Mỹ nhân võ Việt nén đau chiến đấu: Đòi nợ Thái, đả bại Phi, làm dậy sóng võ đài Singapore

Chia sẻ Facebook
29/04/2022 14:32:23

Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, võ sĩ Lê Thị Bằng có ý chí kiên định với quyền Anh và từng bước vươn lên, đỉnh cao là chức vô địch SEA Games 28.

Quyền Anh đặt trong dòng chảy lịch sử của thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực chỉ thật sự tỏa sáng trong khoảng 10 năm trở lại đây, mà điểm nhấn đa phần đến từ thành tích của các nữ võ sĩ. Tay đấm Lê Thị Bằng là một trong số những "cô gái vàng" ghi danh vào bảng thành tích cao với tấm huy chương vàng ở kỳ SEA Games 28 – năm 2015 diễn ra tại Singapore.

Bóng hồng Việt Nam năm ấy mang nét đẹp dịu dàng, gương mặt thanh tú, tạo ấn tượng mạnh với truyền thông vì nhan sắc xinh đẹp, cùng với đó là các trận thắng như "chẻ tre" để xưng vương khu vực Đông Nam Á.

Võ sĩ Việt làm dậy sóng võ đài Singapore


Võ sĩ Lê Thị Bằng bước vào kỳ SEA Games 28 trên đất Singapore với tư cách là niềm hy vọng vàng của đội tuyển quyền Anh Việt Nam bởi nước chủ nhà đã bỏ 2 nội dung 60kg và 64kg. Đây đều là các hạng cân mà tại SEA Games 27, chúng ta đã giành 2 tấm HCV đầu tiên do công của Lừu Thị Duyên và Hà Thị Linh. Trọng trách càng đè nặng hơn nữa lên vai Lê Thị Bằng bởi tại ASIAD 2014 trước đó, cô đã giành được tấm HCĐ lịch sử về cho quyền Anh Việt Nam.

Ở tuổi 23, võ sĩ người Hưng Yên mang hành trang 7 năm luyện võ đến Singapore với tâm thế của kẻ đi chinh phục. Hành trình "gặt vàng" của Bằng khởi đầu bằng trận đấu với đối thủ đầy duyên nợ người Thái Lan - Peamwilai Laopeam. Đây là cái tên không mấy xa lạ bởi hai lần gặp nhau trước đó, Bằng đều nhận kết cục thất bại nhưng không "tâm phục khẩu phục", theo cô nói là "thua nhưng không thể hiểu nổi vì sao mình thua?".

Với tư cách là đương kim vô địch SEA Games hạng 54kg, rõ ràng Peamwilai Laopeam là một thử thách nhọc nhằn dành cho nữ võ sĩ của Việt Nam. Song mọi chuyện lại không phải như vậy. Theo lời Bằng chia sẻ thì tại trận ra quân ở SEA Games 27 trước đó 2 năm, cô đã từng "đánh đối thủ như con" đến nỗi võ sĩ Thái Lan phải ôm mặt bật khóc ngay trên sàn đài sau khi kết thúc trận đấu. Nhưng chung cuộc, võ sĩ Việt Nam lại bị xử thua.

Trận thua đầy uất ức ngay ở lần đầu "vươn ra biển lớn" khiến Lê Thị Bằng phải dày công khổ luyện suốt 2 năm trời mong đợi ngày "phục thù". Cuối cùng, điều gì đến cũng phải đến, nữ võ sĩ Việt Nam đã tạo ra một trận đánh theo cô nói là "để đời".

"Bước vào trận, mình suy nghĩ sẽ đánh hết sức, có bao nhiêu khả năng từ lúc tập luyện đến giờ mình mang ra dùng hết, có bao nhiêu chơi bấy nhiêu, coi như là đánh một trận để đời vậy. Mình quyết tâm phải đánh cho đối thủ "tâm phục khẩu phục" thì mới thôi bởi ở giải tiền SEA Games vừa diễn ra trước đó, mình cũng gặp cô ta thêm 1 lần nữa và lại bị xử thua.

