Năm 2023, dệt may Việt Nam "bứt phá" về thị trường xuất khẩu

Chia sẻ Facebook
25/11/2023 02:29:41

Năm nay, lần đầu tiên hàng dệt may Việt Nam có mặt tại 104 thị trường, vùng lãnh thổ, dự kiến thu về hơn 40 tỷ USD.


Xuất khẩu dệt may dự kiến về đích với 40,3 tỷ USD

Theo số liệu thống kê đến hết 10 tháng năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 33 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm trước.

Trong bức tranh không mấy sáng của năm nay, điểm được ghi nhận nổi bật của ngành là bứt phá về thị trường. “Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ”, ông Vũ Đức Giang-Chủ tịch Vitas nói. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD.

Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay Việt Nam đã xuất khẩu một lượng đáng kể hàng dệt may sang Canada, Trung Quốc, Anh, Australia, Nga, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong, Ấn Độ… Trong số các thị trường trọng điểm của ngành, xuất khẩu sang EU năm nay không đạt kỳ vọng, 9 tháng giảm 13%.


Nhằm phát triển đa dạng thị trường, doanh nghiệp dệt may trong nước đã đa dạng được mặt hàng xuất khẩu. Theo thống kê của Vitas, 9 tháng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu 36 loại mặt hàng đi khắp thế giới, trong đó jacket vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 4,385 tỷ USD, quần áo các loại 3,853 tỷ USD, áo thun 3,85 tỷ USD, sơ mi 1,879 tỷ USD, quần áo trẻ em 1,7 tỷ USD, vải các loại 1,7 tỷ USD… Đặc biệt, mặt hàng Veston đã khôi phục đáng kể trong năm nay, theo Công Thương.

“Chính bởi nỗ lực đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng xuất khẩu đã giúp ngành dệt may dần vượt qua khó khăn, tiến tới mục tiêu không phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu lớn”, lãnh đạo Vitas cho hay.

Năm 2023 dệt may Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa.

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền Con người và Môi trường trong Chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Theo báo Tin Tức, nngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (trong đó: 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính Phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định.

Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, VITAS xây dựng mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Trước những thách thức của thị trường, muốn đạt được mục tiêu đề ra, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, lấy lợi ích của doanh nghiệp dệt may làm trọng tâm. Cụ thể, Hiệp hội thực hiện tốt vai trò kết nối các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…

Đặc biệt, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến Hội viên. Đặc biệt, VITAS luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, phản ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.

“Mục tiêu xuyên suốt năm 2024 của ngành dệt may Việt Nam là tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính, đầu tư sâu vào hệ thống nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần nồi hơi đốt bằng nhiên liệu hóa thạch. Trong đó, đầu tư vào quản trị số, kiểm soát thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp thời trang…”, Chủ tịch VITAS cho hay.

Người đứng đầu Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết thêm, hiện nay là cơ hội số 1 cho dệt may thâm nhập vào thị trường toàn cầu nhờ các FTA nhưng có 3 yếu tố cần tuân thủ. Đó là doanh nghiệp cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động nền công nghiệp thời trang. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động, xây dựng chuỗi chặt chẽ với nhà sx sợi, nhuộm, tạo chuỗi trong chiến lược phát triển, tiến tới làm chủ cuộc chơi về thương hiệu toàn cầu.


Những thách thức cho năm 2023

Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính đều giảm hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng, như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải...,


Từ đầu năm 2023, hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu được ngành dệt may đưa ra, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD. Cũng theo dự báo, khó khăn sẽ kéo dài tới hết quý I, thậm chí tới quý II/2023. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu, theo báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua. Do đó, ngành dệt may cần tập trung vào các giải pháp hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cơ cấu lại sản phẩm để duy trì sản xuất...

Trước những dự báo từ đầu năm cho đến nay vẫn còn nhiều thách thức lớn với ngành dệt may. Theo đó, năm 2023 dự kiến ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.


Trúc Chi (t/h)

Chia sẻ Facebook