Na Uy áp giá trần dầu thô của Nga
Na Uy đã bắt đầu thực hiện áp giá trần đối với dầu thô của Nga.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Na Uy, nước này đã đưa ra giá trần đối với dầu thô từ Nga ở mức 60 USD/thùng, phù hợp với mức giá trần được EU và các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thông qua.
Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết, nước này ủng hộ đường lối của EU và các đồng minh khác liên quan đến các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU sau khi nguồn cung từ Nga sụt giảm mạnh.
Các dòng khí đốt của Na Uy được vận chuyển hàng ngày qua đường ống từ thềm lục địa Na Uy đến các trạm tiếp nhận tại Bỉ, Pháp, Vương quốc Anh và Đức.
Na Uy nằm trong số 10 quốc gia sản xuất khí đốt hàng đầu trên thế giới và luôn là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên quan trọng cho EU. Na Uy không phải là thành viên của EU, nhưng là một đối tác thương mại quan trọng và là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu.
Ngày 3/12 vừa qua, Chính phủ các nước thành viên EU đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Lệnh cấm vận nhằm vào dầu mỏ của Nga được G7, EU và Australia thống nhất áp đặt, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12.
Dầu mỏ của Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên.
Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần này có thể khiến Nga khó bán dầu với giá cao hơn.
Mức giá trần sẽ được xem xét mỗi 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 1/2023.
Sáu quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo sẽ không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào nhằm hạ thấp hơn nữa mức giá trần mà khối sẽ áp với khí đốt nhập khẩu từ Nga.