Mỹ nói Nga đang “câu giờ” ở Ukraine

Chia sẻ Facebook
11/11/2023 03:53:29

Trong nỗ lực nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ viện trợ thêm cho Ukraine, các quan chức ngoại giao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đã viện dẫn một loạt lý do.


Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O’Brien, trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 8/11, cho rằng Nga đang chơi trò “câu giờ” trong cuộc chiến ở Ukraine.


“Rõ ràng là Tổng thống Vladimir Putin hiện đang chơi trò chờ đợi. Ông ấy nghĩ rằng nếu ông ấy có thể đợi cuộc bầu cử của chúng ta hoặc đợi cho Ukraine mệt mỏi” thì Nga có thể chiếm ưu thế, ông O’Brien nói, đồng thời lập luận rằng việc Mỹ từ bỏ hỗ trợ Ukraine lúc này sẽ làm lợi cho Nga và làm suy yếu uy tín của Mỹ trên toàn thế giới.


Trước đó, Tổng thống Joe Biden của Đảng Dân chủ đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm viện trợ quân sự và các khoản viện trợ khác cho Ukraine và Israel trị giá khoảng 105 tỷ USD. Theo các tài liệu do Nhà Trắng công bố, Tổng thống Mỹ đề xuất phân bổ hơn 61,4 tỷ USD cho Ukraine và hơn 14,3 tỷ USD cho Israel cho năm tài chính 2024.


Hiện tại, tương lai của yêu cầu trên vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số thành viên Đảng Cộng hòa ở cả 2 viện của Quốc hội “xứ cờ hoa” đã công khai lên tiếng phản đối việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine.

Máy bay C-17 Globemaster III đang chở một chiếc trực thăng Mi-17 dùng để giao hàng viện trợ cho Ukraine, tại Davis-Monthan, bang Arizona, Mỹ, tháng 6/2022. Ảnh: Defense News


Không phải lúc chùn bước


Phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 8/11 tập trung vào viện trợ phi quân sự để Ukraine củng cố ngành công nghiệp của mình để có thể tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc và kim loại, duy trì năng lực ứng phó ban đầu và xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng.


“Những gì chúng ta cần làm là làm nhiều việc cùng một lúc”, ông O’Brien nói. “Chúng ta cần Ukraine tiếp tục chiến đấu và phát triển mạnh mẽ trong khi cuộc chiến này tiếp diễn, đồng thời giảm bớt sự kiểm soát của Nga đối với các vùng của Ukraine để khi các trận chiến quyết định xảy ra, họ có thể chiến đấu hiệu quả”.


Yêu cầu viện trợ bổ sung còn “tạo tiền đề” cho sự phục hồi thời hậu chiến của Ukraine, vị quan chức ngoại giao nói, bổ sung thêm rằng Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc hỗ trợ Ukraine vì điều đó “cho phép chúng ta tiếp thêm sinh lực cho cơ sở công nghiệp của chính mình”, giúp chuẩn bị cho Mỹ tốt hơn cả trong lĩnh vực quân sự và năng lượng khi đối đầu với Trung Quốc.


“Điểm cuối cùng tôi muốn nói: Đây không phải là thời điểm để rút lại sự ủng hộ vì Ukraine đang chiến thắng”, ông O’Brien tuyên bố. “Họ đã tái chiếm một nửa lãnh thổ mà quân đội Nga đã giành được kể từ tháng 2 năm ngoái”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhnyi thăm một trung tâm huấn luyện pháo binh tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine, ngày 3/11/2023. Ảnh: The Guardian


Bà Erin McKee, Trợ lý Giám đốc Văn phòng châu Âu và Á-Âu thuộc USAID – một cơ quan chính phủ phụ trách điều phối viện trợ dân sự của Mỹ cho nước ngoài, cho biết Mỹ đã khai mở các liên minh và huy động hàng chục quốc gia ủng hộ Ukraine. Bà nói: “Nếu chúng ta chùn bước trong việc hỗ trợ, Nga sẽ thắng. Và họ sẽ không dừng lại ở Ukraine”.


Giúp Ukraine tự vệ cũng làm suy yếu nước Nga, ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tài nguyên Năng lượng, cho biết. Ông Pyatt lưu ý rằng các nhà cung cấp của Mỹ đã được hưởng lợi từ việc châu Âu “cai nghiện” dầu mỏ và khí đốt của Nga, và ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc ngay bây giờ, Nga vẫn bị mất 20% GDP và điều này sẽ khiến “hòm chiến tranh” của nước này cạn kiệt đến mức khó có thể gây hấn trong tương lai.


Không có “bước đột phá sâu sắc và đẹp đẽ” nào


Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/10 cho biết cuộc phản công của Ukraine đã hoàn toàn thất bại, nhưng Kiev vẫn đang chuẩn bị các hoạt động tấn công tích cực mới tại một số khu vực tiền tuyến.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 30/10 cho biết Quân đội Ukraine đã thất bại trong cuộc phản công bắt đầu từ hôm 4/6. Kiev đã mất hơn 90.000 quân, bao gồm cả con số thiệt mạng và bị thương, cũng như khoảng 600 xe tăng và 1.900 xe bọc thép các loại trong khoảng thời gian này. Ukraine đã không đạt được bất kỳ thành công quan trọng nào về mặt chiến thuật, ông Shoigu kết luận.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới của Nga, Imperator Alexander III, đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 5/11/2023. Ảnh: The Independent


Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Economist công bố hôm 1/11, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi thừa nhận cuộc xung đột đã đi vào bế tắc và “rất có thể sẽ không có bước đột phá sâu sắc và đẹp đẽ nào” trừ khi Ukraine có được vũ khí và công nghệ thông tin tiên tiến hơn.


Những bình luận của ông Zaluzhnyi đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. “Thời gian trôi qua, mọi người đều mệt mỏi… Nhưng đây không phải là bế tắc”, ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ở thủ đô Kiev hôm 4/11.


Các đồng minh phương Tây luôn hết sức thận trọng trong việc cung cấp cho Ukraine công nghệ mới nhất và vũ khí mạnh hơn. Tổng thống Mỹ Biden đã đặt ra các mục tiêu khi cuộc xung đột bắt đầu: Đảm bảo rằng Ukraine không bị đánh bại và Mỹ không bị lôi kéo vào cuộc đối đầu với Nga. Điều này có nghĩa là vũ khí do phương Tây cung cấp chỉ đủ để duy trì Ukraine trong cuộc chiến, nhưng không đủ để giúp nước này giành chiến thắng .


Minh Đức (Theo Air & Space Forces Magazine, TASS, The Economist)

Chia sẻ Facebook