Mỹ vẫn đang trong đợt bùng phát COVID-19, cảnh báo về các virus bất thường do đại dịch
Đến sáng 1/6, thế giới có trên 532,43 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,31 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 85,76 triệu ca mắc và hơn 1,031 triệu trường hợp tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ tăng cao trở lại trong những tuần gần đây do sự lây lan của các dòng phụ biến thể Omicron . Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận khoảng 106.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày trong tuần từ ngày 22 - 29/5. Giới chuyên gia cho rằng, con số này thực tế thậm chí còn cao hơn do nhiều người không thông báo với lực lượng chức năng kết quả xét nghiệm tại nhà.
Số ca mắc được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi mọi người đi du lịch và gặp gỡ nhiều hơn trong dịp nghỉ Lễ Tưởng niệm, dịp lễ bận rộn nhất trong năm của ngành du lịch Mỹ. Giới chức y tế Mỹ cảnh báo, nước này vẫn đang trong đợt bùng phát COVID-19, và người dân nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa trước nguy cơ lây nhiễm gia tăng.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 31/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,15 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Chính phủ Ấn Độ sẽ cung cấp nhiều phúc lợi cho trẻ em bị mất cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp trong giai đoạn từ ngày 11/3/2020 đến tháng 2/2022. Các em sẽ được nhập học miễn phí ở một trường gần nhà, được phát sách giáo khoa miễn phí và nhận khoản tiền trợ cấp 1 triệu Rupee (khoảng gần 13.000 USD) mỗi em khi bước sang tuổi 23. Ngoài ra, mỗi trẻ sẽ nhận được khoản hỗ trợ sinh hoạt phí khoảng 4.000 Rupee hàng tháng, cung cấp học bổng đào tạo đại học, hỗ trợ phí điều trị tại bệnh viện, hỗ trợ phí tư vấn sức khỏe tâm thần và hỗ trợ vay vốn để học tập. Mục tiêu của Ấn Độ là không để một trẻ em bị mồ côi nào do COVID-19 bị thiệt thòi và đánh mất tương lai.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 666.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Italy tuyên bố hủy bỏ yêu cầu những người nhập cảnh nước này phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine COVID-19, mới khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV2. Bộ Y tế nước này cho biết, yêu cầu xuất trình "Thẻ xanh" COVID-19 sẽ không được gia hạn khi nó hết hạn vào ngày 31/5.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các ca bệnh ở nước này đã giảm bớt và phần lớn người dân đã tiêm vaccine. Trước đó, hầu hết các biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19 tại Italia đã được dỡ bỏ, mặc dù vẫn còn quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong trường học.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney ( Australia ) đã tiến hành nghiên cứu, qua đó chỉ ra cách đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi các loại virus thường gây bệnh trong mùa Đông ở nước này, đồng thời có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể virus "trái mùa" độc đáo khác. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 31/5 cho thấy, mô hình của virus hợp bào hô hấp (RSV), một loại virus phổ biến vào mùa đông, đã bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19 do các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới.
RSV giống như một loại virus gây cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, RSV có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới phổi của bệnh nhi, ví dụ như bệnh viêm phổi. Hiện chưa có vaccine để phòng ngừa RSV, một biến thể đã từng biến mất đột ngột, nhưng vẫn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng.
Các hệ thống y tế của Australia phải chịu áp lực rất lớn trong những tháng mùa đông do các virus gây bệnh vào mùa đông và đại dịch COVID-19 hoành hành trong cộng đồng. New South Wales, bang đông dân nhất Australia, đã ghi nhận 1.140 trường hợp nhiễm RSV trong tuần kết thúc vào ngày 21/5, tăng từ mức 766 trường hợp của tuần trước. Trong khi đó, 493 người sống tại bang này đã phải nhập viện điều trị COVID-19 và 150 người bị cúm mùa đông.
Từ ngày 31/5, việc sử dụng khẩu trang trong các hoạt động xã hội sẽ không còn là quy định bắt buộc tại Cuba . Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba José Angel Portal Miranda cho biết, quyết định nói trên được đưa ra sau khi cơ quan chức năng xem xét tình hình dịch tễ của đất nước và thống nhất rằng chỉ cần sử dụng khẩu trang tại các cơ sở y tế và một số khu vực nhất định nhằm tuân thủ các quy định kiểm soát dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Miranda yêu cầu những người có triệu chứng bệnh về đường hô hấp nên đeo khẩu trang để bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người có bệnh nền. Ông Miranda cũng khuyến khích người dân tiếp tục áp dụng biện pháp phòng ngừa này tại các sự kiện đông người.
Ngày 31/5, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) nước này đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) cho trẻ em từ 6 - 11 tuổi. Theo DOH, quyết định mở rộng phạm vi tiêm phòng COVID-19 với vaccine của Moderna được FDA Philippines đưa ra ngày 20/5 vừa qua. Quyết định này sẽ cần được Hội đồng Đánh giá công nghệ y tế Philippines thẩm định và ra khuyến nghị trước khi triển khai.
