Mỹ miễn trừng phạt với một mặt hàng của Nga, lý do là gì?
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ công bố một giấy phép mới, trong đó loại trừ phân bón hóa học Nga khỏi danh sách trừng phạt.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố một giấy phép chung mới vào ngày 24/3, trong đó loại bỏ các loại phân bón của Nga khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra. Phân bón được đưa vào danh sách các sản phẩm quan trọng cùng với nông sản, thuốc và các sản phẩm y tế.
Theo nguồn tin của Kommersant, nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt trên thị trường thế giới vì nguồn cung từ Nga đang gặp trục trặc. Các hãng vận tải lớn đã ngừng hợp tác với các doanh nghiệp Nga khiến việc vận chuyển gián đoạn. Động thái mới này được cho nhằm mục đích bảo vệ nông dân Mỹ khỏi tình trạng thiếu hụt các sản phẩm hóa chất do giá lương thực tại nước này tiếp tục tăng cao.
Như tờ Kommersant lưu ý, châu Âu và Mỹ phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung từ Nga, trong khi Matxcơva có thể chuyển hướng dòng hàng hóa sang châu Á trong trường hợp tình hình xấu đi.
Châu Âu nhận 25% urê, 15% amoni nitrat, 1/3 phân lân và 35% kali từ Liên bang Nga. Thị phần kali của Nga ở Mỹ là 6%, photphat là 20% và urê chiếm 13%.
Giá các nguyên liệu thô để sản xuất phân bón, gồm amoniac, nitơ, nitrat, photpho, kali và sunfat, đều tăng 30% kể từ đầu năm 2022 đến nay và hiện vượt mức đỉnh được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng năm 2008, theo công ty tư vấn hàng hoá CRU.
Nga và Ukraine là hai trong những nước sản xuất nông sản quan trọng nhất thế giới. Trong đó, năm 2021, Nga là nước xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp lớn thứ 2 về phân bón kali và phân lân, theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Mặc dù chưa bị cắt đứt hoàn toàn, thương mại giữa Nga và phần còn lại của thế giới đã bị gián đoạn nghiêm trọng khi các nhà nhập khẩu và bên thuê tàu định kỳ chuyển hướng khỏi nước này sau khi Moscow khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine, ông Chris Lawson, giám đốc mảng phân bón tại CRU, cho hay.
“Hơn nữa, khí đốt là nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất phân bón. Giá khí đốt cao dẫn đến việc phải cắt giảm sản lượng ở các khu vực như châu Âu, khiến nguồn cung phân bón đã hạn chế càng thêm khan hiếm”, ông Lawson nói.
Nga, chiếm khoảng 14% xuất khẩu phân bón toàn cầu, cũng tạm ngừng giao thương với bên ngoài, và điều này được cho là sẽ tác động mạnh đến thị trường lương thực toàn cầu.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt đối với đồng minh của Nga là Belarus cũng tác động đáng kể đến thị trường phân kali, vì hai quốc gia này chiếm 40% khối lượng giao dịch loại phân này hàng năm.
Các nền kinh tế trên khắp thế giới đã và đang đối phó với tình trạng lạm phát cao trong nhiều năm, phần lớn do giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt. Dữ liệu của FAO cho thấy giá lương thực đang ở mức cao nhất mọi thời đại và tình trạng thiếu phân bón kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất canh tác dài hạn.
Trước mối đe dọa giảm nguồn cung từ Nga và Belarus, giá phân bón phải đối mặt với áp lực tăng lớn do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc và cuộc đình công đường sắt ở Canada.
Gần đây, hầu hết thảo luận xung quanh việc giá tăng đột biến tập trung vào các mặt hàng năng lượng. Song, cú sốc nguồn cung đối với phân bón, lúa mì và các loại ngũ cốc khác sẽ làm vấn đề thêm phức tạp.
Kể từ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, nhiều nước phương Tây đã công bố các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đối với Moscow, chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng và cung cấp các sản phẩm công nghệ cao. Các thương hiệu lớn cũng thông báo tạm ngừng hoạt động tại nước này.