Mỹ muốn can dự, giữ châu Âu ổn định

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 12:38:08

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc một tuần bận rộn thăm châu Âu khi dự hội nghị thượng đỉnh NATO và gặp gỡ các lãnh đạo nhóm G7 và EU.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Warsaw (Ba Lan) vào ngày 26-3 - Ảnh: Reuters


Chuyến thăm cho thấy Mỹ đã trở lại vị thế của một người bạn sẵn sàng giúp đỡ các đồng minh vào thời điểm bước ngoặt.

Có nhà quan sát đã dự đoán, sau chiến sự Ukraine, châu Âu sẽ chuyển từ chỉ phụ thuộc Mỹ vào an ninh sang phụ thuộc Washington cả an ninh lẫn năng lượng và kinh tế. Tuy nhiên, chấm dứt sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga là nhiệm vụ đầy tham vọng và cần nhiều thời gian.


Tương lai của châu Âu phụ thuộc vào nỗ lực của các vị"
Cố vấn của ông Zelensky nêu tại diễn đàn Doha tại Qatar vào ngày 26-3, kêu gọi các nước Trung Đông hành động.


Ngăn dòng tiền đến Nga

Với COVID-19 và xung đột Ukraine, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đương nhiệm đã nhận ra cái giá của việc phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Tuy nhiên, khác với chuỗi cung ứng, nhiên liệu hóa thạch không thể "bưng từ nơi này sang nơi khác".

Bởi vậy, trước khi nhân loại đạt được sự tiến bộ vượt bậc nào đó trong ngành năng lượng, châu Âu vẫn cần nguồn cung từ bên ngoài để thay thế Nga. Đó có thể là các nước Trung Đông hoặc Mỹ - nơi đang trở thành cường quốc xuất khẩu năng lượng nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến.


Với Mỹ, tìm nguồn thay thế Nga là cách để tăng sức ép lên Matxcơva, còn với châu Âu là cách để chấm dứt các lợi thế đàm phán của Nga về tình hình Ukraine.

Mỹ đã cấm nhập khẩu năng lượng của Nga vào ngày 8-3, và một số quốc gia châu Âu đã cam kết sẽ dần làm theo. Nhưng việc đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch thay thế rất tốn kém và có thể mất nhiều năm. Giá năng lượng tăng cao cũng khiến châu Âu phải thận trọng trong việc cố gắng giảm thiểu thiệt hại kinh tế và khó khăn cho người dân.

Sau cuộc gặp ngày 25-3, Tổng thống Biden và bà Ursula von der Leyen - chủ tịch Ủy ban châu Âu - tuyên bố Mỹ sẽ giúp đảm bảo nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn cho châu Âu với 15 tỉ m3 tăng thêm trong năm nay.

Mặc dù vậy, kế hoạch này phần lớn mang tính biểu tượng vì những khó khăn về kỹ thuật, hạ tầng trước mắt khiến châu Âu có muốn cũng không thể nhận thêm. Rõ ràng việc giúp châu Âu không phụ thuộc vào năng lượng Nga là một nhiệm vụ rất khó của Mỹ.

Phát biểu tại diễn đàn Doha ở Qatar vào hôm 26-3, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng cách tốt nhất để ngăn chặn Nga ngừng gây chiến là "cắt đứt dòng tiền cứng hằng ngày chảy vào nước này". Để làm được điều đó, ông Ustenko kêu gọi châu Âu ngừng trả tiền mặt cho Nga và chuyển vào tài khoản ký quỹ để Matxcơva không thể dùng tiền thu được để mua vũ khí.

Theo cố vấn Oleg Ustenko, khách hàng quan trọng nhất của Nga là EU - thị trường chiếm khoảng 60% lượng khí đốt xuất khẩu, 50% dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu của Nga. "Châu Âu đã trả hơn 19 tỉ USD cho Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ ngày 24-2 để thanh toán các mặt hàng này", ông Ustenko nêu thực tế khi kêu gọi châu Âu ngừng trả tiền mặt cho Nga.

Trong bài viết trên báo New York Times, ông Ustenko cũng lập luận rằng phương Tây hoàn toàn có thể giải bài toán giá dầu cao hiện nay bằng cách tăng trừng phạt nền kinh tế Nga. Những khó khăn này sẽ buộc Matxcơva tăng sản lượng dầu, và với tư cách là một nước có tiếng nói trong nhóm OPEC+, Nga sẽ thúc đẩy nhóm này cùng tăng sản lượng từ đó kéo giá dầu đi xuống.


Mỹ rút ra bài học

Tổng thống Biden đã nhấn mạnh thông điệp Mỹ coi việc bảo vệ các đồng minh NATO là "nghĩa vụ thiêng liêng" trong cuộc gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda vào ngày 26-3. Đó là một tuyên bố không có gì bàn cãi, xét trên Hiệp ước NATO và tình cảnh hiện tại.

Một số phát ngôn của ông Biden cho thấy Mỹ đang cần một châu Âu mạnh mẽ hơn để nước này có thể tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi đang chứng kiến những cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa nước này với Trung Quốc.

"Khả năng của Mỹ trong việc đảm bảo vai trò của mình ở các khu vực khác trên thế giới phụ thuộc vào một châu Âu đoàn kết", nhà lãnh đạo Mỹ gởi gắm một thông điệp nhiều tầng nghĩa. Đó có thể xem như một lời khen của Washington đối với châu Âu, nhưng cũng có thể là một lời nhắc rằng lục địa này đang chưa thống nhất và đang gây ảnh hưởng đến Mỹ.

Ông nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh những bất ngờ như trong vấn đề Ukraine hiện nay. "Điều quan trọng là chúng ta phải liên lạc thường xuyên về cách mà mỗi chúng ta muốn tiến hành liên quan đến Ukraine", ông nói với ông Duda.

Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ can dự vào châu Âu và giữ sự ổn định của khu vực này. "Chúng tôi đã rút ra được bài học từ những kinh nghiệm đáng buồn trong hai cuộc chiến tranh thế giới, khi chúng tôi đứng ngoài cuộc và không tham gia vào sự ổn định ở châu Âu", ông nói.


Phát ngôn bị đính chính của ông Biden về ông Putin

Hôm 26-3, trong chuyến thăm Warsaw (Ba Lan), Tổng thống Biden cho rằng Nga đang sa vào "sai lầm chiến lược" và cảnh báo nước này "đừng hòng nghĩ đến việc lấn vào một tấc đất trên lãnh thổ NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương)". "Phương Tây hiện mạnh mẽ và đoàn kết hơn bao giờ hết", ông nói.

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ lên cao trào khi ông nói rằng ông Putin "không thể tiếp tục nắm quyền". Ngay sau đó, Nhà Trắng lên tiếng "chữa cháy" với giải thích rằng phát biểu của ông Biden không thể hiện sự thay đổi chính sách của Washington. "Ông ấy không nói về quyền hành của ông Putin ở Nga hay thay đổi chế độ", Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Nhà Trắng khẳng định.

Phản ứng với phát ngôn của tổng thống Mỹ, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nhấn mạnh: "Tổng thống Nga là do người dân Nga bầu ra, chứ không phải do ông Biden quyết định".

Nhiều hãng tin phương Tây đặt vấn đề có phải Tổng thống Nga Putin muốn thu hẹp quy mô cuộc chiến tại Ukraine, sau khi Nga tuyên bố giờ đây họ sẽ tập trung vào "mục tiêu chính" là giải phóng vùng Donbass.

Chia sẻ Facebook