Năm 2023, tuyển sinh ngành khoa học cơ bản tiếp tục gặp khó

Chia sẻ Facebook
08/09/2023 06:32:12

Năm 2023, một số ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh trong vài năm trở lại đây tiếp tục gặp khó khi sắp hết hạn xác nhận nhập học trực tuyến nhưng chỉ lác đác vài sinh viên hoàn tất thủ tục.


Dài cổ ngóng sinh viên

Theo thông tin từ Phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, đến chiều 7/9 – dù chỉ còn 1 ngày nữa là hết thời hạn xác nhận nhập học trực tuyến với những thí sinh đã trúng tuyển đại học đơt 1 năm 2023 nhưng hệ thống của trường mới ghi nhận có 5 thí sinh hoàn tất thủ tục, chính thức trở thành sinh viên ngành học cơ bản Khóa 68 của trường.

Sinh viên Khóa 68 - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội làm thủ tục nhập học (Ảnh: HUS)

“Với chỉ tiêu 30 nhưng ngành Địa chất có 8 thí sinh trúng tuyển; trong đó mới 5 thí sinh nhập học. Ngành Tài nguyên môi trường Nước và Hải dương học cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi số chỉ tiêu là tối thiểu nhưng thí sinh lựa chọn đã ít, số nhập học thực tế còn ít hơn” – đại diện cơ sở đào tạo này cho biết.

Cũng theo đơn vị, vài năm trở lại đây, 3 ngành Địa chất, Tài nguyên môi trường Nước và Hải dương học đều đứng trong tốp ngành tuyển sinh kém nhất của trường; số thí sinh nhập học đợt 1 chỉ chiếm khoảng 1/5 chỉ tiêu đề ra.

Khó tuyển sinh ở các ngành khoa học cơ bản là thực trạng báo động tại hai ĐH Quốc gia. Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa diễn ra, đại diện ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ lo lắng khi năm nay, các ngành khoa học cơ bản tiếp tục bị thí sinh quay lưng.

PGS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ cấu ngành học hiện nay có sự bất cập liên quan đến các ngành khoa học cơ bản. Người học chạy theo những ngành xu thế, ngành hot, còn những ngành cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước, của xã hội thì không nhận được nhiều sự quan tâm.

Tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, có những ngành tuyển không nổi 10 sinh viên hoặc chưa tới 50% chỉ tiêu như: Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Hải dương học, Khoa học môi trường... Một số ngành như Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý chỉ duy trì tuyển khoảng 50-100 sinh viên mỗi năm, ít hơn các ngành khác.

Bộ GD&ĐT thông tin, có 4 lĩnh vực tuyển sinh kém nhất: Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội. Kết thúc các đợt tuyển sinh, 4 ngành này chỉ tuyển được 49-61% chỉ tiêu đặt ra.


Thực hiện chính sách học bổng là chưa đủ

Trao đổi với báo chí, PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thừa nhận các ngành khoa học cơ bản tuyển sinh rất khó khăn.

Cần đẩy mạnh chính sách ưu đãi cho sinh viên ngành khoa học cơ bản (Ảnh: HUS)

'Những ngành này không phải không có cơ hội việc làm, hiện nay nhà nước rất cần những chuyên gia giỏi. Tuy nhiên sau khi ra trường, môi trường làm việc của ngành khoa học cơ bản không được thuận lợi như những ngành khác; phần lớn việc làm ở cơ qua nhà nước, lương khởi điểm thấp. Trong khi đó thống kê cho thấy, những năm gần đây tỉ lệ làm việc trong các doanh nghiệp bên ngoài chiếm đa phần, chỉ trừ một số vẫn muốn theo hướng nghiên cứu '- TS Vũ Hoàng Linh cho hay.

Để thu hút tài năng và người học vào những ngành khoa học cơ bản, hai ĐH quốc gia đã triển khai nhiều gói học bổng với ưu đãi đặc thù. Năm học 2022-2023, ĐH Quốc gia Hà Nội triển khai chương trình học bổng 'Thu hút tài năng' đối với 9 ngành khoa học cơ bản của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và 9 ngành của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Gói học bổng gồm: Miễn học phí, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác, hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học, miễn chỗ ở nội trú.

Còn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh duy trì gói học bổng 2 tỉ đồng để cấp học bổng toàn phần và bán phần (100% học phí và học bổng bán phần 50% cho năm học đầu tiên) dành cho thí sinh trúng tuyển năm 2023 với thành tích cao vào 7 ngành/nhóm ngành hướng đến đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực phục vụ một số mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia đến năm 2030.

Đưa ra giải pháp thu hút tuyển sinh với các ngành khoa học cơ bản, PGS-TSKH Vũ Hoàng Linh cho rằng, điều quan trọng là cần đổi mới và tích hợp chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng hơn; đồng thời tích cực tổ chức các hội thảo hướng nghiệp, kết nối nhà tuyển dụng để sinh viên ra trường có nhiều cơ hội việc làm có thu nhập cao.

Ở góc nhìn thực tế, phụ huynh Ngô Thị Hồng Hạ (Hà Nội) cho rằng, cứ đảm bảo sinh viên học khoa học cơ bản ra trường có việc làm thu nhập tốt thì học sinh sẽ tự tìm đến ngành để đăng ký và phụ huynh cũng sẽ tư vấn con chọn học ngành khoa học cơ bản.

Còn PGS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, ngoài các chính sách học bổng hiện có, Chính phủ cần hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhiều hơn bằng cách mở rộng diện miễn, giảm học phí cho sinh viên; đặc biệt là có cơ chế đặt hàng với những ngành khoa học cơ bản bởi 'khoa học cơ bản là nền tảng cho sự phát triển bền vững; nếu không đầu tư mạnh mẽ vào các ngành học này, nền tảng sẽ bị lung lay'.

Chia sẻ Facebook