Mỹ thừa nhận vẫn mua mặt hàng này từ Nga dù biết rủi ro

Chia sẻ Facebook
09/11/2023 03:18:31

Sự phụ thuộc của Mỹ vào Nga về nhiên liệu hạt nhân đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các mục tiêu an ninh quốc gia và hơn thế nữa.


Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với các ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt Nga, khiến Moscow thiệt hại hàng chục tỷ USD doanh thu.


Nhưng Washington vẫn chưa có cách nào từ bỏ “cơn nghiện” nhiên liệu hạt nhân Nga vì có rất ít lựa chọn thay thế. Hiện “gã khổng lồ” năng lượng nguyên tử thuộc sở hữu nhà nước Nga Rosatom vẫn nghiễm nhiên tiếp tục cung cấp nhiên liệu hạt nhân và các dịch vụ làm giàu uranium cho các lò phản ứng của Mỹ và phương Tây.


Tình hình “rất đáng lo ngại”, bà Kathryn Huff, Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ phụ trách năng lượng hạt nhân, nói với tờ Financial Times (Anh) hôm 7/11.


Hậu quả nếu không hành động


Nga là nhà cung cấp lâu năm về uranium được làm giàu giá rẻ trên thị trường thế giới, chiếm khoảng 50% thị phần năng lực làm giàu toàn cầu. Theo dữ liệu thương mại và các chuyên gia được trích dẫn trong một bài báo gần đây của hãng tin AP (Mỹ), Nga đã bán các sản phẩm nhiên liệu hạt nhân trị giá 1,7 tỷ USD cho các nhà sản xuất điện của Mỹ và châu Âu vào năm ngoái.


Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, năm ngoái, ngành công nghiệp hạt nhân của nước này đã nhập khoảng 12% uranium từ Nga, trong khi châu Âu phụ thuộc vào Moscow về khoảng 17% uranium vào năm 2022.


“Nếu không hành động, Nga sẽ tiếp tục thống trị thị trường này… Điều này thực sự quan trọng đối với an ninh quốc gia, khí hậu và sự độc lập về năng lượng của chúng tôi”, vị quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

Lò phản ứng và tháp làm mát của tổ máy số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Vogtle của Georgia Power Co. ở Waynesboro, bang Georgia, Mỹ, ngày 20/1/2023. Ảnh: NBC News


Trên toàn cầu, Rosatom là công ty số 1 về làm giàu uranium và đứng thứ 3 về sản xuất uranium và chế tạo nhiên liệu, theo báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Nga. Điều này không chỉ giúp dòng tiền của ông Putin được luân chuyển mà còn khiến Mỹ và các đồng minh có nguy cơ bị “mất điện” nếu Tổng thống Nga quyết định cắt đứt nguồn cung.


Chỉ có một số ít nhà cung cấp phương Tây có khả năng cung cấp dịch vụ làm giàu nhiên liệu hạt nhân, trong đó có Orano và Urenco của Pháp, một tập đoàn của Anh, Đức và Hà Lan. Trong khi đó, Tenex – một công ty con của Rosatom, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp trên quy mô thương mại loại nhiên liệu mới có tên HALEU.


HALEU là uranium chất lượng cao có mức độ làm giàu thấp từ 5-20%, thích hợp để làm lõi phản ứng cho các nhà máy điện hạt nhân tiên tiến đang được Mỹ và nhiều nước châu Âu khác phát triển.


Đa dạng hóa nguồn cung


Bà Huff cho biết chính quyền Biden đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm 2,16 tỷ USD để hỗ trợ chiến lược khuyến khích các công ty có trụ sở tại Mỹ tăng cường năng lực làm giàu và chuyển đổi. Kế hoạch này sẽ khiến Bộ Năng lượng Mỹ trở thành người mua dài hạn cuối cùng cho các công ty nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân trong tương lai.


Tuy nhiên, bà nói, sự thành công của khoản đầu tư công này sẽ phụ thuộc vào việc áp đặt các hạn chế lâu dài đối với các sản phẩm và dịch vụ hạt nhân của Nga.


“Trước đây, chúng ta đã thấy rằng việc bán phá giá các sản phẩm uranium được làm giàu giá rẻ của Nga trong lịch sử đã thực sự gây tổn hại đến chu trình nhiên liệu của chúng ta và đưa chúng ta đến tình trạng như ngày nay”, bà Huff cho biết, và nói thêm rằng có sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đối với năng lượng hạt nhân.


Dự luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga đã được một tiểu ban tại Hạ viện Mỹ thông qua vào tháng 5. Một dự luật tương tự đang được đưa ra trước Thượng viện Mỹ.

Các thùng chứa đầy khí uranium hexafluoride phải được làm giàu để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng. Việc chuyển đổi uranium đã nghiền thành loại khí này là nút thắt nghiêm trọng nhất trong chu trình nhiên liệu hạt nhân của Mỹ, trong khi Rosatom của Nga lại là "chuyên gia" trong khâu này. Ảnh: Bloomberg


Mỹ cũng đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh – Canada, Pháp, Nhật Bản và Anh – để đảm bảo chuỗi cung ứng và đã bắt đầu tài trợ cho một số dự án. Washington đang hỗ trợ việc mở rộng công suất tại nhà máy làm giàu uranium của Urenco ở New Mexico, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.


Bộ Năng lượng Mỹ đã đồng tài trợ cho một dự án thí điểm do Centrus Energy Corp. dẫn đầu, dự kiến sẽ sản xuất lô nhiên liệu HALEU đầu tiên trong vòng vài tuần.


“Về mặt pháp lý, nguyên liệu của Nga vẫn có sẵn và được phép mua bán”, ông Daniel Poneman, CEO của Centrus, cho biết. “Tuy nhiên, chính trị xung quanh nó đã biến đổi đáng kể. Và dù không phải tất cả, nhưng nhiều nhà nhập khẩu uranium được làm giàu hiện tại từ Nga muốn chuyển sang các nguồn cung cấp khác” .


Minh Đức (Theo Financial Times, The Messenger)

Chia sẻ Facebook