Năm 2021, 19% sinh viên tốt nghiệp làm việc không đúng ngành đào tạo

Chia sẻ Facebook
11/10/2022 09:44:35

Với 19% SV tốt nghiệp làm không đúng ngành, 25% chỉ có tính liên quan đến ngành đào tạo, con số trái nghề lên tới 44% SV tìm được việc làm. 

Trong năm 2021, có 19% sinh viên tốt nghiệp làm việc không đúng ngành đào tạo. Nếu tính thêm 25% số người làm việc chỉ có tính liên quan đến ngành đào tạo, con số tổng làm trái nghề chiếm tới 44%, gần một nửa số sinh viên tìm được việc làm.

Công nhân quét keo lên ván ép trong một nhà xưởng tại Đồng Hới, Quảng Bình, tháng 4/2020. (Ảnh minh họa: Loner Nguyen/Shutterstock)

Thống kê trên được đưa ra tại hội thảo Hướng nghiệp suốt đời-Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục & Đào tạo) phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số đơn vị tổ chức vào chiều 8/10.

Theo Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Trung tâm MOET-TSC, Bộ Giáo dục & Đào tạo), năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đào tạo là 56%, số còn lại là chỉ liên quan đến ngành đào tạo (25%), thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo (19%).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5% trong khi có tới 61,1% người có trình độ đại học có nhu cầu tìm việc, cao đẳng và trung cấp là 33% (Bản tin thị trường lao động Việt Nam – Quý 2/2022).

Xét trên tổng thể thị trường việc làm, 5 nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là quản lý trong du lịch – khách sạn, tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, lao động may mặc và da giày, lao động điện tử. Tuy nhiên, 5 nhóm nghề có người lao động tìm việc nhiều nhất lại là lao động giản đơn trong ngành bán lẻ, kế toán/kiểm toán, phụ vụ trong khách sạn- nhà hàng, nhân viên kinh doanh và quản lý, nhân viên hỗ trợ văn phòng.

Những thống kê trên cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa cung và cầu lao động cả về cơ cấu trình độ và chuyên môn đào tạo.

Theo nhận định từ cuộc hội thảo, việc học sai ngành, chọn sai trường, thiếu kỹ năng làm việc,… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giới trẻ ra trường sẽ thất nghiệp hay khó tìm việc làm tốt.


“Vì sao sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều trong khi thị trường lao động không có? Đó là công tác hướng nghiệp thời gian qua làm chưa tốt và còn có khoảng trống. Muốn hướng nghiệp được thì phải nắm được số liệu, căn cứ vào thực tiễn chứ không phải áp đặt ý kiến chủ quan của bố mẹ. Hướng nghiệp thực sự phải gắn kết giữa gia đình – nhà trường – người học – người lao động – doanh nghiệp…” – PGS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến.

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay có 8 bước trong quy trình định hướng nghề nghiệp mà học sinh, sinh viên cần nắm rõ.

Bước 1 là xác định điều muốn làm (thích làm gì, thích điều gì, các giá trị mang lại hạnh phúc). Bước 2 là xác định những khả năng có thể làm tốt (sức khỏe, tố chất, năng khiếu và các năng lực khác). Bước 3 là tìm hiểu thế giới nghề nghiệp trong lĩnh vực mong muốn (nghề/việc làm, môi trường làm việc, điều kiện làm việc). Bước 4 là tìm hiểu các tiêu chuẩn của lĩnh vực nghề (yêu cầu về sức khỏe, kỹ năng…).

Bước 5 là tìm hiểu những khó khăn phải đối mặt (bản thân, gia đình, cơ hội việc làm). Bước 6 là đánh giá sự lựa chọn tối ưu (thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, thống nhất nguyện vọng của gia đình và mong muốn của con, thống nhất giữa cơ hội và hoàn cảnh gia đình). Bước 7 là đăng ký một chương trình giáo dục – đào tạo (xác định bậc đào tạo, uy tín cơ sở đào tạo, các điều kiện, lợi thế của cơ sở đào tạo). Bước 8 là duy trì tích cực (nỗ lực thực hiện mục tiêu, dành nhiều thời gian cho trải nghiệm nghề và học hỏi người đi trước).

Theo kết quả khảo sát tại Báo cáo đánh giá việc làm sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Trung tâm MOET-TSC, Bộ Giáo dục & Đào tạo), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học đã có việc làm chiếm 88,3% trong tổng số sinh viên trả lời phỏng vấn. Những sinh viên tốt nghiệp với thứ hạng càng cao cũng chiếm tỉ lệ có việc làm càng cao.

Theo các sinh viên tham gia khảo sát, có 5 trở ngại lớn khi tìm việc. Đó là thiếu hoặc không có thực tiễn và kinh nghiệm nghề nghiệp; thiếu kỹ năng ngoại ngữ, vi tính; thị trường lao động bão hòa; thiếu hiểu biết về thị trường lao động và công việc được nhận không có mức lương đảm bảo.

11,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng ngành học của sinh viên ít phù hợp với công việc – đây là một bất cập của nhân lực có trình độ đại học mới được tuyển dụng. 16% số doanh nghiệp đánh giá chương trình đào tạo đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, sinh viên không có nhiều cơ hội đạt được các kỹ năng phù hợp để cạnh tranh trên thị trường lao động. 41,6% số doanh nghiệp đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học thiếu kỹ năng mềm.

Đối với bản thân sinh viên tìm việc, 15,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá sinh viên tốt nghiệp đại học không có định hướng nghề nghiệp, do đó không có đam mê, yêu thích công việc.


Nguyễn Minh

Tuổi trẻ và sự lựa chọn nghề nghiệp

Tuổi trẻ cho dù tuyệt vời thì đến lúc nào đó các bạn cũng sẽ phải chia tay tuổi trẻ. Vì thế các bạn trong khi phải ý thức sâu sắc về sự quý giá...

Chia sẻ Facebook