Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược? Đây là những gì lịch sử nói

Chia sẻ Facebook
13/09/2022 06:13:22

Hồ sơ về các quyết định chính sách trong quá khứ của Washington chứng tỏ rằng, khi đối diện với hoàn cảnh trắc nghiệm, các tổng thống Mỹ luôn có thể đưa ra quyết định bảo vệ Đài Loan, ngay cả trong bối cảnh các tình huống có thể leo thang đến mức chiến tranh hạt nhân. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào được biết đến trong đó một tổng thống Mỹ không cử lực lượng đến hỗ trợ bảo vệ Đài Loan nhằm đối phó lại mối đe dọa từ phía ĐCSTQ. 


Tháng 12 năm 1949, Tưởng Giới Thạch đã chuyển thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc đến Đài Bắc bên bờ sông Đạm Thủy, trên đảo Đài Loan. Vị Tổng tài Quốc dân Đảng Trung Quốc dự định rằng việc di dời này chỉ là tạm thời. Trước đó, ông ta đã nhiều lần phải di chuyển chính phủ của mình: đó là khi Đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Hoa; hay là thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc; và lần này là khi quân nổi dậy Cộng sản của Mao Trạch Đông chiếm thế thượng phong trong cuộc Nội chiến Quốc-Cộng.


Trong con mắt của Tưởng Giới Thạch, Đài Loan là nơi hoàn hảo để tái trang bị các lực lượng quân sự đã bị phá vỡ của Trung Hoa Dân Quốc; và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài nhằm đánh bại quân Cộng sản phía bên kia eo biển.


Đảo chính Đài Loan được bảo vệ bởi hàng chục thành lũy lớn nhỏ trên đất liền, nhiều thành lũy nằm ngoài khơi và được bao quanh bởi vùng biển nổi tiếng dữ dội. Trong bối cảnh quân đội liên tiếp trải qua những thất bại trên chiến trường, Tưởng Giới Thạch tin rằng lực lượng hải quân và không quân vượt trội của mình sẽ biến Đài Loan trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm.


Các sự kiện diễn ra sau đó đã đặt ra cho các đời tổng thống Mỹ kế tiếp một trong số các câu hỏi về chính sách đối ngoại hệ trọng nhất mà Washington từng phải đối mặt.


Trong suốt nhiều thập kỷ kể từ năm 1949, đã có một số biến cố quan trọng xảy ra để trắc nghiệm xem, liệu nước Mỹ có sẵn sàng đối đầu với chính quyền Bắc Kinh và ủng hộ Đài Loan hay không? Những gì mà Hoa Kỳ đã phản ứng với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ có thể nói lên điều gì đó quan trọng về cách mà quốc gia này sẽ làm trong tương lai. Việc tìm hiểu các bài học lịch sử có thể là một cách giúp rọi sáng hơn lên những vấn đề hiện tại.


Vậy thì, lịch sử đã thực sự được viết như thế nào? Chúng ta có thể mong đợi điều gì nếu Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan vào những năm tới hoặc xa hơn nữa?


Chiến tranh Triều Tiên


Vào ngày 12 tháng 1 năm 1950, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Dean Acheson, một đảng viên Đảng Dân Chủ, đã có một bài phát biểu, trong đó ông đề nghị rằng Hoa Kỳ không còn có ý định bảo vệ các đồng minh thuở đầu của mình là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn Quốc) và Trung Hoa Dân Quốc (hay thường gọi là Đài Loan). Theo Acheson, những chính phủ đó nằm ngoài vành đai phòng thủ của Mỹ ở châu Á. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ được cho đã khuyến khích Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập đẩy nhanh kế hoạch xâm lược Đài Loan của họ. Nhưng trước khi Mao Trạch Đông và các tướng lĩnh của ông ta có thể hành động, thì đồng minh sát vách của Bắc Kinh là chế độ Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên đã phát động một cuộc xâm lược vào Đại Hàn Dân Quốc.


