Mỹ phủ nhận mời Nhật gia nhập AUKUS để tạo thành JAUKUS

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 14:18:37

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ các thông tin nói 3 nước thuộc nhóm AUKUS gồm Mỹ, Úc và Anh mời Nhật Bản trở thành một thành viên của nhóm này. "Đó không phải là một kế hoạch JAUKUS", bà Psaki nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki - Ảnh: REUTERS


Theo Hãng tin Reuters ngày 14-4, đại diện Nhà Trắng đã gọi các thông tin AUKUS mời Nhật tham gia là "không chính xác". Trước đó, chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno, đã phủ nhận Tokyo nhận được đề nghị tham gia AUKUS.


"Trọng tâm của chúng tôi là hoàn thiện một chương trình hợp tác ba bên trong việc hiện đại hóa năng lực quốc phòng, từ đó góp phần điều chỉnh các ưu tiên của chúng tôi, khuếch trương sức mạnh chung, đẩy nhanh sự phát triển và đạt được vị thế hàng đầu về khả năng phòng thủ. Đó không phải là một kế hoạch JAUKUS", bà Psaki giải thích thêm.


Trước đó, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ cơ chế AUKUS dựa trên viết tắt tên tiếng Anh của ba nước Úc (Australia), Anh (UK) và Mỹ (US) có thể trở thành JAUKUS nếu Nhật Bản (Japan) gia nhập.


Theo Sankei Shimbun , giới cầm quyền Nhật được cho là đã chia rẽ trước đề nghị gia nhập AUKUS.

Một số nhà lập pháp ủng hộ việc tăng cường quan hệ với liên minh có Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, các quan chức khác nghi ngờ về tính khả thi của JAUKUS xét đến việc Nhật đã có sẵn các quan hệ hợp tác với Anh, Úc và Mỹ.

Tiêm kích F-2 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản tham gia cuộc tập trận với nhóm tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ ngày 13-4 - Ảnh: JASDF

Việc Mỹ và các đồng minh đưa ra phản ứng nhanh chóng trước các tin đồn về lời kêu gọi Nhật Bản tham gia AUKUS được cho xuất phát từ một số động thái phản ứng gần đây của Trung Quốc.

Cơ chế an ninh này được thành lập vào tháng 9-2021, với mục đích ban đầu là cung cấp tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân cho Úc.


Ngày 5-4-2022, lãnh đạo 3 nước AUKUS tuyên bố sẽ thúc đẩy các kế hoạch sản xuất và thử nghiệm các loại vũ khí siêu vượt âm chiến lược, vũ khí chống tên lửa siêu vượt âm, hệ thống tác chiến điện tử nhằm mục đích răn đe Trung Quốc ở khu vực.


"Động thái này không chỉ làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và phá vỡ các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Thậm chí, các thỏa thuận này sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang gây tổn hại đến nền hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên phản ứng hôm 6-4.

Trung Quốc đã phản đối AUKUS từ những ngày đầu, cho rằng việc này sẽ phá vỡ sự ổn định ở khu vực và khuyến khích các nước tham gia các cuộc chạy đua vũ trang.


Nhà phân tích về quân sự của Trung Quốc, Wei Dongxu nhận định nếu Nhật Bản đồng ý tham gia liên minh AUKUS, Mỹ có thể sẽ triển khai các hệ thống phát hiện, giám sát và theo dõi từ các địa điểm quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương như Úc và Nhật Bản.


Về lâu dài, điều này sẽ hỗ trợ việc phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa siêu vượt âm tiềm tàng từ Trung Quốc.

Ngày 5-4, Mỹ, Anh và Úc cho biết họ sẽ hợp tác phát triển tên lửa siêu vượt âm và 'năng lực tác chiến điện tử', như một phần của thỏa thuận hợp tác ba bên (AUKUS) giữa các nước này.

Chia sẻ Facebook