Khi kết thúc trận đấu, trong đầu mình vẫn nghĩ tỷ lệ thắng là 50/50, đinh ninh là sẽ thua bị xử thua tiếp. Nhưng không, trọng tài công bố kết quả thì mình là người chiến thắng. Theo các HLV của các đội khác cũng chia sẻ lại thì họ thừa nhận mình chiến thắng hoàn toàn xứng đáng. Hai năm trước, cô ta đã khóc vì bị mình đánh, và 2 năm sau đến lượt mình khóc, không phải thua cuộc mà vì niềm vui chiến thắng vỡ òa",

Màn đòi nợ ngọt ngào trước người Thái giúp Lê Thị Bằng có được tâm lý thoải mái và tăng thêm sự tự tin. Để rồi, cô dễ dàng vượt qua trận bán kết trước võ sĩ của Myanmar để gặp đối thủ rất mạnh người Philippines - Nesthy Petecio ở trận chung kết.

So với Bằng, Nesthy Petecio khi ấy sở hữu lý lịch thành tích khủng hơn rất nhiều, bởi cô là đương kim á quân boxing nghiệp dư thế giới. Và tất nhiên, giới chuyên môn nhận định về một trận đấu hết sức khó khăn nữa dành cho bóng hồng của Việt Nam.

Nhưng mọi chuyện không hề phức tạp đến như vậy, bởi lẽ hơn ai hết chính Lê Thị Bằng mới là người hiểu rõ tường tận nhất điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ nằm ở đâu. Võ sĩ Việt Nam từng có khoảng thời gian sinh hoạt và tập luyện với đối thủ trong một chuyến tập huấn chung địa điểm. Do đó, hai người khá thân nhau và am hiểu rõ về nhau. Tuy nhiên, hiểu là một chuyện còn hóa giải nó như thế nào thì khi lên đài là minh chứng rõ nhất.

Buổi chiều ngày 10/6/2015 chắc hẳn là cột mốc sẽ khiến Lê Thị Bằng nhớ mãi. Cô bước vào trận đánh lớn nhất trong đời võ sĩ. Đến từ Philippines - cường quốc quyền Anh trên thế giới, Petecio nhanh chóng chứng tỏ đẳng cấp khi chủ động nhập cuộc với những cú đấm như "búa bổ" chẳng hề kém cạnh các tay đấm nam. Sự lì lợm và liên tục áp sát, chấp nhận "ăn đòn" để đánh phủ đầu võ sĩ Việt Nam là điều mà tay đấm Philippines nhắm đến.

Tuy nhiên, đứng trên sàn đấu là Lê Thị Bằng, võ sĩ sở hữu cú đấm tay trái xuất sắc bậc nhất Việt Nam vẫn đứng vững. Hiểu rõ sức mạnh của đối thủ nên Bằng chủ động giữ cự ly, chọn lối đánh rình rập và tấn công bất ngờ để hóa giải Petecio. Màn kịch chiến giữa hai tay đấm đã tạo ra bầu không khí cực kỳ sôi động tại nhà thi đấu ở Singapore. Ngoài yếu tố chuyên môn có phần ngang tài ngang sức, thực tế trận chung kết giữa Bằng và Petecio còn nghiêng về cuộc chiến tâm lý nhiều hơn. Đó được xem là yếu tố then chốt để Lê Thị Bằng tạo nên lịch sử.

"Do biết nhau từ trước nên khi vô trận mình sẽ biết họ đánh như thế nào nhưng bản thân cũng không chắc sẽ thắng vì Petecio rất giỏi. Vấn đề là cô ta đã bị ảnh hưởng tâm lý do trước đó có một võ sĩ khác của Philippines đã thua Nguyễn Thị Yến của Việt Nam ở chung kết hạng 51kg. Chính vì điều này nên đối thủ bị khớp và không đánh đúng với thực lực.

Mặc dù vậy, cô ấy cũng khiến mình gặp rất nhiều khó khăn qua 3 hiệp đấu đầy kịch tính. Ở bên ngoài, nhiều người theo dõi cũng thừa nhận mình chỉ nhỉnh hơn chút xíu so với đối phương. Vì thế nên khi giành chiến thắng chung cuộc, cảm giác lúc đó thật khó tả. Mình không bất ngờ nhưng vô cùng sung sướng và tự hào vì đã góp công mang về thành tích cho boxing Việt Nam".