Khi biết về cuộc xâm lăng, Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman quyết định rằng nước Mỹ sẽ bảo vệ cả Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ ngăn chặn Bắc Kinh tấn công vào pháo đài cuối cùng của Trung Hoa Dân Quốc. Vào ngày 29 tháng 6 năm 1950, Hoa Kỳ đã điều một tàu sân bay, một tàu tuần dương hạng nặng và 8 khu trục hạm của Mỹ đã tiến vào eo biển Đài Loan để tiến hành cuộc phô diễn lực lượng ngay trong tầm mắt của các lực lượng Cộng sản dàn trận dọc theo bờ biển đại lục. Ngay sau đó, các thủy phi cơ vũ trang của Mỹ đã đóng trên quần đảo Bành Hồ và bắt đầu theo dõi bất kỳ động thái thù địch nào của Bắc Kinh đối với Đài Loan.


Để phát đi mạnh mẽ hơn nữa những tín hiệu cảnh báo sớm của mình, Hoa Kỳ đã điều động các tàu ngầm để giám sát các cảng của Trung Quốc đối diện Đài Loan, những khu vực mà tàu địch dự kiến ​​sẽ chiếm giữ nếu một cuộc xâm lược xảy ra. Ngoài ra, có 4 tàu khu trục của Mỹ đã đến và đóng tại Đài Loan. Nhiệm vụ của họ là tuần tra gần bờ biển Trung Quốc, với ít nhất hai tàu chiến theo dõi suốt ngày đêm để tìm kiếm dấu hiệu của một cuộc tấn công đổ bộ có thể của Bắc Kinh.


Ngay sau đó, Washington đã thành lập Bộ chỉ huy phòng thủ ở Đài Bắc và cử Nhóm cố vấn hỗ trợ quân sự (gọi tắt là MAAG) tới Đài Loan dưới sự chỉ huy của một tướng hai sao. Tổ chức này được giao nhiệm vụ cung cấp đào tạo, hậu cần và vũ khí cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc, nhằm phát triển nó thành một lực lượng chiến đấu hiện đại. Đến năm 1955, đã có hàng chục nghìn lính Mỹ đóng tại Đài Loan, trong đó có hơn 2 nghìn cố vấn quân sự. Trong những năm tiếp theo, nhóm cố vấn MAAG đã biến quân đội Trung Hoa Dân Quốc thành một trong những lực lượng chiến đấu có năng lực mạnh nhất toàn châu Á.


Khủng hoảng eo biển Đài Loan 1954-1955


Vào tháng 8 năm 1954, chính quyền Bắc Kinh đã mở một chuỗi các hoạt động quân sự nhằm chống lại các lực lượng Trung Hoa Dân Quốc dọc theo bờ biển đại lục. Mao Trạch Đông và các phụ tá hàng đầu của ông ta nhận định rằng, bằng cách tấn công các đảo ngoài khơi, họ có thể khiến Washington và Đài Bắc tách rời nhau và tạo tiền đề cho một cuộc xâm lược cuối cùng vào Đài Loan.


ĐCSTQ đã bắt đầu cuộc chiến bằng cách pháo kích vào Kim Môn và Mã Tổ, là các nhóm đảo nằm ngay ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến. Không lâu sau, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục tiến hành các cuộc không kích trên không và trên biển nhắm vào quần đảo Đại Trần, cách Đài Loan 200 dặm về phía bắc, gần Thai Châu thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.


Đến tháng 11 năm 1954, PLA bao vây Nhất Giang Sơn, một căn cứ trên đảo của Đài Loan nằm ở sườn cực bắc của quần đảo Đại Trần. Bằng cách sử dụng các thiết bị và chiến thuật hiện đại của Liên Xô, PLA đã thực hiện một chiến dịch xâm lược thành công, chiếm lấy hòn đảo này vào ngày 18 tháng 1 năm 1955.


