Mỹ thua Trung Quốc, Nga trong 'cơn sốt' khai thác lithium ở Nam Mỹ
Các công ty Mỹ đang gặp khó khăn trong cuộc đua giành hợp đồng khai thác lithium ở Nam Mỹ. Đặc biệt, khi Chính phủ Trung Quốc và Nga đang dồn sức cho các thỏa thuận khai thác lithium ở khu vực này.
Nhu cầu toàn cầu về lithium, một kim loại quan trọng đối với pin trong ôtô điện và thiết bị điện tử máy tính, dự kiến tăng gấp 40 lần trong 20 năm tới khi các công nghệ tái tạo trở nên phổ biến hơn.
Các mỏ lithium dễ dàng khai thác nhất hiện nay nằm ở Chile, Argentina và Bolivia. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa thể tận dụng ảnh hưởng của mình ở tây bán cầu để hỗ trợ các công ty Mỹ hoạt động, theo nhận định của báo The Hill .
Đặc biệt, các mỏ lithium của Bolivia thuộc loại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia không giáp biển này đã gặp khó khăn trong việc thương mại hóa lithium vì các vấn đề kỹ thuật và chính trị.
Đầu năm 2022, Chính phủ Bolivia mở một cuộc đấu thầu quốc tế để khai thác các mỏ lithium tại nước này.
Vào tháng 6, EnergyX - một công ty Mỹ - bắt đầu thử nghiệm khai thác lithium tại khu vực vựa muối Uyuni và đã bị loại về kỹ thuật.
Chính phủ Bolivia đã trì hoãn quyết định cuối cùng về cuộc đấu thầu và hứa sẽ công bố người chiến thắng vào tháng 12.
Tuy nhiên, việc EnergyX - công ty có công nghệ khai thác lithium thân thiện với môi trường và tiên tiến nhất - bất ngờ bị loại đã đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Ông Teague Egan, giám đốc điều hành và sáng lập EnergyX, cho biết: "Chúng ta nên có một mối quan hệ rộng lớn hơn với Chile, Argentina và Bolivia. Mỹ bị tụt hậu là những gì chúng ta đang thấy. Trung Quốc, Nga và các nước châu Á như Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỉ USD vào Nam Mỹ".
Trong thập niên 1990, ảnh hưởng của Mỹ ở Mỹ Latin mạnh đến mức các công ty Mỹ được coi là có lợi thế trước các đối thủ. Họ được trang bị nhiều vốn hơn, công nghệ tốt hơn và một đoàn ngoại giao hỗ trợ.
Tuy nhiên sau này, Mỹ đã chuyển hướng sự chú ý về địa chính trị từ Mỹ Latin sang Trung Đông và châu Á.
Trường hợp ở Bolivia, thực tế Mỹ không còn đại sứ chính thức ở nước này kể từ khi cựu tổng thống Evo Morales trục xuất cựu đại sứ Rob Goldberg năm 2008.
Các mỏ lithium ở Nam Mỹ được săn lùng nhiều một phần vì chúng dễ chiết xuất hơn và chủ yếu được tìm thấy dưới dạng hòa tan trong muối, cho phép thực hiện quá trình lọc để chiết xuất kim loại có giá trị.
Hiện nay, Trung Quốc đã kiểm soát các tài sản lithium đáng kể ở Nam Mỹ và các doanh nghiệp của họ đã đầu tư khoảng 4,5 tỉ USD vào lithium trong 3 năm qua ở Nam Mỹ và Mexico.
Mặt khác, ngày 29-11-2021, Uranium One - một công ty con của công ty hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga - đã ký một thỏa thuận thành lập một liên doanh để phát triển mỏ lithium Tolillar ở Argentina nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.
Các quốc gia khác, như Úc và Mexico, có trữ lượng lớn lithium, nhưng chúng hóa khoáng trong đá và đòi hỏi các phương pháp truyền thống, xâm lấn để khai thác.
Công suất pin lithium-ion toàn cầu có thể tăng mạnh vào năm 2030 Công suất pin lithium-ion toàn cầu có thể tăng 5 lần lên 5.500 GWh vào năm 2030 kể từ năm 2021.