Sau màn kịch chiến đả bại võ sĩ Philippines để xưng vương tại SEA Games 28, Lê Thị Bằng lập tức gây sốt với truyền thông và các khán giả nước ngoài. Khi ấy, nhiều trang báo thể thao uy tín đã ưu ái gọi võ sĩ Việt Nam bằng nhiều ngôn từ mỹ miều như "hoa khôi", "mỹ nhân làng võ"…

Là võ sĩ môn boxing đậm chất đối kháng nhưng Bằng lại "gây thương nhớ" nhờ vào nhan sắc xinh đẹp, gương mặt góc cạnh mang vẻ đẹp thuần khiết nhưng cũng đầy cá tính. Tuyển thủ Việt Nam năm đó được chọn làm 1 trong 10 gương mặt nữ gợi cảm nhất SEA Games 28.

Tấm HCV giúp cô gái Hưng Yên ghi tên vào lịch sử thể thao nước nhà tại các kỳ đại hội khu vực. Nhưng quan trọng hơn hết, kể từ thời khắc đó, Bằng muốn đưa hình ảnh boxing Việt Nam có thể sánh ngang với các nước Thái Lan và Philippines, nơi mà trong quá khứ các võ sĩ chúng ta "cứ gặp là thua".

Dù khoảnh khắc vinh quang đã lùi vào quá khứ nhưng với nhà vô địch SEA Games năm nào, hình ảnh người chiến thắng và đứng trên bục cao nhất vẫn khiến cô vô cùng hãnh diện. Chỉ đáng tiếc, những chấn thương liên tiếp ập đến khiến Lê Thị Bằng không thể chinh phục thêm nhiều cột mốc mới.

"Nỗi ám ảnh chấn thương & lời chia tay tiếc nuối"

Ở bộ môn đối kháng khốc liệt như boxing, chấn thương chắc chắn là nỗi ám ảnh thường trực. Lê Thị Bằng cũng không ngoại lệ. Chỉ 3 năm sau khi giành HCV SEA Games, cô đột ngột nói lời chia tay sàn đấu đỉnh cao trong sự tiếc nuối lớn của rất nhiều người yêu võ thuật. Từ giây phút ấy (tức năm 2018), người ta hiểu rằng họ sẽ không còn chứng kiến một tay đấm sở hữu "kèo trái" xuất sắc bậc nhất tung hoành trên khắp các võ đài quyền Anh Việt Nam.

Để đi đến quyết định "giã từ" là một điều gì đó mà Lê Thị Bằng cho rằng rất khó nói. Theo lời cô chia sẻ thì chấn thương đã bắt đầu khởi phát từ lúc bước vào đánh trận đầu tiên tại SEA Games 28. Điều ấy đồng nghĩa với việc nữ võ sĩ xinh đẹp đã nén đau thi đấu để giành HCV.

"Thật ra, trước SEA Games thì đã có triệu chứng rồi nhưng lúc đó chắc mình còn trẻ nên ráng được qua cơn đau để đánh. Mãi đến năm 2017, sau khi đánh xong giải vô địch châu Á và giành HCB thì đau không chịu được nữa.

Khi mới bị đau đi khám, mình được chẩn đoán bị dập sụn, mòn sụn ở đầu gối phải và thoát vị đĩa đệm ở lưng. Các bác sĩ đã kêu mình nghỉ đi nhưng lúc đó vẫn còn đang trên đội tuyển, đang tập và đi thi đấu thì làm sao nghỉ được. Trong thời gian dài, mình tập 1 buổi, đi điều trị 1 buổi thì phải nghỉ 2 ngày tiếp theo.

Lúc bình thường, chỉ tập nhẹ nhàng thì sẽ không đau nhưng khi vào cường độ cao hơn thì đau lắm, nhiều lúc phải nằm sấp để ngủ, thậm chí không thể ngủ được. Nhưng qua ngày hôm sau thì trở lại bình thường, mình ra tập vẫn phải vui cười chứ chẳng lẽ lại nhăn nhó.

