Mỹ tiếp tục tung đòn kinh tế với Nga
Phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đang đẩy nhanh các biện pháp gây khó khăn cho nền kinh tế Nga, đồng thời phát đi tín hiệu cảnh báo tới các quốc gia đứng về phía Nga.
Hôm 18-3, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ quy chế "tối huệ quốc" với Nga, mở đường cho việc hàng hóa Nga xuất sang Mỹ có thể bị áp mức thuế cao vượt trội so với các nước khác. Thượng viện cũng phát đi tín hiệu sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này.
Sau "tối huệ quốc" có thể là dầu khí
Động thái trên của lưỡng viện Quốc hội Mỹ đánh dấu bước đi mới của Washington trong việc gây khó khăn hơn nữa cho kinh tế Nga, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn do các biện pháp cấm vận của phương Tây.
Theo quy chế "tối huệ quốc", các nước là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cam kết sẽ dành những ưu đãi thương mại tương tự nhau với các thành viên khác cùng thuộc tổ chức này.
Đến giữa tháng 3-2022, khoảng 1/4 trong số 164 thành viên của WTO - chiếm 58% GDP toàn cầu - đã tuyên bố hoặc thể hiện ý định sẵn sàng ngừng quy chế "tối huệ quốc" cho Nga, theo Hãng tin Bloomberg. Ngoài Mỹ, danh sách này còn bao gồm 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada, Hàn Quốc và Úc.
Điều này có nghĩa là hàng hóa Nga có thể đối mặt với thuế quan cao hơn các loại hàng hóa có tính chất tương tự của những nước khác tại hàng chục quốc gia, dẫn tới giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Nga và xa hơn là các nhà sản xuất tại Nga.
EU vẫn miễn cưỡng trong việc áp lệnh cấm nhập khẩu dầu khí và các sản phẩm tinh chế từ Nga do sự phụ thuộc lớn hơn. Đài CNN dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ phương Tây đang cảm thấy khó khăn hơn trong việc lựa chọn các gói trừng phạt mới nhắm vào Nga.
Điều này là vì tiêu chí vừa phải khiến Nga cảm thấy sức ép kinh tế mà dừng lại hành động quân sự ở Ukraine lại cũng phải vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến kinh tế của chính mình.
Sự hiện diện của Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới có thể gia tăng áp lực lên các đối tác châu Âu không muốn cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga.
Các nguồn tin ngoại giao ở châu Âu tiết lộ nếu ông Biden kiên quyết bắt châu Âu đoạn tuyệt với dầu khí Nga thì Brussels sẽ mặc cả yêu cầu này bằng việc Mỹ phải nới lỏng các điều kiện bán khí đốt hóa lỏng cho châu Âu.
Về phía Nga, nước này nhiều lần hạ thấp mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và cho rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nước này giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo Hãng thông tấn Tass ngày 18-3, Nội các Nga đã thông qua quy tắc phân phối chi tiêu ngân sách theo hướng linh hoạt và nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp lẫn người dân hơn.
Ngân hàng Trung ương Nga cùng ngày cũng quyết định giữ nguyên lãi suất 20%/năm để "duy trì ổn định tài chính và ngăn giá cả tăng không kiểm soát". Một số ngân hàng cũng hạn chế giao dịch ngoại tệ, sau khi nhiều tài sản ở nước ngoài bị phong tỏa.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Russia Today vào ngày 18-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả Nga là nhà vô địch vì đang có hơn 5.000 biện pháp trừng phạt nhắm vào nước này. "Áp lực trừng phạt sẽ tiếp tục. Phương Tây đang đe dọa đợt trừng phạt thứ năm và có thể sẽ còn đợt sáu nữa, nhưng chúng tôi đã quen với việc đó rồi", ông Lavrov nêu quan điểm.
Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc
Sau Belarus, Trung Quốc nổi lên như mục tiêu gây sức ép tiếp theo của phương Tây. Cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18-3 trở thành tâm điểm chú ý, theo sau cuộc gặp căng thẳng giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc ở Rome (Ý) hồi đầu tuần này.
Kế hoạch cho một cuộc hội đàm như vậy đã được thảo luận từ tháng 11 năm ngoái. Song đặt trong bối cảnh hiện tại, việc làm rõ quan điểm của Trung Quốc đối với chiến dịch quân sự của Nga trở thành vấn đề nổi cộm số 1 của phía Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước thềm cuộc gặp cảnh báo Bắc Kinh sẽ có hậu quả nếu Trung Quốc ủng hộ thiết bị quân sự cho Nga - một cáo buộc mà hai nước này đã kiên quyết phủ nhận.
Trong cuộc họp báo ngày 18-3, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả các nỗ lực gây sức ép lên Trung Quốc trong vấn đề Ukraine là vô ích. Theo ông này, Bắc Kinh có quan điểm và cách đánh giá vấn đề riêng biệt và khách quan, rằng Mỹ nên giải quyết vấn đề theo cách có trách nhiệm thay vì châm dầu vào lửa, theo báo South China Morning Post.
Vài giờ trước cuộc hội đàm của ông Biden và ông Tập, Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh trích lời một "quan chức cấp cao giấu tên" cảnh báo Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận những lời đe dọa và ép buộc của Mỹ.
Tờ báo này đe dọa rằng nếu Mỹ thực hiện các biện pháp làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và lợi ích của các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ không ngồi yên mà sẽ phản ứng mạnh mẽ và Mỹ không nên có bất kỳ ảo tưởng hoặc tính toán sai lầm nào về điều này.
Trung Quốc nói xung đột không có lợi cho ai
Ngày 18-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng xung đột giữa hai quốc gia không có lợi cho ai và kêu gọi Mỹ chung vai vì hòa bình quốc tế - truyền thông Trung Quốc đưa tin.
"Quan hệ giữa nước này và nước khác không nên đi đến giai đoạn thù địch quân sự", Đài CCTV dẫn lời ông Tập nói ngày 18-3. Cuộc gọi video giữa hai nhà lãnh đạo kéo dài gần 2 giờ.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết "cuộc khủng hoảng Ukraine là điều mà chúng ta không muốn chứng kiến", đồng thời nói Mỹ và Trung Quốc "gánh vác trách nhiệm quốc tế và phải nỗ lực vì hòa bình thế giới". Đây là cuộc gọi đầu tiên của hai nhà lãnh đạo này kể từ tháng 11-2021.
T.PHƯƠNG
New York Times liệt kê chi tiết các khoản trong 13,6 tỉ USD mà Mỹ dự định chi liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó bao gồm vũ khí, thiết bị quân sự, hỗ trợ y tế, thực phẩm, người tị nạn...