Mỹ và 15 thành viên NATO tham gia Sáng kiến thu thập dữ liệu không gian lớn nhất lịch sử
Hoa Kỳ sẽ hợp tác với 15 quốc gia thành viên NATO, cùng Phần Lan và Thụy Điển, để khởi động “dự án không gian lớn nhất” lịch sử.
Hoa Kỳ sẽ hợp tác với 15 quốc gia thành viên NATO, cùng các nước được mời là Phần Lan và Thụy Điển, để khởi động “dự án không gian lớn nhất” trong lịch sử nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thu thập dữ liệu từ không gian.
Embed from Getty Images
(Ảnh minh họa: Getty Images)
Theo một tuyên bố vào ngày 15/2, mục tiêu của sáng kiến “Liên minh giám sát bền bỉ từ không gian” (APSS) là nhằm tăng cường đáng kể khả năng theo dõi và tình báo của liên minh đồng thời cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu cho các nhiệm vụ và hoạt động quân sự của NATO.
Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoană khẳng định: “Dự án này cũng là ví dụ tuyệt vời về việc hợp tác dân sự-quân sự, cung cấp một phương tiện mạnh mẽ cho bộ công cụ tình báo của chúng tôi.”
Bên cạnh Hoa Kỳ và 2 ứng viên NATO dự kiến sẽ gia nhập liên minh trong tương lai, các bên tham gia khác của chương trình APSS là Bỉ, Bulgaria, Canada, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan , Romania, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh.
“Sáng kiến này sẽ bao gồm việc thiết lập một chòm sao ảo—’Aquila’— trong cả khu vực tài sản không gian quốc gia và thương mại, chẳng hạn như vệ tinh, và tận dụng những tiến bộ mới nhất trong công nghệ vũ trụ thương mại. Như vậy, nó sẽ giúp hợp lý hóa việc thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu giữa các Đồng minh NATO và với cơ cấu chỉ huy của NATO, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí”, trích dẫn tuyên bố ngày 15/2.
Theo tờ Defense News đưa tin, bà Wendy Gilmour, trợ lý Tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, cho biết tất cả 30 quốc gia thành viên NATO, cũng như Phần Lan và Thụy Điển, đã được mời tham gia sáng kiến này.
Bà Gilmour lưu ý rằng tất cả các bên quyết định tham gia dự án đều được phép chọn mức độ đóng góp của riêng họ.
Theo NATO, Luxembourg đã đồng ý cung cấp khoản đóng góp sớm trị giá 16,5 triệu euro (khoảng 420 tỷ VND) để khởi động dự án APSS. NATO nhận định khoản tài trợ này đã đặt nền móng cho phép các thành viên khác của dự án đóng góp vào “Aquila” thông qua “tài sản, dữ liệu và/hoặc nguồn vốn” của chính họ.
NATO cho hay: “Việc tích hợp và khai thác hiệu quả dữ liệu từ không gian là một thách thức càng ngày càng lớn. Bằng cách tận dụng những công nghệ mới nhất trong ngành, APSS sẽ giúp thúc đẩy chương trình đổi mới của NATO và cung cấp một nền tảng mới cho ngành công nghiệp vũ trụ đang phát triển.”
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brussels vào tháng Hai rằng, khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị nghi ngờ bay lượn trên bầu trời Hoa Kỳ trong nhiều ngày trước khi bị bắn hạ ngoài khơi bờ biển Nam Carolina hôm 4/2; điều này nhấn mạnh tính cấp bách trong việc NATO tăng cường khả năng chia sẻ thông tin, cảnh báo Trung Quốc cũng như Nga, những nước đã đầu tư mạnh vào các năng lực quân sự mới, bao gồm cả giám sát.
“Một lần nữa, chúng tôi cũng đã thấy các hoạt động tình báo của Trung Quốc gia tăng tại các địa điểm khác nhau ở châu Âu. Họ sử dụng vệ tinh, họ sử dụng không gian mạng và như chúng ta đã thấy ở Hoa Kỳ, cả khí cầu nữa”, ông Stoltenberg lên tiếng.
“Do đó, chúng ta cần cảnh giác. Chúng ta cần nhận thức được nguy cơ thường trực của tình báo Trung Quốc, và sau đó tăng cường những gì chúng ta có thể làm để bảo vệ chính mình. Và chúng ta cũng cần phải phản ứng một cách khôn ngoan, có trách nhiệm và thận trọng, như chúng ta đã thấy việc Hoa Kỳ đáp trả với quả khí cầu bay qua [khu vực] Bắc Mỹ và Hoa Kỳ.”
Vy An (Theo Epoch Times)
TQ: Nhiều nơi phát hiện khinh khí cầu, người dân đã sớm bị thí nghiệm giám sát
Phía Trung Quốc liên tiếp tung tin “vật thể bay không xác định” được phát hiện ở nhiều nơi như Sơn Đông, Thâm Quyến, Hắc Long Giang...