Mỹ: Trung Quốc đừng sợ IPEF vì chúng tôi sẽ minh bạch
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định Washington không tìm cách kiềm tỏa hay làm chậm sự phát triển của Trung Quốc bằng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) như Bắc Kinh lo ngại.
Thông điệp được bà Sherman đưa ra khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về IPEF trong cuộc phỏng vấn với báo chí tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ngày 13-6.
Theo nữ thứ trưởng ngoại giao Mỹ, IPEF là một sáng kiến nhằm đem lại thịnh vượng cho thế giới.
" Trung Quốc đừng sợ IPEF vì chúng tôi sẽ minh bạch và cởi mở. Chúng tôi sẽ tuân thủ các luật pháp và chuẩn mực quốc tế liên quan hoạt động đầu tư", bà Sherman nêu quan điểm.
IPEF hiện đang trong giai đoạn thảo luận các khuôn khổ, quy tắc sau lễ khởi động tiến trình thảo luận hồi tháng 5 rồi.
Ý tưởng do Mỹ khởi xướng hiện có 13 nước đang trong quá trình thảo luận gồm Mỹ, Việt Nam, Úc, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Trung Quốc xem các nhóm do Mỹ khởi xướng mà không có sự tham gia của nước này như một nỗ lực nhằm kiềm chế của Washington. Một số tờ báo của Trung Quốc, trong đó có Thời báo Hoàn Cầu, mô tả IPEF là một "NATO kinh tế tại châu Á" để nhắm vào nước này.
"Trung Quốc là một nước có tiềm lực và đang phát triển. Chúng tôi không tìm cách kiềm tỏa hay làm chậm sự phát triển của họ. Hy vọng duy nhất của chúng tôi là tất cả chúng ta đều hành xử theo cùng một bộ quy tắc", thứ trưởng Sherman nêu quan điểm của Washington.
Nữ thứ trưởng ngoại giao Mỹ ví von 13 nước tham gia lễ khởi động quá trình thảo luận là những người đang ở tầng trệt của một tòa nhà.
Họ sẽ cùng xây dựng các trụ cột của IPEF, đưa ra các khuôn khổ và quy tắc cho những khái niệm mới, ví dụ nền kinh tế số. Vai trò của 13 nước này vì thế rất quan trọng và nặng nề bởi họ sẽ phải xác định, đề ra và xây dựng các quy tắc bền vững theo thời gian.
Trước một số ý kiến về việc Việt Nam tham dự sự kiện công bố IPEF hôm 23-5, trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 26-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh đây chỉ là sự kiện khởi động quá trình thảo luận giữa các nước trước ý tưởng của Mỹ.
T heo bà Thu Hằng, trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và những đối tác liên quan trao đổi, làm rõ nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột là thương mại và chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng, thuế và chống tham nhũng.
Khi được hỏi liệu Việt Nam có kế hoạch trở thành thành viên IPEF, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định việc tham gia của mỗi nước gồm cả Việt Nam sẽ phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận.
"Việt Nam cho rằng IPEF cần dựa trên nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN và bổ sung cho các liên kết kinh tế đã có", đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Đài Deutsche Welle (DW) của Đức nhận định nhiều doanh nghiệp châu Âu đang chú ý đến Việt Nam nhờ kết quả kinh tế khả quan cả trong và sau đại dịch COVID-19 - điều chỉ một vài quốc gia châu Á làm được.