Đau là đau thật nhưng nhiều người thấy vậy thì họ lại nghĩ mình mắc bệnh ngôi sao, là giả vờ đau để không đi tập. Trong mấy năm qua, chỉ có 1 – 2 người là thấu hiểu được hết cơn đau mà mình phải trải qua. Thật sự, mình nói thẳng ra là chỉ những người trong hoàn cảnh đó, từng trải qua như chính Bằng thì mới hiểu được hết",

Thế là trong thời gian bị chấn thương, Lê Thị Bằng vẫn duy trì đều đặn việc tập luyện và điều trị song song với nhau. Các khoản chi phí phần lớn do cô tự bỏ tiền túi ra chi trả, phía đội tuyển chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Mãi đến năm 2018 khi cơn đau ngày càng dày đặc, thêm vào đó là gánh nặng nhiều về kinh tế khiến Bằng phải chấp nhận bỏ cuộc, giải nghệ VĐV ở tuổi 26. Một lời chia tay đầy tiếc nuối, làng boxing nước nhà phải chấp nhận mất đi một tài năng thượng thặng.

Khoảng thời gian đầu khi rời xa sàn đấu đối với nhà vô địch SEA Games không hề dễ chịu. Những cơn đau nối tiếp nhau khiến cô "co mình" chịu đựng. Đau là một nhưng nhớ đồng đội, nhớ những buổi tập và nhớ không khí máu lửa trên sàn đài… mới là cảm giác khiến Bằng day dứt, khó chịu.

May mắn thay, cảm giác ấy chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, sự kiên trì trong việc điều trị giúp sức khỏe Lê Thị Bằng có chuyển biến tích cực. Khi những cơn đau dần tan biến, người nữ võ sĩ nhanh chóng tìm đường trở lại với không khí boxing quen thuộc trên một cương vị mới – làm HLV, đồng thời dẫn quân đi đánh ở các giải đấu.

"Khi vào cương vị mới là dẫn quân đi đấu thì cảm giác cũng gần như chính bản thân mình bước lên sàn vậy. Từ từ rồi cũng quen nên về không còn cảm thấy nhớ sàn đài nữa.

Về chấn thương, nhờ sự hỗ trợ của một chuyên gia trị liệu đưa ra các bài tập hợp lý nên từ đó mình tập để điều chỉnh lại cơ thể, không bị teo cơ và giúp mình khỏe dần lên, hoạt động như người bình thường.

Đến hiện tại thì cảm giác như cơ thể đang trở lại giống thời vận động viên, được khoảng 70/100 so với trước, tập nặng thì chỉ mỏi cơ chứ không còn đau nhiều. Nhiều người hỏi mình là tập lại để đi đánh hả? Mình không khẳng định có đánh được hay không nhưng luôn tâm niệm một khi đã trở lại là phải đứng ở bục thứ nhất, còn không thì thôi"

Đã 4 năm trôi qua kể từ khi nói lời chia tay sàn đấu, Lê Thị Bằng vẫn chưa một lần trở lại. Giấc mơ thì vẫn còn đó nhưng mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ... Tuổi 30 chưa phải là dấu chấm hết nhưng có lẽ lúc này, nhà vô địch SEA Games 28 vẫn còn nhiều mối bận tâm khác…

Cuốc bộ 20km & kiếm tiền xóa bỏ định kiến "trọng nam khinh nữ"

Trong câu chuyện của nhà vô địch SEA Games Lê Thị Bằng, ngoài võ thuật và những góc khuất chấn thương, võ sĩ sinh năm 1992 còn nhiều nỗi niềm thổ lộ về cuộc sống vươn lên từ trong cái nghèo và ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Hơn hết, Lê Thị Bằng muốn dùng chính những đồng tiền kiếm được từ "nắm đấm" của một nữ võ sĩ để xóa bỏ đi định kiến vẫn còn tồn tại trong một bộ phận xã hội – "trọng nam khinh nữ".

Sinh ra trong một gia đình làm ruộng chính gốc tại Hưng Yên – tỉnh thuộc trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, Lê Thị Bằng ngày nhỏ thích thú những động tác đấm đá qua các mẫu truyện tranh và học lỏm từ đó. Trong 4 anh chị em, Bằng là người cao nhất nhưng lại gầy còm, yếu ớt nên được ba mẹ cho đi tập thể thao cải thiện vóc dáng.

Vào năm lớp 8, Bằng đăng ký tham gia đợt thi tuyển VĐV bóng chuyền nhưng bị đánh rớt ngay từ vòng đầu tiên do…quá lùn. Trớ trêu thay hồ sơ đó lại lọt qua bộ môn võ. Lùn nhất bóng chuyển nhưng lại cao nhất trong đội tuyển võ thuật, cô gái trẻ lại thuận tay trái nên tỏ ra khác biệt so với phần còn lại. Các huấn luyện viên nhận ra điều đó và nhanh chóng tuyển Lê Thị Bằng vào đội tuyển năng khiếu boxing của tỉnh Hưng Yên.


