Mỹ và đồng minh có đạt được mục đích khi áp trần dầu Nga?

Chia sẻ Facebook
04/12/2022 19:10:57

Có rất nhiều điều không chắc chắn về mức độ gián đoạn vật lý đối với nguồn cung dầu thô Nga. Ẩn số lớn vẫn là phản ứng của Moscow khi trần giá có hiệu lực.


Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/12 đã đồng ý giới hạn giao dịch dầu thô Nga ở mức 60 USD/thùng, dựa trên sáng kiến của Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) nhằm làm suy yếu hơn nữa nguồn thu của Điện Kremlin cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Quyết định trên được các đại sứ EU đưa ra sau nhiều tranh luận căng thẳng nhằm đạt được một mức cân bằng, vừa đảm bảo giảm doanh thu của Nga từ loại nhiên liệu hóa thạch này, vừa tránh bất kỳ sự gián đoạn đột ngột nào trên thị trường toàn cầu.

Các thành viên G7 và EU đã phải chạy đua để thống nhất chi tiết về các hạn chế đối với dầu Nga trước thời hạn là ngày 5/12, trong khi các thương nhân, hãng vận tải biển và các công ty bảo hiểm vẫn còn thắc mắc về các quy tắc áp dụng các hạn chế.

Lo sợ phá vỡ một cơ chế chưa được thiết lập, nhiều chủ tàu đã hạn chế xử lý dầu của Nga, khiến công suất tàu chở dầu giảm và chi phí vận chuyển tăng trên các tuyến xuất khẩu quan trọng của dầu thô Urals.


Mục đích rõ ràng

Các nhà ngoại giao EU đồng ý rằng mức giá nên được xem xét 2 tháng một lần, hoặc thường xuyên hơn nếu cần, bởi một ủy ban gồm các nhà hoạch định chính sách từ G7 và đồng minh. Đợt đánh giá đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 15/1 và mục tiêu là giữ mức trần thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu Nga đang được giao dịch trên thị trường, các quan chức cho biết.

Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo rằng những biến động của giá thị trường, sử dụng giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) làm chuẩn, sẽ kéo theo những biến động của trần giá.

Một nhà máy lọc dầu của Nga nhìn từ cửa sổ ở Moscow, tháng 10/2022. Thỏa thuận về trần giá của phương Tây nhằm giữ cho dầu Nga tiếp tục chảy trong khi đặt ra một số hạn chế đối với doanh thu xuất khẩu của nước này. Ảnh: Shutterstock

Với tất cả những điều trên, nếu trước đây có bất kỳ nghi ngờ nào về tiền đề của động thái giới hạn giá này là gì, thì giờ đây mọi thứ đã rõ ràng: Mỹ và các đồng minh muốn dầu thô Nga tiếp tục lưu thông.


“Điểm quan trọng theo quan điểm của chúng tôi là tín hiệu cho thấy G7 tìm cách giữ dầu Nga trên thị trường”, ông Joel Hancock, nhà phân tích tại công ty quản lý đầu tư Natixis, nói với Bloomberg hôm 2/12. “Thị trường đã chuyển sang quan điểm rằng xuất khẩu dầu thô Nga sẽ vẫn ổn định hơn dự kiến trước đây và phần lớn không bị ảnh hưởng bởi giá trần”.


Bây giờ, phản ứng của Moscow sẽ là mấu chốt. Nga đã phản đối biện pháp này và đe dọa ngừng sản xuất để đáp trả. Nhưng hôm 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết mức trần là không phù hợp. Bình luận của nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho thấy Moscow đã dịu giọng. Với giới hạn giá hào phóng như vậy, người mua và người bán có thể cảm thấy hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

“Chúng tôi không quan tâm đến giới hạn giá sẽ là bao nhiêu. Chúng tôi sẽ đàm phán trực tiếp với các đối tác của mình”, ông Lavrov nói. “Và những đối tác tiếp tục làm việc với chúng tôi sẽ không nhìn vào những giới hạn giá đó”.

G7 hầu hết đã quyết định ngừng nhập khẩu dầu thô Nga, vì vậy động thái này nhắm thẳng vào những bên mua lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.


Ẩn số lớn

Kế hoạch do G7 thúc đẩy được đưa ra vào thời điểm châu Âu đang phải chống chọi với lạm phát cao và nguy cơ suy thoái. Các doanh nghiệp và hộ gia đình đang quay cuồng với hóa đơn năng lượng đăt đỏ. Và liên minh OPEC+ đang kiểm soát chặt chẽ nguồn cung.

“Giới hạn giá sẽ khuyến khích dòng dầu chiết khấu của Nga chảy vào thị trường toàn cầu và được thiết kế để giúp bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu”,  Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố hôm 2/12, sau khi G7 tuyên bố tán thành mức 60 USD/thùng.

Bà cho biết thêm rằng ngay cả khi các quốc gia mua dầu không nằm trong liên minh áp giá trần, điều đó sẽ “cho phép họ mặc cả để được giảm giá mạnh hơn đối với dầu Nga và hưởng lợi từ sự ổn định lớn hơn trên thị trường năng lượng toàn cầu”.

Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về việc thực thi, vì EU đã giảm bớt các quy tắc của mình và không có biện pháp trừng phạt thứ cấp nào bổ sung. Một cuộc cãi vã về vấn đề bảo hiểm ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể gây ra vấn đề. Và phản ứng của Điện Kremlin vẫn là một ẩn số lớn.

Ông Neil Beveridge, nhà phân tích dầu mỏ cao cấp tại Sanford C. Bernstein, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg: “Thực sự có rất nhiều điều không chắc chắn về mức độ gián đoạn vật lý mà chúng ta sẽ thấy đối với nguồn cung dầu thô của Nga”.


Cuối cùng, tất cả đều cần thời gian để có câu trả lời chính xác nhất .


Minh Đức (Theo Bloomberg, Euronews, Reuters)

Chia sẻ Facebook