Mỹ thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chip
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD nhằm hỗ trợ một phần cho ngành sản xuất chip trong nước.
Dự luật này cũng sẽ bổ sung hàng trăm tỷ USD cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ.
Dự luật bao gồm các khoản trợ cấp Liên bang và giảm thuế cho các công ty sản xuất chip ở Mỹ. 200 tỷ USD sẽ cấp cho công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, robot, điện toán lượng tử và một loạt các công nghệ khác.
"Sau nhiều năm, Thượng viện Mỹ đã thông qua khoản đầu tư lớn nhất vào khoa học, công nghệ và sản xuất tiên tiến trong nhiều thập kỷ. Dự luật Khoa học và Chips này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao", ông Chuck Schumer, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh.
Đây cũng được coi là bước tiến quan trọng để tăng cường khả năng cho ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước, giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nhập khẩu khi tình trạng thiếu chip đe doạ nghiêm trọng đến ngành công nghiệp của nước này.
Theo đó, 52 tỷ USD sẽ dành cho ngành sản xuất chip nội địa. Các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng và xây mới. Chất bán dẫn vốn là thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử hiện đại, từ máy tính, ô tô đến máy bay, tên lửa.
Tổng thống Joe Biden hoan nghênh việc thông qua dự luật và nói rằng điều này làm tất cả mọi thứ tại Mỹ sẽ hạ giá, từ ô tô đến máy rửa bát. Đây được coi là bước đi dài hạn của Mỹ trong cuộc chiến giành ưu thế dẫn đầu về khoa học, công nghệ cao.
Dự luật hiện đang được chuyển đến Hạ viện và dự kiến sẽ sớm được thông qua vào cuối tháng này.