Suốt thời gian đầu tập luyện, bố mẹ không hề biết con gái mình tập đấm bốc mà cứ nghĩ đánh bóng chuyền. Mãi cho đến một ngày Bằng trở về nhà với con mắt bầm tím thì sự thật mới bị phơi bày. Mọi người tỏ ra ngạc nhiên, song người bố chỉ lạnh lùng phán: "Tập gì cũng được, miễn là ra khỏi nhà ". Và hành trình từ nhà đi đến nơi tập luyện của cô gái khi đó mới bước qua tuổi 14 là quãng đường cực kỳ gian nan.

"Ở quê làm ruộng, nhà xa đường quốc lộ, cách tỉnh tới tận 20km. Lúc đó có tuyến xe buýt nhỏ chạy ngang nhưng trong nhà mình nghèo lắm, nhiều khi dư 10 nghìn hay 20 nghìn là giàu lắm rồi, nên thời điểm đầu chưa có tiền để đón xe buýt đi. Thế là mình phải cuốc bộ tận 20km từ nhà lên đến tỉnh. Cứ chiều chủ nhật thì đi bộ lên rồi cuối tuần sau thì đi bộ về suốt vài tháng.

Mình được đội tuyển nuôi ăn ở, cuối tháng còn được trả lương 150 nghìn rồi tăng dần lên 180 nghìn. Mình chỉ để dành lại trong túi 30 nghìn đóng tiền học và chi tiêu cá nhân, còn lại thì đưa hết cho mẹ. Số tiền tích góp được dần dần mình mua được chiếc xe đạp, rồi về sau mới dành dụm đi xe buýt.

Sau khi lên tuyển quốc gia thì lương cao hơn chút xíu, khoảng 1 triệu mấy đến 2 triệu, mình cứ tích góp dần để lo cho gia đình, cho bản thân. Giờ nghĩ lại, cũng không hiểu sao hồi đó mình có thể tiết kiệm được như vậy, chỉ dư 100 - 200 nghìn thôi mà cũng lặn lội ra ngân hàng gửi vô tài khoản để dành",


Ý thức về việc kiếm tiền để phụ giúp gia đình được Lê Thị Bằng nghĩ đến ngay từ thời điểm cầm trên tay đồng lương 150 nghìn, thậm chí còn xuất hiện từ trước đó khi cô muốn đi tập thể thao để thoát khỏi đồng ruộng. Đến bây giờ khi nhắc lại điều này, nữ võ sĩ cho biết nhiều người không tin, thậm chí họ còn thốt lên: "Mày có nói điêu quá không?"

Trong gia đình, Bằng thừa hưởng tính nóng nảy, lì lợm từ người bố và tính chăm chỉ, chịu khó của người mẹ. Chính sự cộng hưởng này giúp cô có được ý chí cao và kiên trì tập luyện trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Trong 7 năm luyện võ trước khi trở thành nhà vô địch boxing SEA Games 2015, Lê Thị Bằng luôn phải đi tìm sự thừa nhận trong chính gia đình mình:

"Từ lúc đi tập tới lúc giành được HCV SEA Games, lúc nào trong đầu mình cũng chỉ nghĩ là làm sao để thoát khỏi đồng ruộng, làm sao có tiền để giúp đỡ bố mẹ và không bị đặt vào quan điểm của bố mẹ mình là trọng nam khinh nữ quá nhiều. Bản thân mình hồi nhỏ cũng bị như vậy, trong gia đình, bố mẹ cũng chỉ coi trọng con trai thôi.

Khi lên tuyển rồi có tiền lương, mình lấy đó làm động lực để càng cố gắng tập luyện tích cực hơn để có thành tích cao thì mới được nhiều tiền. Đến lúc có tiền rồi thì lúc ấy tự nhiên mình thay đổi được phần nào lối sống của bố mẹ, kể cả vật chất và suy nghĩ lạc hậu ngày xưa.

