Mỹ nhân 2 lần xả thân cứu vua Trần Nhân Tông khỏi nanh vuốt thú dữ
Người mang danh “Thần Hộ Mệnh” của vua Trần Nhân Tông: đằng sau sự rạng danh của nhà vua có một bóng hồng
Nếu như vua Trần Nhân Tông nổi tiếng về tài đức, sau khi xuất gia tu hành trở thành Tổ đệ nhất Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và được suy tôn là Điều Ngự Giác Hoàng thì vợ của ông – Bảo Thánh hoàng hậu lại được sử sách ca tụng là người “đức tốt trong cung, rạng rỡ đáng ghi chép”. Bà chính là “bóng hồng” đằng sau nhà vua, tuy nữ nhi yếu đuối mảnh mai mà 2 lần dám xả thân cứu vua khỏi nanh vuốt thú dữ…
Đại Việt sử ký toàn thư đã miêu tả vua Trần Nhân Tông là “được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử, vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”, vua Thánh Tông đặt tên cho ông là Kim Phật, và cuộc đời của hoàng hậu Bảo Thánh được sắp đặt như “Thần hộ mệnh” bên cạnh ông.
Xuất thân danh giá, nhân đức vẹn toàn
Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu, sinh khoảng năm 1251, mất năm 1293, chính là con gái thứ nhất của danh tướng Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo và mẹ là Nguyên Từ Quốc mẫu Thiên Thành.
Năm Bảo Phù thứ 2 (1274), bà được lập làm hoàng thái tử phi, trở thành chính thất của hoàng thái tử Trần Khâm, tức Nhân Tông hoàng đế. Tới năm Thiên Bảo thứ nhất (1279), Nhân Tông hoàng đế lên kế vị, bà chính thức lên ngôi hoàng hậu.
Xuất thân trong gia đình quý tộc, dòng dõi võ tướng, thân phụ Trần Hưng Đạo là bậc lương đống của quốc gia, một lòng trung tín, trọn đạo tôi trung với triều đình, thân mẫu là người đảm đang, luôn sát bên chồng vì đại sự, đảm đương công việc hậu cứ, đặc biệt có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Những phẩm chất tốt đẹp của gia đình và tư chất khiêm tốn, chan hòa, bao dung, dịu dàng của nàng khiến vua Trần Nhân Tông hết mực sủng ái và nể vì. Khi chưa vào cung, tuy không phải là con vua, do phụ thân có công rất lớn nên nàng vẫn được phong tước vị là Quyên Thanh công chúa.
Chính sử ghi chép, Quyên Thanh từ nhỏ đã là người có tính tình nhu mì, thông minh sáng suốt, có nhân đối với kẻ dưới nên ai cũng yêu mến quý trọng. Lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp, đức hạnh.
Tiên nữ giáng sinh để rạng danh dòng tộc và vương triều?
“Hoa hải đường thần thông cô Nhất
Phủ Mạc Tư là đất trâm anh” (Ảnh minh hoạ)
Trong dân gian tương truyền nàng chính là tiên nữ giáng sinh, đầu thai xuống làm con nhà họ Trần để đem lại rạng danh cho dòng tộc và vương triều, vì vậy trong hệ thống Đạo Mẫu, bà được tôn là đệ nhất Vương Cô. Khi làm lễ thỉnh, thường hát rằng:
“Hoa hải đường thần thông cô Nhất
Phủ Mạc Tư là đất trâm anh .”