Để đáp trả, Hải quân Hoa Kỳ đã tiến vào khu vực với lực lượng hùng hậu gồm 70 tàu, trong đó có 7 tàu sân bay. Người Mỹ sau đó đã phát động Chiến dịch King Kong, với mục tiêu là rút binh sĩ, người dân và thiết bị quân sự cùng vật tư khỏi quần đảo Đại Trần, đảo Bì Sơn và đảo Ngư Sơn đến Đài Loan. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã hỗ trợ lực lượng Trung Hoa Dân Quốc di chuyển an toàn khoảng 15.000 dân thường, 11.000 quân, 125 phương tiện quân sự và 165 khẩu pháo trở lại Đài Loan mà không có thương vong.


Vào ngày 3 tháng 3 năm 1955, Washington chính thức củng cố một hiệp ước phòng thủ chung với Đài Bắc. Tổng thống Dwight Eisenhower cũng đã được Quốc hội cho phép thực hiện quyền hạn đặc biệt trong việc bảo vệ Đài Loan, theo Nghị quyết Formosa. Vào tháng 5 năm 1955, PLA ngừng pháo kích vào quần đảo Kim Môn, và ba tháng sau, ĐCSTQ đã thả 11 phi công Mỹ bị bắt. Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1954-1955 đã kết thúc, nhưng bế tắc thì vẫn tiếp tục.


Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1958


Vào ngày 23 tháng 8 năm 1958, Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc bất ngờ tiến hành một cuộc tấn công dữ dội vào Kim Môn, dội xuống quần đảo này hàng chục nghìn quả đạn pháo, mở màn cho cuộc đổ bộ xâm lược đã được lên kế hoạch từ trước. Bắc Kinh tìm cách kiểm tra quyết tâm của người Mỹ, xem liệu việc chiếm Kim Môn và mối đe dọa chiến tranh có thể khiến liên minh Hoa Kỳ – Trung Hoa Dân Quốc tách rời nhau và làm mất tinh thần của Đài Loan hay không.


Tuy nhiên, kế hoạch này đã gần như thất bại ngay lập tức. Các kỹ sư quân sự của Trung Hoa Dân Quốc đã đào hầm sâu vào trong tầng đá granite ở Kim Môn, tạo ra các boongke và thành trì vững chắc dưới lòng đất, cho phép quân phòng thủ vượt qua các cuộc pháo kích mà ít thương vong. PLA sau đó đã thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ vào đảo Đông Đính gần đó và bị đẩy lui. Còn ở khu vực phía bắc, các đơn vị Cộng sản cũng tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo binh vào quần đảo Mã Tổ. Nhưng tất cả những nỗ lực này đều không đạt được hiệu quả.


Hoa Kỳ đã điều 4 tàu sân bay, cùng với một số lượng lớn tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu đổ bộ đến khu vực. Hạm đội Mỹ có trang bị bom hạt nhân năng suất thấp, được thiết kế nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công bằng chiến thuật biển người của ĐCSTQ, một chiến thuật mà PLA đã thực hiện trong chiến tranh Triều Tiên trước đó.


Vào ngày 18 tháng 9 năm 1958, các khẩu pháo của Hoa Kỳ đã được đưa vào bờ biển Kim Môn. Đây là loại pháo có khả năng bắn được đạn hạt nhân chiến thuật, nhằm đe dọa thiêu rụi bất kỳ kẻ xâm lược nào (những quả đạn này được giữ trên tàu Hải quân Mỹ ở gần đó). Những khẩu súng khổng lồ này cũng bắn được những phát đạn thông thường, hỗ trợ tăng hỏa lực và nhuệ khí cho các đơn vị đồn trú Đài Loan.


Trong cuộc khủng hoảng, các phi công của lực lượng Không quân Trung Hoa Dân Quốc (gọi tắt là ROCAF) đã sử dụng tiêm kích phản lực siêu thanh F-100 Super Sabre và tên lửa Sidewinder không đối không loại mới để giao tranh với các máy bay MiG-17 của PLA trong các trận không chiến.


