Mỹ thúc đẩy phát triển vaccine COVID-19 thế hệ thứ hai, 3 biến thể phụ của Omicron lây lan nhanh hơn và ảnh hưởng đến phổi

Chia sẻ Facebook
11/05/2022 22:29:08

Đến sáng 11/5, thế giới có trên 518,21 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,27 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.


Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 83,71 triệu ca mắc và hơn 1,024 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 28.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .


Trong tuần này, Quốc hội Mỹ nhóm họp tại Đồi Capitol để thảo luận chương trình nghị sự, trong đó một phần quan trọng là đạt được đồng thuận về gói biện pháp mới chống dịch COVID-19, cụ thể là thông qua việc tài trợ cho nghiên cứu phát triển vaccine thế hệ thứ hai .


Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội Mỹ cần sớm nhất trí về một giải pháp mới nhằm ứng phó với dịch COVID-19 còn hoành hành tại quốc gia này. Theo báo Washington Post, giới chức Mỹ đang giám sát diễn biến lây lan các chủng phụ của biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao hơn tại bang New York và châu Âu. Điều này cho thấy khả năng đột biến cấu trúc gene của virus SARS-CoV-2 tiềm ẩn những mối đe dọa mới về dịch bệnh.


Kể từ khi cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên cách đây hơn một năm, đến nay tại Mỹ không có thêm vaccine nào được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên điều đó sẽ sớm thay đổi. Hơn 40 ứng cử viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, sử dụng một số phương pháp tiếp cận khác nhau để bảo vệ người dân tránh lây nhiễm COVID-19.


Nhiều nhà khoa học cho rằng, tương lai sẽ còn xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Đây có thể là các biến thể mới sản sinh từ quá trình đột biến của virus, hoặc do khả năng tái tổ hợp như trường hợp kết hợp giữa hai biến thể Delta và Omicron. Các biến thể mới này sẽ là mối đe dọa đối với khả năng miễn dịch cộng đồng và đời sống của con người trên nhiều phương diện.

Ngày 10/5, một người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg của liên minh quân sự này đã được chẩn đoán mắc COVID-19. Theo người phát ngôn, ông Jens Stoltenberg chỉ bị các triệu chứng nhẹ và sẽ làm việc tại nhà trong những ngày tới, phù hợp với các hướng dẫn y tế của chính quyền thành phố Brussels của Bỉ, nơi NATO đặt trụ sở.


Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ , vào ngày 10/5, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.


Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 664.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,57 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.


Trung tâm Y học Genomics (CMG) của Bệnh viện Ramathibodi ( Thái Lan ) cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về sự xuất hiện của 3 biến thể dòng phụ của Omicron với nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn và ảnh hưởng đến phổi. Theo CMG, các biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 có thể có khả năng lây nhiễm cao hơn biến thể Omicron gốc. Trong những tuần gần đây, WHO và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã theo dõi các diễn biến liên quan 3 biến thể phụ này tại Nam Phi và Mỹ.

Thái lan đang chuẩn bị cho kế hoạch hạ cấp COVID-19 thành bệnh đặc hữu. (Ảnh: AP)


Tháng 4, các nhà khoa học Nam Phi đã xác định hai dòng phụ BA.4 và BA.5 tại quốc gia này và tiến hành các thí nghiệm, rút ra kết luận rằng những người đã nhiễm biến thể Omicron vẫn có thể tái mắc COVID-19 do nhiễm các dòng phụ BA.4 và BA.5. Theo các chuyên gia y tế, sự thay đổi trong đột biến gene của virus là nguyên nhân khiến gia tăng tốc độ lây lan của virus, trong đó lưu ý rằng virus có thể xâm nhập vào tế bào của phổi, gây ra nhiễm trùng tương tự biến thể Delta. Trong khi đó, một số báo cáo khoa học khác có nội dung cho rằng các biến thể phụ này thậm chí có thể né tránh tác dụng của vaccine.


Do tốc độ lây nhiễm cao nên biến thể Omicron có nhiều điều kiện để đột biến, dẫn tới sự xuất hiện hàng loạt dòng phụ hoặc biến thể phụ, mà BA.4 và BA.5 là 2 trong số 5 dòng phụ của Omicron được giới khoa học xác định.


Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị cho chính quyền tại tất cả các tỉnh ở nước này đưa ra kế hoạch hoạt động sau khi COVID-19 được hạ cấp xuống thành bệnh đặc hữu. Người phát ngôn Chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana ngày 10/5 cho biết, Thủ tướng Prayut ban hành lệnh nói trên sau khi Bộ Y tế Thái Lan hạ cấp cảnh báo COVID-19 từ cấp 4 xuống cấp 3 trên toàn quốc.

Ông Thanakorn dẫn lời Thủ tướng Prayut nói rằng, mỗi tỉnh nên chuẩn bị sẵn kế hoạch hoạt động sau khi COVID-19 được tuyên bố là bệnh đặc hữu. Theo người phát ngôn, mức độ cảnh báo COVID-19 được hạ xuống vì số lượng bệnh nhân COVID-19 cần máy thở và các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 đang giảm xuống. Thủ tướng Prayut cũng khuyến khích người dân và các cơ quan chính phủ tiếp tục thực hiện những biện pháp phòng ngừa phổ quát và tiêm chủng càng nhiều càng tốt để COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu.