Trước đó, ngày 30/5, tập đoàn dược phẩm Zuellig Pharma của Philippines, nhà phân phối vaccine của Moderna, cho biết, hai mũi vaccine của Moderna có thể tạo ra "phản ứng miễn dịch mạnh mẽ" ở trẻ em từ 6 - 12 tuổi. Cũng theo Zuellig Pharma, tính an toàn và hiệu quả của vaccine này đối với trẻ em tương tự như với người lớn.
FDA Philippines trước đó đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech (Mỹ - Đức) cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, và vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em trên 6 tuổi.
Ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết, Chính phủ nước này sẽ mở rộng hoạt động điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Bộ trưởng Lee Sang-min nêu rõ, từ ngày 6/6 tới, Hàn Quốc sẽ giảm hoạt động giám sát từ xa đối với bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao đang được điều trị tại nhà từ 2 lần/ngày hiện nay xuống còn 1 lần/ngày. Thay vào đó, Chính phủ sẽ mở rộng mạng lưới phòng khám tại các địa phương. Những cơ sở này sẽ cung cấp dịch vụ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19. Tính đến ngày 30/5, trên cả nước có tổng cộng 6.446 phòng khám như vậy.
Bộ trưởng Lee Sang-min cho biết thêm, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ triển khai các dự án nâng cấp và xây mới cơ sở hỏa táng, phòng ngừa nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại và khả năng xuất hiện các biến thể mới. Theo kế hoạch, 238 cơ sở hỏa táng trên cả nước sẽ được nâng cấp.
Về tình hình dịch COVID-19, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 17.176 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân từ đầu dịch lên trên 18,1 triệu người.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31/5 đưa tin, số ca sốt ghi nhận theo ngày tại nước này đã giảm xuống dưới mức 100.000 trường hợp và không có ca tử vong nào. Số ca sốt theo ngày ở Triều Tiên đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh với hơn 392.920 trường hợp vào ngày 15/5. KCNA dẫn số liệu từ Trung tâm ngăn ngừa dịch bệnh khẩn cấp quốc gia cho biết, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 96.020 ca sốt, nhưng không có trường hợp nào tử vong.
Số liệu thống kê từ cuối tháng 4 cho thấy, tổng số ca sốt nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Triều Tiên là 3,64 triệu ca, trong đó 3,46 triệu trường hợp đã hồi phục và còn ít nhất 182.940 bệnh nhân đang được điều trị.
Từ ngày 1/6, cuộc sống tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc sẽ dần trở lại bình thường. Những "tấm vé thông hành" do các tòa nhà dân cư cấp cho người dân ra ngoài trong vài giờ sẽ bị loại bỏ. Giao thông công cộng sẽ hoạt động trở lại và người dân có thể trở lại nơi làm việc.
Việc nới lỏng phong tỏa chỉ áp dụng cho những người ở những khu vực có nguy cơ thấp, tức khoảng 22,5 triệu người. Người dân vẫn sẽ phải đeo khẩu trang và được khuyến khích hạn chế tụ tập. Ăn tối tại các nhà hàng vẫn bị cấm. Cư dân sẽ phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 cứ mỗi 72 giờ để di chuyển bằng phương tiện công cộng hay tới các địa điểm công cộng.
Dịch COVID-19 đã gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch. Các tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với sức khỏe tim mạch gia tăng là do sức ép của hệ thống y tế và sự lây lan của chính virus SARS-CoV-2. Đây là các kết luận trong một phân tích tổng hợp mới được đăng tải trên European Heart Journal.
Tác giả của phân tích Ramesh Nadajarah, thành viên nghiên cứu lâm sàng của Quỹ Tim mạch Anh tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước. Và bản phân tích cho thấy, trong thời kỳ đại dịch, đa số người dân trên thế giới không nhận được chăm sóc y tế tim mạch toàn diện.
Theo bản báo cáo, kể từ khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ nhập viện liên quan các bệnh tim mạch giảm đáng kể, trong khi việc tiếp cận điều trị mất nhiều thời gian hơn và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cũng tăng. Số ca nhập viện vì các cơn đau tim nghiêm trọng giảm khoảng 22%, trong khi tỷ lệ nhập viện vì cơn đau tim nhẹ hơn giảm 34%.
So với trước kia, thời gian các bệnh nhân bị đau tim phải chờ đợi để nhận được hỗ trợ y tế trong thời kỳ dịch COVID-19 cũng dài hơn 69 phút. Bản báo cáo cũng cho thấy, số ca phẫu thuật tim giảm 34% trên toàn cầu, trong khi số người tử vong trong bệnh viện vì đau tim tăng 17%.