Mỹ phát hiện virus bại liệt trong nước thải ở thành phố New York
Giới chức y tế bang New York, Mỹ cho biết đã phát hiện virus gây bệnh bại liệt trong nước thải được thu thập ở hạt Rockland, ngoại ô thành phố New York.
Mẫu bệnh phẩm này được thu thập trong tháng 6 vừa qua, trong khi tới ngày 21/7, chính quyền thành phố mới xác nhận một trường hợp mắc bệnh bại liệt tại đây, lần đầu tiên được ghi nhận trong gần một thập kỷ ở Mỹ. Điều này có nghĩa là virus bại liệt đã xuất hiện và lây lan trong cộng đồng từ khá lâu.
Trước tình hình này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, cơ quan này hiện chưa ghi nhận thêm ca mới mắc bệnh bại liệt tại New York hoặc tại các khu vực khác trên toàn nước Mỹ.
Phát hiện này được đưa ra trong thời điểm New York đang kêu gọi người dân khẩn trương đi tiêm phòng bại liệt.
Các kết quả xét nghiệm cho thấy, chủng virus phát hiện tại hạt Rockland có liên kết di truyền với chủng virus phát hiện tại Israel. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh nhân đã đến Israel.
Kết quả giải trình tự gene cũng cho thấy, chủng virus này có liên quan tới các chủng virus rất dễ lây lan và có nguy cơ đe dọa mạng sống được ghi nhận tại Vương quốc Anh.
Bệnh bại liệt thường không biểu hiện triệu chứng và cũng có thể lây truyền ngay từ thời điểm ủ bệnh. Ở một số trường hợp, căn bệnh này có thể gây ra các triệu chứng giống cúm nhẹ, nhưng các triệu chứng này thường biểu hiện muộn, có thể tới 30 ngày sau khi cơ thể đã nhiễm virus.
Bệnh bại liệt tấn công mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tuổi. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh bại liệt, căn bệnh có thể gây tê liệt không thể hồi phục trong một số trường hợp. Tuy nhiên, bệnh này có thể được ngăn ngừa bằng một loại vaccine được sản xuất vào năm 1955.
Các quan chức New York cho biết họ đang mở các điểm tiêm chủng để giúp những người dân chưa được tiêm vaccine đi tiêm phòng. Theo CDC Mỹ, vaccine bại liệt bất hoạt (IPV) là vaccine bại liệt duy nhất đã được tiêm ở Mỹ kể từ năm 2000. Vaccine này được tiêm vào chân hoặc tay, tùy thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân.
Trước khi xác nhận ca bệnh nêu trên, Mỹ đã không ghi nhận bất cứ trường hợp mắc bệnh bại liệt nào ở trong nước kể từ năm 1979.