“Đức Thái Hậu ban cho mỹ tự
Đệ Nhất Vương Cô đại nữ Quyên Thanh
Kim chi ngọc diệp rành rành
Cung phi nhất phẩm đương triều ai hơn”
Hai lần xả thân cứu vua thoát khỏi nanh vuốt thú dữ
Đại Việt Sử Ký Toàn thư đã chép lại hai câu chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm và đức hy sinh của một nữ nhi yếu đuối nhưng dám xả thân bảo vệ nhà vua trước thú dữ…
Lần thứ nhất đối diện với chúa tể rừng xanh
Hoàng hậu Khâm Từ Bảo Thánh sửa sang lại xiêm y, cùng mấy thị nữ đi ra chuồng đấu hổ. Hoàng hậu vừa đi vừa lo nghĩ. Hôm vừa rồi, một tù trưởng vùng sơn cước, muốn làm đẹp lòng ngài, đã dâng một chú hổ sa bẫy. Vị chúa sơn lâm này toàn vằn đen, vàng, lưng thẳng băng, bụng thon, ức nở. Chúa sơn lâm đi đi lại lại trong chuồng, dáng bồn chồn, bứt rứt lắm. Đi chán, nó nằm vào một góc, mắt lim dim, đầu hất về một bên, cái đuôi dài thượt thỉnh thoảng hơi động đậy. Hoàng hậu Bảo Thánh gọi viên tổng quản lại hỏi:
“Ông đã cho kiểm tra kỹ cái cũi này chưa? Hôm nay bệ hạ đến xem đấu hổ, ông phải rất cẩn thận mới được” .
Viên tổng quản đáp:
“Bẩm lệnh bà, đây là con hổ mới được đưa vào cung. Thần đã lo liệu đầy đủ cả, xin lệnh bà yên tâm.”
Một lát sau, một tốp lính khuân một chiếc cũi sắt nữa vào chuồng đấu. Vị chúa sơn lâm này bị bỏ đói lâu, lại bị nhốt trong cũi nên khi nhìn thấy mọi người thì nhe nanh, gầm gừ đe dọa.
Vua Nhân Tông bước tới chuồng đấu hổ. Mọi người rạp xuống thi lễ. Hôm đó vua cho phép các quan trong triều ngoài nội, các cung tần mỹ nữ của ngài tới xem đấu hổ. Nhà vua vui vẻ lắm. Ngài an tọa xong liền giơ tay làm hiệu. Người ta tháo cũi để hai vị chúa sơn lâm gặp nhau. Hai vị chúa này đều bị bỏ đói, lại thêm không khí kích động của đám người xem bên ngoài nên càng trở nên hung dữ. Chúng rống lên những tiếng kinh khủng và bắt đầu vờn nhau. Mọi người hồi hộp theo dõi, một số cung phi sợ hãi nhắm mắt lại. Bỗng nhiên ngoài dự kiến của mọi người, hai con thú chỉ gằm ghè nhau một lát rồi mỗi con đi về một phía. Rắc, tiếng then chuồng bật mạnh, một con thú xổng ra, nhảy tót lên khán đài. Những tiếng rú kinh hãi nổi lên. Mọi người chạy dạt ra hai phía. Nhà vua chậm chân, cùng một số thị nữ, phi tần đang run bần bật, đứng dồn về một góc.
Nhưng, hoàng hậu Bảo Thánh bình tĩnh, tiến nhanh tới trước mặt nhà vua, đứng che chắn cho nhà vua, đối diện với hổ dữ. Tấm thân yểu điệu, mảnh mai cố che đỡ.
Thật là kỳ lạ, vị chúa sơn lâm tiến thêm 2 bước nữa, dáng bệ vệ, ngó nhìn người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai đang đứng giang hai tay ra, mắt trừng trừng nhìn nó. Rồi con hổ lúc lắc cái đầu, kéo lê cái đuôi rồi nhảy tót xuống chuồng thú.
Sách Đại Việt Sử Ký toàn thư chép về chuyện này như sau:
“ Thượng Hoàng (tức vua Trần Nhân Tông) thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu. Có lần thượng hoàng ngồi xem đấu hổ, Thái Hậu (tức Bảo Thánh) và phi tần đều theo hầu. Vì thềm lầu thấp, chuồng và thềm cũng thấp, con hổ bổng nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, mọi người đều sợ chạy tan cả, duy chỉ còn có Thái Hậu và bốn, năm người thị nữ vẫn ở đấy. Thái Hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho Thượng Hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu kêu gầm lên rồi vội vàng nhảy xuống, không hại ai cả .”
