Mỹ, Nhật, châu Âu giảm mạnh nhập khẩu, dầu Nga đi đâu?
Mỹ, Nhật, châu Âu giảm mạnh nhập khẩu, dầu Nga đi đâu?
Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng đáng kể kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm nay, khi các lô hàng đến Mỹ, châu Âu và Nhật Bản giảm mạnh.
Nhiên liệu Nga xuất khẩu giảm không nhiều
Năng lượng là một ngành công nghiệp chủ chốt của Nga, với dầu và khí đốt chiếm khoảng 40%.
Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ và than của Nga vì quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.
Kết quả là xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga sang EU giảm 35%; sang Mỹ và Anh đã giảm khoảng 90% và sang Nhật Bản giảm khoảng 70%. Xuất khẩu sang các nước này giảm tổng cộng khoảng 250 triệu euro mỗi ngày.
Tuy nhiên, mức giảm tổng thể trong xuất khẩu năng lượng của Nga nhỏ hơn nhiều, vào khoảng 170 triệu euro do Moscow đã nỗ lực thành công trong việc bán nhiên liệu giảm giá cho các nước không tham gia lệnh trừng phạt như Trung Quốc và Ấn Độ.
"Chiến lược" bán hàng của Nga
Giá trị xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc tăng 17%, tương đương 30 triệu euro (29 triệu USD), trong giai đoạn tháng 7 và 8 so với tháng 2 và tháng 3, theo phân tích dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức tư vấn Phần Lan. Trong khi đó, xuất khẩu than tăng 53% và xuất khẩu dầu tăng 16%.
Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng tương đương 40 triệu euro, trong cùng thời kỳ, đánh dấu mức tăng lớn nhất trên thế giới. Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Ấn Độ trong tháng 6, một bước nhảy vọt từ vị trí thứ 10 vào năm 2021, theo số liệu thống kê thương mại của Ấn Độ. Cũng theo Nikkei Asia, lượng dầu Ấn Độ đã nhập khẩu từ Nga tăng gấp 5 lần.
Xuất khẩu sang Trung Đông cũng mở rộng, với các lô hàng đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập. Các nước này được cho là đang chế biến dầu thô của Nga thành các sản phẩm hóa dầu để xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
Khi các lệnh trừng phạt đối với khí đốt và dầu của Nga có hiệu lực ở châu Âu và Mỹ, dầu của Nga đang tiếp cận các khách hàng toàn cầu thông qua các bên chế biến thứ ba.
Giá trị xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng khoảng 20%. Nước này là một thành viên NATO và đã chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraine, nhưng nước này cũng thận trọng trước các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Sức hấp dẫn từ năng lượng Nga vẫn khó chối từ với nhiều nước.
Vào tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tiết lộ rằng Nga đang giảm giá mạnh dầu cho các nền kinh tế mới nổi, đồng thời nói thêm rằng bà đã xác nhận việc giảm giá 30% cho một số quốc gia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo không loại trừ khả năng nhập khẩu dầu của Nga, nói với Financial Times rằng nước này "luôn cân nhắc tất cả các lựa chọn."
Giá năng lượng tăng cao cũng làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế. Theo CREA, Nga kiếm được tổng cộng 158 tỷ euro từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 6 tháng kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong khi đó, ước tính chi phí chiến tranh của Nga trong cùng thời kỳ vào khoảng 100 tỷ euro.
Theo Bộ Tài chính Nga, nước này thặng dư tài khóa 1,37 nghìn tỷ rúp (21,9 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022.