Kết quả đạt được mang tính quyết định: ROCAF đã giành được 33 lần tiêu diệt đối phương, trong khi hi sinh 4 phi công. Vào ngày 6 tháng 10, Bắc Kinh tuyên bố ngừng bắn dưới áp lực từ đồng minh Liên Xô; Moscow lo ngại rằng cuộc giao tranh có thể leo thang và trở thành chiến tranh hạt nhân.


Cuộc khủng hoảng năm 1958 đã kết thúc và các căn cứ trên đảo ngoài khơi của Đài Loan vẫn không bị đánh bại.


Khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995–1996


Vào đầu những năm 1990, Đài Loan bắt đầu chuyển đổi một cách hòa bình sang một nền dân chủ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, có vẻ như hy vọng rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ công nhận Đài Loan là một quốc gia hợp pháp và độc lập. Tổng thống Đài Loan khi ấy là ông Lý Đăng Huy, đã công khai ra hiệu rằng, theo quan điểm của ông, Nội chiến Quốc Cộng Trung Hoa đã kết thúc; Đài Loan bây giờ là Trung Hoa Dân Quốc, Trung Hoa Dân Quốc là Đài Loan, và đất nước của ông sẽ không còn tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát.


Vào tháng 6 năm 1995, ông Lý Đăng Huy trở lại trường cũ của mình, Đại học Cornell, để thông báo về kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng của Đài Loan. ĐCSTQ đáp trả động thái này bằng cách tiến hành một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo, và bắn tên lửa vào vùng biển phía bắc Đài Loan.


Vào tháng 8, PLA đã di chuyển một số lượng lớn binh lính đến các khu vực đã định trước nếu chiến tranh xảy ra, tiến hành các cuộc tập trận hải quân và thực hiện một loạt vụ phóng tên lửa khác. Tháng 11 năm đó, Bắc Kinh tổ chức một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ. Vào tháng 3 năm 1996, ngay trước cuộc bầu cử, quân đội Trung Quốc đã bắn thêm nhiều tên lửa đạn đạo vào vùng biển trực tiếp ngoài khơi hai cảng lớn nhất của Đài Loan, và ngầm đe dọa biến một cuộc tập trận theo kế hoạch thành một cuộc xâm lược thực sự.


Washington đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt cuộc khủng hoảng lần này. Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là Bill Clinton đã đáp trả các hành động khiêu khích của Bắc Kinh bằng cách cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển gần Đài Loan.


Hành động của người Mỹ đã thành công: ĐCSTQ lùi bước, và cuộc bầu cử của Đài Loan đã diễn ra theo như kế hoạch. Tổng thống Lý Đăng Huy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với tỷ số cách biệt và Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995–1996 đã kết thúc với một kết quả tích cực. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn bị cô lập về mặt ngoại giao và dần trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian, trước một thế lực Trung Quốc ngày càng bành trướng lên nhờ sự vỗ béo của cả thế giới sau khi gia nhập WTO; xu hướng này đã tiếp tục không suy giảm cho đến tận ngày nay.


Hàm ý cho tương lai


Mặc dù tất cả các phép loại suy lịch sử đều không thể nào hoàn hảo, nhưng theo nhận định của nhà phân tích Trung Quốc Ian Easton, giám đốc cấp cao tại Viện Dự án 2049, thì các tiền lệ trước đây có thể sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo Mỹ một số hướng dẫn thiết thực trong những trường hợp tương tự sau này.


