Mỹ xem xét đề xuất cấm xuất khẩu xăng dầu
Các quan chức Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ phân tích các tác động có thể xảy ra nếu Mỹ cấm xuất khẩu xăng, dầu diesel và các chế phẩm dầu mỏ khác. Đề xuất cấm xuất khẩu gây tranh cãi này đang được quan tâm trong một số bộ phận của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Mỹ xem xét đề xuất cấm xuất khẩu xăng dầu
Yêu cầu nói trên diễn ra sau một cuộc họp căng thẳng giữa các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ với các lãnh đạo trong ngành dầu mỏ trong bối cảnh có mối lo ngại rằng giá xăng cao sẽ gây ra mối đe dọa chính trị đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, theo các nguồn thạo tin.
Lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, nếu được áp dụng, sẽ đánh dấu bước đi quyết liệt nhất của chính quyền ông Joe Biden nhằm giải quyết vấn đề giá xăng tăng trong mùa hè, rồi sau đó hạ nhiệt nhưng đã tăng trở lại trong thời gian gần đây, chỉ bốn tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quyết định liệu đảng Dân chủ có duy trì quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện hay không.
Các nhà sản xuất dầu mỏ và các nhà phân tích năng lượng đã chỉ trích ý tưởng này. Họ nói rằng nó có thể phản tác dụng vì cuối cùng sẽ làm tăng chi phí thậm chí lớn hơn cho người tiêu dùng Mỹ, đồng thời làm gián đoạn thị trường và làm xa rời các đồng minh châu Âu trong thời điểm họ đang nguy ngập trong cuộc khủng hoảng năng lượng.
Các quan chức chính phủ Mỹ đã gợi ý hạn chế xuất khẩu xăng dầu trong cuộc họp hôm 30-9 với các lãnh đạo từ một số công ty dầu mỏ lớn nhất quốc gia.
Nhà Trắng đang thất vọng với việc ngành công nghiệp dầu mỏ trong nước đang thiếu hành động trước những cảnh báo lặp đi lặp lại về lượng nhiên liệu tồn kho đang ở mức thấp. Gần đây, các quan chức Bộ Năng lượng Mỹ đã họp với quan chức chính trị ở các bang bờ Tây, bờ Đông và vùng Trung Tây của nước Mỹ để xem xét các mối quan tâm về nhiên liệu trong khu vực. Một cuộc họp tuần trước với các quan chức bờ Tây tập trung thảo luận vấn đề giá xăng dầu cao, tồn kho giảm và các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy giá xăng, vẫn đang ở mức cao ở các bang phía tây như California, là một lực cản đối với các ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới. Các quan chức chính quyền Biden cũng lo ngại về tình trạng tồn kho nhiên liệu thấp ở khu vực đông bắc nước Mỹ.
Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm hôm 4-10, các lãnh đạo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) và Hiệp hội các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ (AFPM) cảnh báo việc hạn chế xuất khẩu xăng dầu sẽ làm gián đoạn thị trường nhiên liệu toàn cầu, gây tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và đẩy tăng giá nhiên liệu trong nước.
API và AFPM cho rằng việc cấm hoặc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế có thể sẽ làm giảm lượng hàng tồn kho, giảm công suất lọc dầu trong nước, gây áp lực lên giá nhiên liệu tiêu dùng và khiến các đồng minh của Mỹ xa lánh trong thời kỳ chiến tranh.
Các bang ở bờ Đông nước Mỹ đang đối mặt với rủi ro đặc biệt nghiêm trọng do họ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Các giới hạn về công suất đường ống và các tàu chở dầu treo cờ Mỹ có khả năng chở xăng và dầu diesel từ vùng Vịnh Mexico đến khu vực New England (gồm các bang ở bờ Đông như Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Connecticut và Rhode Island) khiến khu vực này phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Và với việc ít nhiên liệu của Mỹ trên thị trường thế giới, giá của những mặt hàng nhiên liệu nhập khẩu vào bờ Đông nước Mỹ có thể tăng lên.
“Đơn giản là không có sự kết nối đường ống hoặc các giải pháp vận chuyển thay thế cần thiết để đưa nhiều nhiên liệu hơn đến bờ Đông từ các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh. Việc cấm xuất khẩu nhiên liệu từ Mỹ sẽ không loại bỏ thách thức này hoặc làm cho việc cung cấp nhiên liệu do Mỹ sản xuất cho khu vực bờ Đông trở nên dễ dàng và hợp lý hơn. Thay vào đó, bằng cách cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu toàn cầu, Mỹ có thể sẽ làm tăng chi phí nhiên liệu nhập khẩu vào bờ Đông từ thị trường toàn cầu”, bức thư của API và AFPM cho hay.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters hôm 4-10 dẫn các nguồn tin cho biết Nhà Trắng đã loại bỏ bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu khí đốt nào trong mùa đông này nhằm tránh gây thiếu hụt năng lượng ở châu Âu.
Hồi tháng 3, Tổng thống Joe Biden đã cam kết cung cấp thêm 15 tỉ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp LNG cho châu Âu vượt qua mục tiêu đó.
Tổng thống Biden và các trợ lý của ông đang chuẩn bị cho kịch bản người dân Mỹ phải trả các hóa đơn sưởi ấm nhà cửa tốn kém trong mùa đông này. Lượng tồn kho khí đốt tự nhiên, nhiên liệu sưởi ấm chính của Mỹ, đang ở mức thấp trong lịch sử sau khi các công ty Mỹ xuất khẩu khối lượng LNG kỷ lục sang châu Âu trong những tháng gần đây.
Lê Linh
TBKTSG