Mỹ thu hồi quy chế công nhận Nga là nền kinh tế thị trường
Mỹ đã rút lại quy chế công nhận Nga là nền kinh tế thị trường, một động thái có thể dẫn đến các mức thuế chống bán phá giá cao hơn đối với những mặt hàng mà Nga đang bán sang Mỹ như nhôm thép, khoáng sản và hóa chất.
Mỹ thu hồi quy chế công nhận Nga là nền kinh tế thị trường
Hôm 9-11, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Mỹ sẽ không còn coi Nga là một quốc gia có nền kinh tế thị trường, hủy bỏ một quy chế đã cấp cho Nga cách đây hai thập niên, giúp hạn chế mức tính thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa của Nga.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các phân tích cho thấy sự tham gia “sâu rộng” của chính phủ Nga vào nền kinh tế đã dẫn đến giá cả và chi phí bị bóp méo, không phản ánh chính xác liệu các công ty Nga có định giá hàng hóa xuất khẩu khẩu vào Mỹ một cách công bằng hay không.
“Quyết định này mang lại cho Mỹ khả năng áp dụng toàn bộ sức mạnh của luật chống bán phá giá để giải quyết những biến dạng thị trường do sự can thiệp ngày càng tăng từ chính phủ Nga vào nền kinh tế của họ”, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Washington đã cấp cho Nga quy chế kinh tế thị trường vào năm 2002, một bước đi quan trọng để Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2012.
Mỹ đã tiến hành một cuộc đánh giá về quy chế kinh tế thị trường của Nga vào năm 2021 sau khi nhận được các khiếu nại cho rằng phân bón của Nga được bán ở Mỹ với “giá thấp hơn giá trị hợp lý”.
Năm ngoái, Phòng Thương mại Mỹ tại Nga cho biết Moscow có thể sẽ khiếu nại bất kỳ quyết định nào của Mỹ nhằm tước bỏ quy chế kinh tế thị trường của Nga tại WTO. Tuy nhiên, quan hệ của Moscow với phương Tây đã xấu đi đáng kể kể từ khi Nga đưa binh sĩ và xe tăng qua biên giới Ukraine vào cuối tháng 2.
Kể từ sau đó, Mỹ cùng với các nước đồng minh phương Tây khác đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt nhằm cô lập nền kinh tế Nga.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown của đảng Dân chủ, nói: “Nga không nên được hưởng những đặc quyền của nền kinh tế thị trường. Chính phủ Nga đã sở hữu tới 70% nền kinh tế, vì vậy đó không phải là nền kinh tế thị trường”.
Trong một bài viết hôm 10-11, tạp chí Forbes ví việc Mỹ đưa Nga trở lại nền kinh tế phi thị trường như là thêm “một chiếc đinh nữa đóng vào cỗ quan tài kinh tế Nga”.
Quyết định này báo hiệu hàng hóa của Nga có thể bị áp đặt các mức thuế nhập khẩu cao hơn nhiều trong các vụ kiện thương mại của Mỹ, cụ thể là các vụ kiện về chống bán phá giá. Thuế chống bán phá giá đối với Nga cho đến nay đang tập trung vào các lĩnh vực chiếm một phần lớn trong các lô hàng phi năng lượng xuất khẩu sang Mỹ bao gồm kim loại và khoáng sản, nhôm thép và hóa chất.
Hiện nay, trong các vụ kiện chống bán phá giá, Bộ Thương mại Mỹ xác định biên độ phá giá hoặc mức độ mà các sản phẩm nước ngoài bán thấp hơn so với giá trị hợp lý. Để xác định điều này, Mỹ sử dụng giá cả ở nước xuất khẩu làm chuẩn, nếu nước đó có nền kinh tế thị trường. Nhưng nếu giá ở nước xuất khẩu đó không do các lực lượng thị trường ấn định, thì Bộ Thương mại Mỹ có quyền tự do sử dụng giá từ một nước khác. Điều này thường dẫn đến biên độ phá giá và các mức thuế phạt rất cao.
Chẳng hạn, nếu một sản phẩm được bán với giá 10 đô la Mỹ ở Nga, nhưng các nhà xuất khẩu của Nga bán nó sang Mỹ với giá 5 đô la Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ sử dụng dữ liệu đó để ước tính biên độ phá giá nếu Nga là nền kinh tế thị trường. Trong trường hợp Nga được coi là một nền kinh tế phi thị trường, Bộ Thương mại Mỹ có thể sử dụng giá của sản phẩm liên quan tại Đức hoặc Pháp, những nơi có giá bán cao hơn, chẳng hạn 20 đô la Mỹ. Do đó, sản phẩm của Nga sẽ phải chịu mức mức thuế chống bán phá giá 400% thay vì 100% khi nhập khẩu vào Mỹ.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Nga vào Mỹ đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồi tháng 3, Tổng thống Biden đã kêu gọi thu hồi quy chế tối huệ quốc (MFN) dành cho Nga và sau đó quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua. Theo các quy định của WTO, hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia có quy chế MFN phải được đối xử như mọi hàng hóa của quốc gia MFN khác (ngoại trừ đối xử ưu đãi của các đối tác trong hiệp định thương mại tự do). Việc tước bỏ quy chế MFN đối với Nga cũng khiến hàng hóa nhập khẩu từ Nga phải chịu mức thuế cao hơn và gặp nhiều rào cản thương mại khi bán sang Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang dần bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, lĩnh vực năng lượng là ngoại lệ lớn vì Nga đang thu về hơn 300 tỉ đô la Mỹ trong năm nay từ xuất khẩu dầu và khí đốt nhờ cuộc khủng hoảng năng lượng. Con số này có thể sẽ giảm dần theo thời gian khi châu Âu chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận dầu của Nga vào đầu tháng 12 tới.
Lê Linh (Theo Reuters)
TBKTSG