Ngày 10/5, Thái Lan ghi nhận thêm 6.230 ca mắc mới (mức thấp nhất kể từ ngày 6/1) cùng 53 trường hợp tử vong (mức thấp nhất kể từ ngày 5/3). Đến nay, Thái Lan xác nhận tổng cộng trên 4,33 triệu ca nhiễm COVID-19, bao gồm 29.199 người không qua khỏi.


Ủy ban quốc gia Lào về Phòng chống COVID-19 khuyến cáo, người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới sau khi nước này mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.

Theo Ủy ban trên, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp trên thế giới, việc nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và mở cửa du lịch trở lại có thể sẽ gây ra một làn sóng lây nhiễm mới. Để tránh nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp như đeo khẩu trang, tuân thủ các nguyên tắc giãn cách xã hội và thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh tay… Những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nên đi tiêm. Đến nay đã có hơn 5,7 triệu người (78,88% dân số Lào) được tiêm mũi vaccine thứ nhất, và hơn 4,9 triệu người (67,57%) đã được tiêm mũi vaccine thứ 2, trong khi khoảng hơn 19,9% đã được tiêm mũi tăng cường.

Bộ Y tế Lào cho biết, sau khi ghi nhận 89 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tính tới ngày 10/5, nước này đã ghi nhận tổng cộng 208.848 người nhiễm COVID-19, trong đó có 752 trường hợp tử vong.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang triển khai hàng loạt đợt xét nghiệm axit nucleic. (Ảnh: AP)


Giới chức Thượng Hải, Trung Quốc một lần nữa thắt chặt các hạn chế chống dịch COVID-19 dù mới cách đây vài ngày, Thượng Hải cho biết đã kiểm soát được dịch bệnh. Theo hãng tin AP, thông báo được phát đi ở một số quận tại Thượng Hải cho biết, người dân được lệnh phải ở nhà và việc giao hàng không cần thiết sẽ bị ngừng như một phần của "thời kỳ yên tĩnh" kéo dài ít nhất cho đến hết ngày 11/5. Hiện không rõ nguyên nhân tại sao giới chức Thượng Hải lại đưa ra quyết định siết chặt phong tỏa dù số ca mắc mới đang trên đà giảm. Trong 24 giờ qua, Thượng Hải đã ghi nhận số ca mắc mới dưới mức 4.000 trường hợp, ít hơn so với những ngày trước đó. Các ca mắc mới này hầu hết đều không có triệu chứng.

Do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang phải chạy đua với thời gian để tiến hành thêm nhiều đợt xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn nhằm sàng lọc các nguy cơ lây truyền sớm nhất có thể. Một số quận, huyện bắt đầu khởi động đợt xét nghiệm đại trà lần thứ 10 từ ngày 10/5.

Sau khi có thêm nhiều ca nhiễm địa phương được báo cáo trong thành phố, giới chức tại Bắc Kinh tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát dịch. Bắt đầu từ ngày 10/5, Bắc Kinh sẽ tiến hành xét nghiệm axit nucleic trên toàn thành phố chia theo quận và theo ngày. Tính đến ngày 9/5, Bắc Kinh đã tổ chức 9 đợt xét nghiệm acid nucleic hàng loạt trên toàn khu vực.

Mặc dù Bắc Kinh vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày tăng ở mức hai con số nhưng các chuyên gia dịch tễ Trung Quốc cho biết, tình hình chung đang được kiểm soát nhờ phản ứng nhanh và các biện pháp mang tính quyết định, có thể giúp ngăn chặn sớm những chuỗi lây nhiễm không rõ ràng. Các chuyên gia nhấn mạnh, việc xét nghiệm axit nucleic đại trà là cách tiếp cận hiệu quả trong việc hạn chế lây nhiễm khi vẫn còn nguy cơ cao ở cấp cộng đồng.

Kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, gần 75% số phụ huynh được hỏi bày tỏ lo ngại về sức khỏe tâm thần của con cái sau đại dịch COVID-19. Theo cuộc thăm dò do BBC Bitesize phối hợp với Netmums tiến hành đối với hơn 2.000 phụ huynh, 74% số người được hỏi cảm thấy lo ngại về sức khỏe tâm thần của con cái và một tỷ lệ tương tự cho biết, họ coi sức khỏe tâm thần của con cái là ưu tiên cao hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Gần 50% nói rằng, con cái của họ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và 46% cho rằng trẻ cảm thấy cô đơn trong thời gian đại dịch. Kết quả thăm dò cũng cho thấy ảnh hưởng của biện pháp phong tỏa đối với kỹ năng xã hội và sự tự tin của trẻ. Tổng cộng 48% báo cáo rằng con của họ đang gặp khó khăn khi kết bạn và giao tiếp xã hội, trong khi 66% cho biết, con họ lo lắng vì không thể gặp bạn bè và gia đình thường xuyên như trước. Gần 28% số cha mẹ ghi nhận sức khỏe tâm thần của con họ đi xuống trong 6 tháng qua.

Chia sẻ Facebook