Mỹ loại trừ khả năng giải phóng 7 tỷ USD dự trữ cho Afghanistan

Chia sẻ Facebook
16/08/2022 13:30:33

Mỹ đã ngừng cân nhắc giải phóng một nửa trong số 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Afghanistan sau vụ trùm khủng bố al Qaeda bị tiêu diệt ở Kabul.


Nhà Trắng đã quyết định không giải phóng 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối cho ngân hàng trung ương Afghanistan và cắt đứt các cuộc đàm phán với Taliban về khoản tiền này sau vụ trùm khủng bố al Qaeda Ayman al-Zawahiri bị tiêu diệt ở Kabul.

Washington thừa nhận đã sai lầm khi đặt niềm tin vào Taliban về việc cắt đứt quan hệ với nhóm khủng bố.


Quyết định tiếp tục đóng băng khoản tiền tại một ngân hàng Mỹ giáng một đòn tài chính lớn hơn vào chính quyền ở Kabul khi hàng triệu người Afghanistan đang trên bờ vực chết đói, và tình hình ngày một tồi tệ hơn dưới sự cai trị nghiêm ngặt của Taliban, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Việc tiêu diệt trùm khủng bố al-Zawahiri bằng loại tên lửa đặc biệt, không chứa thuốc nổ nhưng có 6 lưỡi dao sắc bén, ở Kabul ngày 31/7 cho thấy các thủ lĩnh al Qaeda một lần nữa được cung cấp nơi trú ẩn an toàn ở Afghanistan, 1 năm sau khi Mỹ rút quân và Taliban trở lại nắm quyền.

Al-Zawahiri, được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch cho vụ tấn công 11/9 và vụ đánh bom tàu USS Cole vào tháng 10/2000, bị 2 quả tên lửa Hellfire của Mỹ hạ gục khi đang ở tại một ngôi nhà an toàn thuộc về thủ lĩnh Taliban Sirajuddin Haqqani.

Khói bốc lên từ một ngôi nhà sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở khu vực Sherpur ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 31/7/2022. Ảnh: Getty Images

Nơi ở tạm thời của thủ lĩnh al Qaeda vi phạm trực tiếp thỏa thuận mà Taliban đạt được với Mỹ vào năm 2020 - trong đó những người cầm quyền tương lai của Afghanistan hứa sẽ từ chối chứa chấp tất cả các nhóm khủng bố.

“Taliban đã không tuân theo những cam kết này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên hôm 15/8, cho biết thêm rằng Mỹ có “lý do chắc chắn để tin để tin rằng các thành viên của mạng lưới Taliban (và) Haqqani đã biết về sự hiện diện của al-Zawahiri ở Kabul”.


Lựa chọn bị gác lại

Việc giải phóng 3,5 tỷ USD sẽ được dành cho viện trợ nhân đạo và hỗ trợ ngân hàng trung ương Afghanistan, tùy thuộc vào sự đảm bảo về cách thức khoản tiền được sử dụng.

Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cho biết hôm 15/8, những lựa chọn đó đã bị gác lại.

“Chúng tôi không coi việc tái cấp vốn cho ngân hàng trung ương Afghanistan là một lựa chọn ngắn hạn”, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Afghanistan Tom West nói với tờ Wall Street Journal trong một tuyên bố.

“Chúng tôi không tin rằng tổ chức đó có các biện pháp bảo vệ và giám sát để quản lý tài sản một cách có trách nhiệm”, ông West bổ sung. “Hiển nhiên, việc Taliban che chở cho thủ lĩnh (al Qaeda) Ayman al-Zawahiri củng cố thêm những lo ngại sâu sắc mà chúng tôi có liên quan đến việc chuyển ngân quỹ cho các nhóm khủng bố”.

Thủ tướng Afghanistan Mohammad Hassan Akhund tham dự một buổi họp mặt tại Dinh Tổng thống ở Kabul, ngày 13/8/2022. Ảnh: Getty Images


Lời kêu gọi giải phóng dự trữ


Trước đó, hơn 70 nhà kinh tế, bao gồm cả những người đoạt giải Nobel, đã viết thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, thúc giục Washington giải phóng khoản dự trữ 7 tỷ USD của Afghanistan khi nền kinh tế của quốc gia Nam Á đã sụp đổ, lạm phát tăng vọt, khiến hơn một nửa dân số đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và 3 triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, hãng thông tấn AFP đưa tin.

“Chính phủ Taliban đã làm những điều khủng khiếp, bao gồm việc đối xử tàn bạo với phụ nữ và trẻ em gái, và các dân tộc thiểu số”, bức thư cho biết. “Tuy nhiên, việc áp đặt hình phạt tập thể lên toàn thể người dân vì những hành động của một chính phủ mà họ không chọn là điều đáng lên án về mặt đạo đức lẫn chính trị và kinh tế”.

Trong số những người ký tên vào bức thư có những người từng đoạt giải Nobel kinh tế: Giáo sư Đại học Columbia Joseph Stiglitz và cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis. Ông Varoufakis đương chức khi Hy Lạp đang đàm phán với các chủ nợ sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.

“Toàn bộ 7 tỷ USD này thuộc về người dân Afghanistan”, bức thư cho biết, một lần nữa nhấn mạnh rằng khoản tiền này là cực kỳ quan trọng đối với sự phục hồi của nền kinh tế Afghanistan vốn đang điêu đứng.

Hàng triệu người Afghanistan đang lâm cảnh đói khát cùng cực. Ảnh: DW

Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Afghanistan, đã phân phối tiền thông qua các tổ chức quốc tế và các nhóm viện trợ kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền, tờ Wall Street Journal cho biết.

Ông Shah Mehrabi, một thành viên hội đồng quản trị của ngân hàng trung ương Afghanistan, nói với tờ Wall Street Journal rằng quyết định giữ tiền của chính quyền có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với những người Afghanistan vốn đang trong cảnh nghèo khó.

“Nhiều phụ nữ và trẻ em nghèo sẽ không thể mua bánh mì và các nhu yếu phẩm khác. Đất nước sẽ tiếp tục phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo, trong khi đó không phải là một giải pháp”, ông Mehrabi, giáo sư kinh tế tại Cao đẳng Montgomery ở Maryland (Mỹ), nói.


“Những khoản dự trữ đó thuộc về ngân hàng trung ương và phải được sử dụng cho chính sách tiền tệ”, vị giáo sư kết luận .


Minh Đức (Theo New York Post, TRT World)

Chia sẻ Facebook