Năm 2023, xuất khẩu quế thu về 260,9 triệu USD
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam.
Giá bình quân xuất khẩu quế trong năm 2023 đạt 2.918 USD/tấn giảm 22,1% so với năm ngoái. Theo Công Thương , Ấn Độ là thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 42,6% đạt 38.038 tấn, tăng 14,0% so với năm trước. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ chiếm 11,4% đạt 10.163 tấn, tăng 7,0%; Bangladesh chiếm 6,2% đạt 5.564 tấn, tăng 32,1%…
Các doanh nghiệp xuất khẩu quế hàng đầu trong VPSA bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 13.839 tấn, chiếm 15,5% giảm 8,4%; Senspices Việt Nam đạt 5.131 tấn, chiếm 5,7%. tăng 39,0%; gia vị Sơn Hà đạt 4.677 tấn, chiếm 5,2% giảm 0,7%; Olam Việt Nam đạt 3.445 tấn, chiếm 3,9%, giảm 27,1% và Tuấn Minh đạt 3.115 tấn, chiếm 3,5%, giảm 0,1%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, diện tích quế Việt Nam ước đạt 180 ngàn ha. Diện tích quế tăng trong những năm gần đây do thời điểm năm 2018 giá quế ở mức cao, nên người nông dân bắt đầu mở rộng trồng quế.
Hiện trồng quế đang là sinh kế của hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Theo Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên, năm 2022, Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD. Hiện, một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp của khối FDI, tuy nhiên chưa đủ so với ngành quế Việt Nam.
Cũng theo bà Hoàng Thị Liên, tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế nhưng Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường.
Chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng quế Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với năng suất quế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ.
Tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế còn chưa phát triển mặc dù Việt Nam có hơn 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị nhưng chủ yếu làm thương mại.
Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngành gia vị còn thiếu công nghệ và vốn để đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó có quế; năng lực kỹ thuật chuyên sâu chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có nghiên cứu đánh giá tiềm năng khác từ quế để thúc đẩy giải pháp gia tăng giá trị (thị trường carbon, giá trị sản phẩm phụ từ quế…).
Theo Vietnam+ , chia sẻ về định hướng phát triển ngành quế, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) Triệu Văn Lực cho rằng, cần xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng; hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho quế; nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây quế; phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Minh Hoa (t/h)