Hồ sơ về các quyết định chính sách trong quá khứ của Washington chứng tỏ rằng, khi đối diện với hoàn cảnh trắc nghiệm, các tổng thống Mỹ luôn có thể đưa ra quyết định bảo vệ Đài Loan, ngay cả trong bối cảnh các tình huống có thể leo thang đến mức chiến tranh hạt nhân. Ví dụ, vào năm 1958, Washington đã quyết tâm bảo vệ Đài Bắc chống lại cuộc xâm lăng của Trung Quốc, ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường — và ngay cả khi việc sử dụng như vậy có thể dẫn đến sự trả đũa hạt nhân từ phía Liên Xô, khi đó vẫn đang có liên kết chặt chẽ với chế độ Bắc Kinh.


Và có lẽ đáng chú ý hơn nữa là những quyết định của nước Mỹ trong Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1995–1996. Trong trường hợp đó, Washington đã triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay đến vùng biển gần Đài Loan, bất chấp việc ĐCSTQ trước đấy đã cho nổ hai đầu đạn hạt nhân tại một bãi thử; đồng thời đã thực hiện nhiều vụ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang hạt nhân; và trên thực tế đã ngầm đe dọa tấn công Los Angeles trên lãnh thổ Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân. Quyết tâm được giới lãnh đạo Mỹ đưa ra vào năm 1996 có thể được coi là đặc biệt đáng chú ý, trong bối cảnh Hoa Kỳ khi ấy đã không còn công nhận chính thức về mặt ngoại giao chính phủ Đài Loan.


Cho đến nay, chưa có trường hợp nào được biết đến trong đó một tổng thống Mỹ không cử lực lượng đến hỗ trợ bảo vệ Đài Loan nhằm đối phó lại mối đe dọa từ phía ĐCSTQ. Nếu hồ sơ theo dõi này phản ánh được cách thức hành động dự kiến của Washington trong tương lai, thì những năm tới, có khả năng chính phủ Mỹ sẽ liên tục cải thiện khả năng sẵn sàng hành động để bảo vệ Đài Loan phù hợp với bức tranh về mối đe dọa từ Bắc Kinh đang liên tục phát triển.


Trong thời điểm khủng hoảng xảy ra, các nhà lãnh đạo Mỹ có thể sẽ gửi nguồn lực quân sự áp đảo đến khu vực eo biển Đài Loan và thực hiện rõ ràng hơn các cam kết của họ đối với quốc phòng Đài Loan. Đồng thời, trong những năm tới, dự kiến Washington sẽ cải thiện khả năng cảnh báo sớm của họ thông qua các cuộc tuần tra bằng tàu chiến, tàu ngầm và máy bay thường xuyên ở eo biển Đài Loan; đồng thời mở rộng các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với các cơ quan an ninh của chính quyền Đài Bắc. Cũng có khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện ngoại giao, thương mại, tình báo và quân sự của mình ở Đài Loan.


Vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ, đó là việc liệu Lực lượng Tuần tra Đài Loan và tổ chức giống như Nhóm cố vấn hỗ trợ quân sự (MAAG) xưa kia có thể được tái lập hay không -; chưa nói đến một mối quan hệ chính thức giữa các quốc gia hay là liên minh phòng thủ. Nhưng mỗi bên đều có thể nhìn vào những ví dụ trong quá khứ để tìm kiếm những sáng kiến ​​chính trị và quân sự cho hiện tại, mà khi kết hợp lại, vốn đã thành công trong việc giúp ngăn chặn nỗ lực xâm lược của ĐCSTQ. Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy những bài học tích cực cho tương lai.


* Bản dịch và video được đồng ý đăng lại từ Quan sát Thế giới, sản xuất dựa trên bài viết Will America Defend Taiwan? Here’s What History Says của tác giả Ian Easton, giám đốc cấp cao tại Viện Dự án 2049, được đăng trên hoover.org


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

UAV quay cảnh xe tăng Nga chạy trốn, binh sĩ rơi xuống đất Một chiếc xe tăng Nga sau khi bị tấn công đã lập tức bỏ chạy khỏi chiến tuyến, bỏ lại những người lính bị ngã của mình.

Chia sẻ Facebook