Mỹ và Ấn Độ lên kế hoạch hợp tác về chip nhằm thu hẹp khoảng cách với TQ

Chia sẻ Facebook
10/03/2023 14:15:00

Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ ký một thỏa thuận để tăng cường phối hợp các kế hoạch khuyến khích ngành công nghiệp chip của họ, đồng thời thảo luận những biện pháp tốt nhất để tránh việc trợ cấp quá mức trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang tìm cách tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.


Embed from Getty Images


Ngày 9/3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tiết lộ với các phóng viên, biên bản ghi nhớ giữa hai nước tập trung vào việc chia sẻ thông tin và đối thoại chính sách. Mặc dù bà cho biết các công ty Hoa Kỳ không có cam kết đầu tư cụ thể nào để công bố, nhưng các công ty Mỹ rất lạc quan về tương lai của mối quan hệ với Ấn Độ. Bộ trưởng Raimondo cho rằng, sự hợp tác lớn hơn về chip giữa Hoa Kỳ – Ấn Độ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai quốc gia.


Phát biểu với các phóng viên trong chuyến công tác kéo dài một tuần bao gồm các cuộc họp với các lãnh đạo khu vực công và tư của Ấn Độ ở New Delhi cũng như các cuộc thảo luận giữa các giám đốc điều hành các công ty Mỹ và Ấn Độ, Bộ trướng Raimondo nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn nhìn thấy Ấn Độ đạt được nguyện vọng của họ trong trong việc đóng vai trò lớn hơn” t rong chuỗi cung ứng điện tử.


Bộ Thương mại Mỹ đang chủ trì chương trình rót khoảng 52 tỷ đô la vào ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, đây là ngành mà Bộ trưởng Raimondo coi là một yếu tố then chốt đối với khả năng cạnh tranh và an ninh quốc gia của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chip từ Đài Loan và châu Á nói chung. Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng đối với Trung Quốc về công nghệ sản xuất chip nhằm giải quyết những lo ngại về mối đe dọa đối với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ từ đối thủ toàn cầu hàng đầu của họ.


Tầm quan trọng địa chính trị của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh đã tăng lên khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ tìm cách kiềm chế sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc. Hoa Kỳ cùng với các đồng minh Nhật Bản và Úc đã liên kết với Ấn Độ thành lập một cơ chế an ninh, còn gọi là bộ Tứ Quad, để đối trọng với Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.


Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nhìn thấy cơ hội để thu hẹp khoảng cách công nghệ của Ấn Độ với Trung Quốc khi các nhà đầu tư và các tập đoàn của phương Tây cảm thấy khó chịu trước cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân.


Nền kinh tế trị giá 3,2 nghìn tỷ đô la của Ấn Độ được dự đoán là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong những năm tới và chính phủ New Delhi đang đưa ra chương trình ưu đãi trị giá 10 tỷ đô la để thu hút các dự án sản xuất từ các công ty chip nước ngoài. Mặc dù chương trình này đã thu hút được một số công ty nhỏ, nhưng nó vẫn chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo các khoản đầu tư từ các công ty đứng đầu ngành, bao gồm Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) và Tập đoàn Intel.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Raimondo, người đi cùng với các giám đốc điều hành của 10 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ, đã nhìn thấy “sự nhiệt tình và lạc quan không thể kiềm chế về cách chúng ta có thể tạo ra việc làm ở cả hai quốc gia và cả hai đều chia sẻ lợi ích của chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.”


Theo Bộ trưởng Raimondo, Hoa Kỳ và Ấn Độ đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đang khởi động một cuộc đối thoại thương mại mới tập trung vào các vấn đề này. Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ sẽ đại diện cho Hoa Kỳ làm việc với phía Ấn Độ.


Ấn Độ tiếp tục giữ quan điểm trung lập trong cuộc chiến Nga-Ukraine và đã cố gắng làm trung gian hòa giải cho cả hai bên. Mặc dù mối quan hệ của New Delhi với Washington đang ấm lên, nhưng Hoa Kỳ vẫn cảm thấy thất vọng khi Ấn Độ không sẵn sàng trừng phạt Nga. Trong khi đó, New Delhi vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow nhằm đảm bảo có được nguồn năng lượng rẻ hơn.

Đàm phán IPEF


Tháng trước, thủ đô của Ấn Độ đã tổ chức một vòng đàm phán đặc biệt về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)


Đây là một nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các quốc gia châu Á thông qua một loạt vấn đề. Đây cũng là một trong những lợi thế của Hoa Kỳ nhằm chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ luôn nhấn mạnh rằng họ không yêu cầu các đối tác phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh, mặc dù sự cạnh tranh Trung – Mỹ ngày càng  gay gắt hơn .


Các cuộc đàm phán về IPEF giữa 14 quốc gia đã bắt đầu tại thành phố Los Angeles vào tháng 9 và tập trung vào 4 “trụ cột”:

Thương mại Chuỗi cung ứng Kinh tế sạch: tập trung vào việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu Kinh tế công bằng: bao gồm các vấn đề thuế và tham nhũng.


Vòng đàm phán tháng trước đã bỏ qua vấn đề thương mại bởi vì Ấn Độ không tham gia vào trụ cột đó, chỉ tập trung vào ba khía cạnh còn lại. Bộ Thương mại Mỹ đại diện cho Hoa Kỳ sẽ chủ trì các cuộc đàm phán IPEF về ba lĩnh vực này.


Bộ trưởng Raimondo nhấn mạnh, bà hy vọng rằng Ấn Độ cuối cùng sẽ tham gia vào trụ cột thương mại của khuôn khổ IPEF và các quốc gia nói chung sẽ nhìn thấy lợi ích kinh tế từ sáng kiến này trong năm nay.


Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới tại đảo Bali của Indonesia.


Nhật Minh (Theo SCMP)

Chuyên gia: Ấn Độ đã chọn bên trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngày 1/9 Ấn Độ và Trung Quốc tham gia tập trận quân sự do Nga đăng cai, theo đó có nguồn dư luận coi là thất bại của Mỹ trong “lôi kéo” Ấn Độ.

Chia sẻ Facebook