Mỹ tìm cách giải quyết mối lo mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông
Mỹ là cường quốc thống trị ở Trung Đông trong 3 thập kỷ qua và vẫn là vậy cho đến ngày nay. Nhưng điều gì sẽ xảy ra trong 3 thập kỷ tới thì còn phải chờ xem.
Ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông có vẻ đang bị nhạt dần. Trong nỗ lực dường như nhằm cứu vãn tình hình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du 3 ngày đến Ả Rập Xê-út, từ ngày 6-8/6.
Nhưng thúc đẩy “hợp tác chiến lược” với các đối tác vùng Vịnh, bao gồm Ả Rập Xê-út, có thể là một trận chiến khó khăn đối với Washington khi “khoảng trống” ở Trung Đông đang nhanh chóng bị Trung Quốc, Nga và Iran lấp đầy.
Chiếc ô an ninh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Ả Rập Xê-út hôm 6/6 và có cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) ở Jeddha trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Riyadh và Washington.
Chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken, chuyến đi thứ hai của ông tới Ả Rập Xê-út kể từ khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, diễn ra sau khi cường quốc hàng đầu trong thế giới Ả Rập – dưới sự lãnh đạo của Thái tử MBS – tỏ ra quyết đoán hơn trong việc ra các quyết định mà không tham khảo ý kiến của Washington.
Riyadh đã nhiều lần xung đột với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cung cấp dầu thô cho thị trường toàn cầu, việc họ sẵn sàng hợp tác với Nga trong OPEC+ và bình thường hóa quan hệ với Iran theo một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.
Ông Biden cũng từng cam kết biến Ả Rập Xê-út trở thành “kẻ bị bài xích” (pariah) sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post năm 2018.
Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út – giống như các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh khác – vẫn dựa vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ cho khu vực Trung Đông rộng lớn hơn khi căng thẳng về chương trình hạt nhân của Iran trong những năm gần đây đã biến thành một loạt các cuộc tấn công.
Riyadh và Washington cũng đã làm việc song song để cố gắng đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài ở Sudan, vốn đã khó đạt được sau nhiều tuần giao tranh giữa quân đội chính quy của quốc gia Đông Phi và lực lượng bán quân sự đối thủ. Và Ả Rập Xê-út muốn chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, điều mà Mỹ cũng đang tìm kiếm.
“Về cơ bản, đặc biệt là khi nói đến vấn đề an ninh và một số vấn đề khác tương tự, mối quan hệ (giữa Ả Rập Xê-út và Mỹ) đã bền chặt hơn so với một năm trước”, ông Hussein Ibish, một học giả thường trú cao cấp tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington (AGSIW), cho biết. “Bề ngoài trông quan hệ song phương có vẻ căng thẳng hơn, nhưng nhìn chung về bản chất thì nó lại mạnh mẽ hơn”.
Trong chuyến thăm lần này, Ngoại trưởng Mỹ đã đặt chân đến một Ả Rập Xê-út đang háo hức can dự quốc tế hơn, đặc biệt là sau khi Riyadh tham gia vào các thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine. Vương quốc này cũng đã tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng trước tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập, và ngay sau đó là Bộ trưởng Nội vụ Nga – người đang bị phương tây trừng phạt.
Với việc giá dầu vẫn ở mức dưới 100 USD/thùng, chính quyền Biden không có mối lo ngại ngay lập tức về giá cả tại các trạm xăng dầu ở Mỹ trong mùa hè này.
Khi vấn đề năng lượng được tạm gác qua một bên, Washington hy vọng sẽ tận dụng đòn bẩy quan hệ an ninh của mình với Ả-rập Xê-út trong bối cảnh mối quan hệ giữa quốc gia vùng Vịnh với Trung Quốc và Nga đang trở nên nồng ấm hơn. Tuy nhiên, người Ả Rập Xê-út có thể muốn có những đảm bảo mà ông Biden không thể cung cấp, chẳng hạn như việc Quốc hội Mỹ ngăn “xứ cờ hoa” bán vũ khí cho Vương quốc Ả Rập này, ông Ibish – chuyên gia tại AGSIW nhận định.
“Vụ Khashoggi vẫn ám ảnh nghị trường Quốc hội Mỹ. Tôi không nghĩ điều đó đã kết thúc ở Washington”, ông Ibish nói. “Phần còn lại của thế giới đã tiến lên, nhưng tôi không nghĩ rằng Quốc hội Mỹ đã vượt qua điều đó”.
Khoảng trống cần lấp đầy
Hồi tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được tổ chức tại Ả Rập Xê-út, và tuyên bố rằng Mỹ “sẽ không bỏ đi và để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hoặc Iran lấp đầy”. Nhưng đó chính xác là những gì đã và đang xảy ra ở Trung Đông.
Bất chấp sự phản đối của Mỹ, các quốc gia vùng Vịnh – dẫn đầu là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – đã cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và Tehran, đồng thời duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow.
Mặc dù chính quyền Biden đã công khai hạ thấp tầm quan trọng của thỏa thuận giữa Ả Rập Xê-út và Iran do Trung Quốc làm trung gian gần đây nhằm thiết lập lại quan hệ ngoại giao song phương, nhưng Washington không thể không tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng Vịnh giàu dầu mỏ và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất dầu khí, gần như trở nên độc lập về năng lượng. Nền kinh tế số 1 thế giới có thể không còn cần nhiều dầu mỏ ở vùng Vịnh nữa, nhưng Washington vẫn cần can dự với khu vực này nhằm cắt đứt nguồn cung năng lượng quan trọng của các đối thủ địa chính trị trong trường hợp xảy ra xung đột và đảm bảo nguồn cung năng lượng đó cho các đồng minh của mình.
Ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và xa hơn nữa cũng khiến Mỹ lo lắng. Trước lập trường mơ hồ của các đồng minh vùng Vịnh đối với Nga, chính quyền Biden đã gia tăng áp lực lên một số quốc gia, cho thấy rõ rằng sự kiên nhẫn của họ đang cạn dần. Washington cảnh báo các quốc gia trong khu vực không nên giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt và yêu cầu họ chọn bên – nếu không họ sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ” của Mỹ và các quốc gia G7.
Nhưng việc ảnh hưởng của Mỹ bị suy yếu không chỉ được nhìn thấy rõ ràng ở Riyadh; nó đang trở thành một hiện tượng khu vực. UAE, một đồng minh khác của Mỹ, cũng đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, cải thiện quan hệ chiến lược với Pháp và nỗ lực thu hút Iran, Nga và Ấn Độ. Điều này, đôi khi, đã khiến mối quan hệ của họ với Mỹ trở nên căng thẳng.
Trung Đông đã và đang đa dạng hóa sự tham gia toàn cầu của mình. Điều này là khá rõ ràng trong quan hệ thương mại. Từ năm 2000 đến năm 2021, thương mại Trung Đông-Trung Quốc đã tăng từ 15,2 tỷ USD lên 284,3 tỷ USD. Trong cùng thời kỳ, thương mại Trung Đông-Mỹ chỉ tăng khiêm tốn từ 63,4 tỷ USD lên 98,4 tỷ USD.
6 quốc gia Trung Đông – trong số đó có Ả Rập Xê-út, UAE và Ai Cập – gần đây đã yêu cầu tham gia nhóm BRICS do Trung Quốc dẫn dắt và bao gồm cả Nga , Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Điều này vẫn diễn ra bất chấp các lệnh trừng phạt ngày càng mở rộng của phương Tây đối với Nga.
Minh Đức (Theo AP, Al Jazeera)