Mỹ tung bí kíp hòng bắt kịp Trung Quốc trong cuộc đua xe điện
Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc trong cuộc đua thống lĩnh thị trường xe điện.
Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) là một biểu tượng của thời chiến tranh Lạnh, cho phép Tổng thống Mỹ tiếp cận nguồn vốn và các quyền hạn nâng cao khác nhằm củng cố các cơ sở công nghiệp nội địa, đảm bảo khu vực tư nhân được hỗ trợ nguồn lực cần thiết phục vụ đảm bảo an ninh quốc gia và đối phó tình huống khẩn cấp.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã áp dụng đạo luật này để đảm bảo nguồn cung ứng thiết bị y tế, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy nghiêm trọng.
Việc kích hoạt đạo luật sẽ giúp các công ty Mỹ được tiếp cận nguồn tài trợ chính phủ cho các nghiên cứu hoặc dự án tinh chế các khoáng sản kim loại được sử dụng cho ngành công nghiệp xe điện như lithium, niken, coban và mangan.
Nỗi lo phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nước ngoài
Việc chuyển dịch các phương tiện dùng xăng sang dùng điện được cho là nỗ lực quan trọng trong đối phó với biến đổi khí hậu gây ra bởi con người. Lĩnh vực giao thông vận tải là một trong những ngành tạo ra nhiều khí thải nhà kính nhất tại Mỹ, chiếm 1/3 tổng lượng khí thải hàng năm.
Trong khi đó, lithium, nickel, coban, graphite và mangan là các vật liệu quan trọng sử dụng trong chế tạo pin dung lượng lớn của ô tô điện và các hệ thống lưu trữ năng lượng sạch. Tuy nhiên, ngoại trừ một số mỏ và cơ sở trong nước, các khoáng sản này phần lớn đang được sản xuất bên ngoài nước Mỹ.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, nước này đã nhập khẩu hơn một nửa nguồn cung ít nhất đối với 46 loại khoáng sản trong năm 2020, trong đó nhập khẩu toàn bộ đối với 17 loại. Nhiều nguyên liệu đang đến từ Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất pin lithium-ion. Trong giai đoạn leo thang căng thẳng chính trị giữa 2 nước, Bắc Kinh đã dừng xuất khẩu một số sản phẩm khoáng sản kim loại sang Mỹ, ví dụ như đất hiếm.
Nhà chức trách Mỹ cảnh báo việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài sẽ gây ra mối đe dọa an ninh với nước Mỹ, đồng thời cam kết mở rộng nguồn cung nội địa chất bán dẫn, pin và dược phẩm cũng như các mặt hàng khác.
Tổng thống Biden cho biết quốc gia đang “phụ thuộc vào các nguồn cung tài nguyên nước ngoài không đáng tin cậy”, đặc biệt là các nguyên liệu cần thiết để chuyển đổi năng lượng sạch và trong bối cảnh nhu cầu về những nguyên liệu này ngày càng tăng theo cấp số nhân.
Mỹ vẫn còn một số mỏ niken, coban và khoáng sản kim loại quan trọng khác chưa khai thác, dù vậy việc phát triển các mỏ và địa điểm chế biến có thể mất nhiều năm. Trong khi đó, coban, một khoáng sản kim loại quan trọng khác nằm chủ yếu tại Cộng hoà dân chủ Congo, nước chiếm 2/3 sản lượng thế giới, lại là nơi các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc cấp vốn cho 15/19 mỏ lớn nhất, tính tới thời điểm năm 2020.
Mặc dù vậy, việc kích hoạt Đạo luật DPA không có nghĩa chính phủ khuyến khích các khoản vay hay mua trực tiếp khoáng sản kim loại. Thay vào đó, họ tài trợ cho công tác nghiên cứu mở rộng, hiện đại hoá các mỏ hiện có và trong tương lai ở trong nước. Nhà Trắng cũng cho biết sẽ xem xét tiềm năng áp dụng của các đạo luật khác liên quan lĩnh vực năng lượng.
Cơ hội tăng tốc cho ngành sản xuất pin và xe điện
Todd M.Malan, người đứng đầu bộ phận chiến lược khí hậu tại Talon Metals - công ty đang phát triển một mỏ nikel tại Minnesota - cho biết Washington đã đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng xung quanh việc hỗ trợ nhiều hơn cho khai thác khoáng sản pin xe điện trong nước “do lo ngại về việc phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc về nguyên liệu pin cũng như do tính cấp thiết của quá trình chuyển đổi năng lượng”.
Theo số liệu của công ty Benchmark Mineral Intelligence, nhu cầu về lithium đã tăng vọt khi các công ty sản xuất xe chuyển hướng sang cuộc đua xe điện. Sự tăng trưởng về số lượng và dung lượng pin cho xe điện có thể chiếm tới 90% nhu cầu về lithium tới năm 2030. Khoảng 24% phương tiện toàn cầu sẽ sử dụng điện hoàn toàn cũng vào thời điểm đó, theo hãng tư vấn Alix Partners.
Trong năm 2021, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cũng đã công bố kế hoạch tăng cường khả năng sản xuất pin lithium-ion với mục tiêu ngành công nghiệp trong nước có thể tự chủ toàn bộ quy trình, từ khai thác mỏ cho tới sản xuất và tái chế pin.
Đầu tháng 2/2022, Mỹ đưa ra kế hoạch phân bổ hơn 5 tỷ USD cho các bang hỗ trợ phát triển các trạm sạc trong vòng 5 năm, một phần trong gói cơ sở hạ tầng được lưỡng đảng thông qua.
Các nhà sản xuất xe ô tô của Mỹ như Ford Motor và General Motors gần đây đều công bố kế hoạch phát triển xe điện. Ford dự kiến ra mắt 7 mẫu xe điện mới tại châu Âu vào năm 2024, trước đó họ đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác với Volkswagen để tung ra chiếc xe điện thứ 2 cho thị trường EU chạy trên nền tảng của đối tác Đức.
Trong khi đó, GM hợp tác với POSCO Chemical của Hàn Quốc mở rộng sản xuất nguyên liệu pin tại Canada, với mục tiêu khánh thành nhà máy mới vào năm 2025. Nhà phân phối của Tesla là Contemporary Amperex Technology (CATL), một trong những công ty sản xuất pin đang có những kế hoạch mở rộng hàng đầu, được cho là đang lựa chọn vị trí xây dựng nhà máy mới trị giá 5 tỷ USD, có thể là ở Bắc Mỹ, Mexico hoặc Canada.
Theo hãng tư vấn Wood Mackenzie, “thị trường xe điện chiếm tới 80% nhu cầu pin lithium-ion, cùng với việc giá dầu tăng cao ủng hộ thêm nhiều thị trường chuyển sang chính sách sử dụng phương tiện không phát thải, đã khiến nhu cầu về pin điện tăng vọt”. Bên cạnh đó, mặc dù các nhà sản xuất pin đang có những kế hoạch mở rộng khổng lồ, nhưng nguồn cung sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu, ít nhất là cho tới năm 2023.
Mỹ đang là thị trường xe điện lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và châu Âu. Với việc kích hoạt một trong những công cụ chính sách mạnh mẽ, cuộc đua thống lĩnh thị trường xe điện và sản xuất pin của các cường quốc thời gian tới hứa hẹn sẽ ngày càng trở nên khốc liệt.
Vinh Ngô