Đám người đứng chết lặng thở phào nhẹ nhõm. Vua Trần Nhân Tông mệt mỏi lặng lẽ trở về cung. Hoàng hậu Bảo Thánh cùng các phi đi theo sau. Vua xua tay hiệu cho mọi người lui ra. Ngài vời hoàng hậu lại gần, giọng cảm động:
“ Ái khanh, hoàng hậu của ta. Nếu không có nàng, hôm nay ta chắc không qua khỏi nạn. Từ giờ trở đi, ta coi nàng như vị thần hộ mệnh của ta, xin cảm tạ…!”
Hoàng hậu Bảo Thánh ôn tồn đáp:
“Bệ hạ quá khen. Thiếp chịu ơn mưa móc của bệ hạ, lẽ nào lại không dám xả thân vì người. Chỉ xin bệ hạ luôn bảo trọng, thiếp sẽ mãi mãi ở bên người…”
Lần thứ 2 đối diện với voi dữ tại Hội Long Trì
Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn cho biết, vào một lần khác, vua Trần Nhân Tông đang ngự tại điện Thiên An, xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên sổng thoát định xông lên điện tới nơi vua ngồi, khiến tả hữu sợ chạy tán loạn, chỉ có Bảo Thánh không dao động, bình tĩnh đối phó với thú dữ, bảo vệ nhà vua.
Khi chép lại những câu chuyện này, sử thần Ngô Sỹ Liên có lời bàn: “Con hổ hay vồ, con voi hay quật, há chẳng phải đáng sợ hay sao? Thế mà Thái Hậu (thời điểm chép là Kỷ Anh Tôn, nên Bảo Thánh Hoàng Hậu đã thành Thái Hậu), đương lúc con hổ, con voi đang lồng xông xáo, tâm thần không động, vẫn cứ thản nhiên. Vì là bụng nghĩ đã chắc, lý lẽ đã rõ vậy. Kể người đàn bà sức vóc yếu ớt mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư đứng chắn con gấu ngày xưa cũng không thẹn gì.”
Nàng Tiệp Dư là câu chuyện đời Hán Nguyên Đế, ông ngự xem chuồng gấu, con gấu xổng ra trèo lên điện. Vương Hoàng Hậu cùng bọn gia nô chạy hết cả, duy chỉ có Phùng Tiệp Dư dùng thân mình nhảy lên chắn trước vua.
Sử sách sau này đều ca ngợi hoàng hậu Bảo Thánh là một người phụ nữ hiền thục, nhu mỳ và dũng cảm. Tứ đức công-dung-ngôn-hạnh của nàng chỉ cần qua một câu chuyện trên, đã được thể hiện trọn vẹn.
Vốn là lá ngọc của nhà Trần, hun đúc bởi khí thiêng sông núi
Mãi như âu vàng của đất Việt, kết tinh từ linh diệu cỏ cây
Hương thơm bát ngát vườn xuân, gởi kiếm cung nhờ cao tiên chỉ dạy
Tại đền thờ Đức Thánh Trần ở Nha Trang, có ban thờ Đệ Nhất Vương Cô Quyên Thanh công chúa – Bảo Thánh hoàng hậu. Tại đó có bức bửu cáo viết những dòng ca ngợi nữ anh thư lỗi lạc của triều Trần như sau:
“Đông A chi ngọc diệp lưu căn, giang sơn chung tú
Nam Việt chi kim âu vĩnh diện, thảo mộc quyết linh
Hương trú xuân viên, thụ kiếm nhi cao tiên chỉ điểm ”
Lai ngẫm, người xưa, tuy nữ nhi liễu yếu đào tơ, hiền thục nhu mì mà nội lực vô song, trước sóng dữ mà tâm không lay động, xả thân hy sinh vì người khác mà không mảy may tính đếm đến được mất của bản thân. Đức hạnh ấy, sự hy sinh ấy, chẳng đáng để nam nữ chúng ta ngày nay nghiêng mình kính nể?
Hà Phương Linh
“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc “huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.