Mỹ triệu tập 150 đặc phái viên của 40 nước, báo cáo về vụ khinh khí cầu Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
10/02/2023 02:51:35

Một quan chức chính quyền cấp cao kiêm nhà ngoại giao cho biết, hôm thứ Ba (7/2), Hoa Kỳ đã triệu tập các nhà ngoại giao từ 40 quốc gia có trụ sở tại Washington và Bắc Kinh, để báo cáo về vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc đi vào không phận Hoa Kỳ vào cuối tháng 1.

Ngày 4/2/2023, khinh khí cầu do thám của ĐCSTQ đã bị máy bay chiến đấu F-22 bắn hạ trên vùng lãnh hải ngoài khơi Nam Carolina, Hoa Kỳ. (Ảnh ghép Epoch Times)

Quan chức này cho biết, hôm thứ Hai (6/2) Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã thông báo cho gần 150 nhà ngoại giao nước ngoài tại các đại sứ quán từ 40 quốc gia. Trong khi đó tại Bắc Kinh, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã triệu tập các đặc phái viên nước ngoài vào thứ Hai và thứ Ba, trình bày kết quả điều tra của Hoa Kỳ về khinh khí cầu do thám của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).


“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin càng nhiều càng tốt với các quốc gia trên thế giới. Những nước này cũng có thể dễ bị ảnh hưởng trước hành động này”, vị quan chức cấp cao cho biết.


Washington Post , tờ báo đầu tiên đưa tin về cuộc họp ngắn của Thứ trưởng Sherman, cũng trích dẫn lời của quan chức Hoa Kỳ, nói rằng các khinh khí cầu do thám có liên quan đến các nỗ lực do thám quân sự rộng lớn của Trung Quốc tập trung vào đảo Hải Nam.

Mặc dù các nhà phân tích chưa biết quy mô của hạm đội khinh khí cầu của Trung Quốc, nhưng các quan chức Mỹ cho biết kể từ năm 2018, hạm đội này đã thực hiện hàng chục nhiệm vụ trên cả 5 châu lục, trong đó có một số mục tiêu nhắm vào Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines.


Washington Post đưa tin rằng hoạt động quân sự lần này có sự tham gia của công nghệ từ một công ty tư nhân Trung Quốc, một phần trong chiến lược “kết hợp quân sự-dân sự” của ĐCSTQ.

Hôm 28/1, lần đầu tiên khinh khí cầu do thám Trung Quốc vào không phận Alaska. Nó băng qua phía bắc quần đảo Aleutian, quay trở lại Alaska, rồi tiếp tục băng qua Canada và đi qua phía bắc bang Idaho, Hoa Kỳ vào tuần trước.


Thứ Năm tuần trước (2/2), NBC News báo cáo rằng Lầu năm góc đang theo dõi khinh khí cầu này trên không phận bang Montana của nước này.

Hôm thứ Bảy (4/2) sau khi khinh khí cầu do thám của Trung Quốc nán lại không phận Hoa Kỳ trong 1 tuần, một máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã bắn hạ nó ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.

Các thủy thủ Nhóm xử lý vật liệu nổ 2 đang làm việc để thu hồi khinh khí cầu gần bờ biển Nam Carolina vào ngày 5 tháng 2 năm 2023. (Ảnh của Hải quân Hoa Kỳ)

Khinh khí cầu gián điệp

Vị quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết thêm rằng Bộ Ngoại giao cũng gửi thông tin về sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc tới các cơ quan đại diện của Mỹ trên khắp thế giới, để chia sẻ với các đồng minh và đối tác.


Khi được hỏi liệu Đài Loan có được các quan chức Hoa Kỳ thông báo tóm tắt hay không, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng: “Chúng tôi vẫn luôn liên hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ, và tiếp tục trao đổi quan điểm về các tương tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Trong cuộc họp tại Bắc Kinh, các quan chức Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin chứng minh khinh khí cầu này không phải là khinh khí cầu nghiên cứu thời tiết mà Trung Quốc nói, mà là khí cầu được sử dụng cho hoạt động gián điệp, các nhà ngoại giao tham gia thảo luận cho biết. Washington cho biết khinh khí cầu do quân đội Trung Quốc kiểm soát.

Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết họ đã được Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo rằng các tấm pin mặt trời trên khinh khí cầu đồng nghĩa với việc nó cần nhiều năng lượng hơn khinh khí cầu thời tiết, và đường bay của nó không phù hợp với hướng gió tự nhiên. Nhưng quan chức Mỹ cho biết khinh khí cầu này được trang bị bánh lái và chân vịt.


Một nhà ngoại giao quốc phòng châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh nói với Reuters : “Theo thông báo của Hoa Kỳ, sự hiểu biết của chúng tôi về khinh khí cầu này và việc Trung Quốc từ chối nêu tên công ty hoặc tổ chức sở hữu khinh khí cầu, khiến chúng tôi khó có thể tin rằng đây là một khinh khí cầu thời tiết dân sự.”

Thông điệp trên tương tự như những gì Lầu Năm Góc đã chia sẻ với các phóng viên từ cuối tuần qua, rằng những khinh khí cầu này là một phần của hạm đội Trung Quốc, và vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác.


Trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang vào tối thứ Ba (7/2), Tổng thống Biden cho biết Hoa Kỳ muốn “tìm kiếm sự cạnh tranh chứ không phải xung đột” với Trung Quốc. “Nói một cách rõ ràng thì chiến thắng trong cuộc đua với Trung Quốc sẽ đoàn kết tất cả chúng ta. Chúng ta phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trên toàn thế giới.”


“Nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước của mình,” Tổng thống Mỹ cảnh báo.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã đáp lại những tuyên bố của ông trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Tư, cáo buộc Hoa Kỳ đang cố gắng “bôi nhọ” Trung Quốc.


Hôm thứ Hai (6/2), Reuters đưa tin rằng các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã lập luận trong một bài báo được công bố gần đây, rằng khinh khí cầu nên được phát triển và triển khai hơn nữa trong một loạt các nhiệm vụ.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, các nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ đã có thể sử dụng công nghệ mới để theo dõi các tín hiệu có thể có từ các khinh khí cầu. Trong một số trường hợp, quân đội và cộng đồng tình báo có thể sẽ nói rằng các tín hiệu này bắt nguồn từ quốc gia cụ thể nào, gồm cả Trung Quốc.


Theo Lý Ngôn / Epoch Times

Chúng ta biết gì về khinh khí cầu của Trung Quốc?

Chắc chắn sẽ có những thông tin chi tiết hơn được công bố ra khi người ta tìm hiểu kỹ hơn những mảnh khinh khí cầu tàn dư thu được.

Chia sẻ Facebook