trong năm Quý Mão 2023

Kha Nguyễn

Chia sẻ Facebook