Mỹ muốn 'sản xuất tại quốc gia hữu hảo'
Vai trò chi phối của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các rủi ro chính trị liên quan ngày càng thôi thúc Mỹ tìm giải pháp cụ thể, tránh bị lệ thuộc và ảnh hưởng nhiều trong những tình huống đặc biệt.
Ngày 19-7, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt với sự tham gia của các đối tác đáng tin cậy, nhằm giảm lạm phát và ngăn chặn các nước như Trung Quốc sử dụng ưu thế riêng để gây thiệt hại cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
Chiến lược mới
"Chúng ta không thể cho phép các nước như Trung Quốc sử dụng vị thế thị trường của họ về nguyên liệu thô, công nghệ hoặc các sản phẩm quan trọng để gây gián đoạn nền kinh tế của chúng ta hoặc thực hiện các đòn bẩy địa chính trị không mong muốn", bà Yellen phát biểu tại khu phức hợp nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn LG ở Seoul.
Trong khuôn khổ chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức, bà Yellen đã dự Hội nghị các bộ trưởng tài chính nhóm G20 ở Bali (Indonesia) và tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc. Bà không đến Trung Quốc nhưng đã có cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào đầu tháng 7.
Hiện tại Trung Quốc đã đầu tư nguồn lực đáng kể để tìm kiếm vị trí thống trị trong một số công nghệ tiên tiến, trong đó có chất bán dẫn. Bà Yellen cho rằng Bắc Kinh còn sử dụng một loạt "hoạt động thương mại không công bằng" để đạt được vị thế này.
Do đó, bà Yellen kêu gọi các nước tham gia cái gọi là chiến lược "friend-shoring" (sản xuất ở các quốc gia hữu hảo) để giảm bớt rủi ro. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực lạm phát và giải quyết các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng.
"Chiến lược này có thể giúp các hộ gia đình ở Mỹ và Hàn Quốc tránh được sự tăng giá do những gián đoạn bắt nguồn từ rủi ro địa chính trị và kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của chúng ta tiếp cận các nguyên liệu đầu vào và sản phẩm quan trọng, từ thuốc, chất bán dẫn cho đến pin xe điện", bà Yellen giải thích.
Ai lợi, ai thiệt?
Trong mấy năm qua, thế giới đã nếm trải một số sự cố gián đoạn thương mại do nhiều nguyên nhân, từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19... cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine. Để khắc phục điều này, một số quan chức Mỹ đang thúc đẩy chiến lược "sản xuất tại các quốc gia hữu hảo" do Bộ trưởng Janet Yellen đề xuất.
Bà Yellen cho biết Washington muốn chấm dứt "sự phụ thuộc quá mức" vào đất hiếm, pin mặt trời và các mặt hàng quan trọng khác của Trung Quốc nhằm hạn chế ảnh hưởng khi Bắc Kinh cắt nguồn cung như đã làm với các nước khác.
Hãng tin Bloomberg nhận định Indonesia, Malaysia, Việt Nam và các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ hưởng lợi khi dây chuyền sản xuất, việc làm và dòng đầu tư đổ tới các nước được Mỹ và đồng minh xem là "đáng tin cậy".
Việc đa dạng hóa mức độ tập trung về mặt địa lý của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có khả năng chống chịu trước những cú sốc bên ngoài như chiến tranh, nạn đói, bất ổn chính trị hoặc một đại dịch khác trong tương lai. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại khi các khoản đầu tư và việc làm chuyển sang các nước khác trong khu vực.
Dù vậy, những nước tham gia chiến lược "friend-shoring" cũng chịu một số thiệt hại nhất định. Vì việc chia tách này có thể sẽ dẫn đến những cú sốc về nguồn cung ngắn hạn và giá cả cao hơn, có thể khiến kinh tế tăng trưởng thấp hơn về dài hạn.
Một số nhà kinh tế nhận định chiến lược trên làm tổn hại đến tự do thương mại - vốn là nền tảng để hàng hóa dồi dào và giá cả phải chăng trên thế giới. Giáo sư Colin Mackerras tại Đại học Griffith (Úc) cho rằng Mỹ nên hướng tới thúc đẩy hợp tác thay vì áp dụng chiến lược tăng cường quan hệ với nước này và loại trừ nước khác.
"Một nhóm hợp lý là một nhóm tốt nhất nên gồm cả Trung Quốc chứ không nên loại trừ nước này. Đây là nền kinh tế hàng đầu châu Á. Chúng ta nên làm việc với nhau để giải quyết vấn đề chứ không phải cạnh tranh", ông Mackerras đề xuất.
Trung Quốc "cần chuẩn bị tinh thần"
Ngày 19-7, báo South China Morning Post dẫn quan điểm của các nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc dự báo kinh tế nước này có thể sẽ tụt lại sau Mỹ nhiều hơn nữa trong năm nay và Bắc Kinh "cần chuẩn bị tinh thần".
Giáo sư Lý Đạo Quỳ tại Đại học Thanh Hoa và là cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giải thích mặc dù tốc độ tăng trưởng hằng năm của Trung Quốc dự kiến tốt hơn Mỹ, nhưng khoảng cách về GDP (hiện tại là 5.000 tỉ USD) giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ tăng lên, do lạm phát cao ở Mỹ và đồng nhân dân tệ yếu hơn.
Nếu tính theo đồng USD, một nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tụt lại xa hơn so với Mỹ trong năm nay. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát nóng ở Mỹ.