Sau bao nhiêu cố gắng và sự đánh đổi, hiện giờ thì bố mẹ đã không còn định kiến đó nữa. Nên mình tự cảm nhận thấy là con gái nếu làm ra được tiền thì sẽ có tiếng nói và được đối xử bình đẳng",

"Vàng thật thì phải thử lửa"

Từ những buổi cuốc bộ tận 40km cả đi lẫn về để tập boxing đến nay đã 15 năm trôi qua, cũng ngần ấy thời gian Bằng phải sống xa gia đình. Cũng như nhiều VĐV khác, thời gian của Bằng chủ yếu dành cho việc tập luyện và thi đấu. Dẫu vậy, võ sĩ Hưng Yên là cô gái mạnh mẽ và chưa bao giờ than phiền hay có khái niệm "tủi thân" mà chỉ thấy tiếc nuối vì thời gian trôi quá nhanh.

"Tính ra trong khoảng từ 15 đến 30 tuổi như bây giờ, thời gian mình ở nhà chỉ tính đâu đó được 1 năm. Những ngày lễ, tết thì 27, 28 mới về tới nhà, mùng 4 phải dọn đồ đạc đi rồi.

Nhiều khi tự nghĩ "cái đầu mình bị điên" hay sao mà không biết nhớ nhà, không biết tủi thân. Có thể với nhiều người, thông thường trong một ngày sẽ có 1, 2 hoặc 3 phút buồn, nhưng mình thì vài năm mới có 1 phút để buồn và nỗi buồn đó cũng trôi qua nhanh lắm.

Thật ra toàn bộ thời gian mình đi tập võ chỉ với mong muốn duy nhất là kiếm tiền mang về cho bố mẹ. Chính điều này đã chiếm hết thời gian nên mình cũng không còn nghĩ đến nhiều chuyện khác được nữa. Miễn mình làm việc, lo được cho gia đình, vậy là vui rồi".

Thời điểm hiện tại, nhà vô địch SEA Games đang đảm nhận vai trò của một HLV boxing tại phòng tập do chính cô mở ra tại Quận 10, TP.HCM. Điều mong muốn nhất của Lê Thị Bằng là tìm ra được một thế hệ kế cận giống như lứa võ sĩ của cô ngày xưa gồm các tên tuổi Lừu Thị Duyên, Hà Thị Linh, Nguyễn Thị Yến, Vương Thị Vỹ, Nguyễn Thị Tâm… đi khuấy đảo khắp các võ đài khu vực.

"Trong giới boxing, khi nhắc đến tên Lê Thị Bằng thì đa số mọi người sẽ bảo mình khó tính, huấn luyện thì khắc nghiệt. Nhưng thật ra không phải như vậy vì tùy vào thời điểm, có người sẽ hợp với bài tập về thể lực, hay kỹ thuật, nếu không tập trung thì rất dễ bị sai và dẫn đến chấn thương giống như mình ngày trước. Khi truyền đạt lại kinh nghiệm, mình phải làm sao để học viên hiểu được họ đang làm đúng và cảm nhận được lực từ trong cơ thể mỗi khi ra đòn.

Ông bà mình hay nói "vàng thật thì phải thử lửa, nếu không thử thì sao biết nó là thật", nên bắt buộc mình phải khó, phải tạo áp lực với VĐV của mình khi tập, nếu không thì khi lên đài sẽ biến thành cái bao cát cho người ta đánh hay sao.

Boxing vốn là môn đối kháng cá nhân rất khắc nghiệt trong hệ thống Olympic nên tính cạnh tranh cực kỳ cao, đòi hỏi một võ sĩ muốn vươn lên được thì phải cực kỳ có ý chí, nếu không thì rất dễ bỏ cuộc.

Ngày nay, mức sống xã hội được nâng cao rồi nên nhiều ba mẹ sẽ khó để cho con mình chịu được cực khổ, hoặc chứng kiến cảnh bị đánh chảy máu, chấn thương… Nhiều võ sĩ tập với Bằng một thời gian là họ rời bỏ vì chịu không nổi sự khốc liệt của bộ môn này.

Do đó, việc tìm ra một võ sĩ như lứa của Bằng ngày trước không phải dễ, chỉ là mình sẽ cố đem hết kinh nghiệm thi đấu, tập huấn nước ngoài để áp dụng vô thực tế đào tạo và mong rằng sẽ thành công".

Chia sẻ Facebook