Mỹ mời đồng minh cùng bàn chuyện gởi vũ khí cho Ukraine trong dài hạn
Thư mời của Lầu Năm Góc cho hội nghị đặc biệt về hỗ trợ vũ khí cho Ukraine đã đến hơn 40 nước nhưng chỉ có khoảng một nửa trong số này chấp nhận lời mời.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết các bộ trưởng quốc phòng và tướng lĩnh cấp cao của 20 quốc gia, gồm cả NATO và không phải thành viên NATO, đã nhận lời mời từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Hội nghị đặc biệt sẽ diễn ra tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức vào ngày 26-4, trong đó tập trung vào việc làm thế nào để đáp ứng các đề nghị trợ giúp an ninh từ Ukraine trong dài hạn.
"Hội nghị này sẽ chủ yếu bàn về hiện đại hóa và đảm bảo quân đội Ukraine vẫn mạnh mẽ cũng như có khả năng phát triển. Cái này không phải là một sự đảm bảo an ninh, mà là chuyện liên quan đến năng lực quân sự của họ", Hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Kirby giải thích thêm.
Lầu Năm Góc khẳng định hội nghị sẽ là cơ hội để các nước có thể xem xét khả năng đóng góp vào việc tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraine sau khi xung đột kết thúc.
Là một phần của hội nghị, các bộ trưởng và tướng lĩnh cũng sẽ thảo luận về cách họ có thể tiếp tục đáp ứng các nhu cầu hiện tại của Ukraine và những loại vũ khí có thể cung cấp nếu chiến sự leo thang.
"Nhưng tôi nghĩ Bộ trưởng Austin muốn có một cái nhìn dài hơn, lớn hơn về các mối quan hệ quốc phòng mà Ukraine sẽ cần phải có trong tương lai khi chiến tranh kết thúc", ông Kirby giải thích thêm.
Điều này bao gồm việc lập danh mục những sản phẩm tiềm năng trong ngành công nghiệp quốc phòng các nước, từ đó xác định liệu các đối tác của Ukraine có thể giúp nước này đến đâu.
Theo giới quan sát, cuộc họp này cho thấy những lo lắng nhất định của phương Tây nếu chiến sự Ukraine tính bằng năm.
Điều này là do một số nước đã huy động phần lớn kho vũ khí dự trữ để chuyển cho Kiev hoặc số vũ khí còn lại đã đến ngưỡng phải dừng lại để bảo đảm an ninh cho chính mình.
Mỹ đang dẫn đầu về số lượng và giá trị viện trợ quân sự cho Ukraine tính từ ngày 24-2 đến nay với hơn 4 tỉ USD.
Theo AFP, sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" và đưa quân vào Ukraine, đã có khoảng 30 quốc gia gởi viện trợ các loại cho Kiev, từ vũ khí sát thương như tên lửa phòng không và chống tăng, đến phi sát thương như nón bảo hộ, áo chống đạn...
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết cuộc chiến tại Ukraine có thể kéo dài tới cuối năm 2023 nhưng Tổng thống Nga Putin sẽ không thành công trong việc khuất phục người dân Ukraine.