Mỹ lên kế hoạch nhằm rót thêm 50 tỷ USD cho Ukraine trước thềm bầu cử

Chia sẻ Facebook
05/05/2024 03:59:36

Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của đồng minh dành cho Ukraine khỏi những thay đổi chính trị ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.


Mỹ đang đàm phán với các đối tác thân cận để tiến tới lãnh đạo một nhóm đồng minh trong việc viện trợ thêm 50 tỷ USD cho Ukraine. Khoản chi khổng lồ này sẽ được hoàn trả bằng lợi nhuận sinh ra từ các tài sản có chủ quyền của Nga đang bị đóng băng chủ yếu ở châu Âu, Bloomberg đưa tin hôm 4/5.


Kế hoạch này đang được thảo luận giữa các quốc gia G7, trong đó Mỹ đang thúc đẩy để đạt được thỏa thuận khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại Italy trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới, nguồn tin của Bloomberg cho biết. Theo Bloomberg, các cuộc thảo luận về chủ đề này rất khó khăn và vẫn có thể mất vài tháng mới đạt được một thỏa thuận như vậy.


Kế hoạch này báo hiệu sự ủng hộ mạnh mẽ từ Washington sau khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá 61 tỷ USD cho Kiev hồi tháng 4, vốn trước đó đã bị trì hoãn trong nhiều tháng do tranh cãi đảng phái.


Kế hoạch mới cũng sẽ tăng cường áp lực lên Liên minh châu Âu (EU) khi khối này vẫn lưỡng lự trong việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine. Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ và Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng từ chối bình luận, Bloomberg cho biết.


Khi được hỏi về đề xuất rằng khoản viện trợ của Mỹ hoặc một nhóm nhỏ các nước G7 sẽ được EU hoàn trả bằng cách sử dụng tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng “đó là điều mà chúng tôi đang thảo luận”.


“Lý tưởng nhất, đây là điều mà chúng tôi muốn toàn bộ G7 tham gia, là một phần trong đó, chứ không chỉ để Mỹ làm việc đó một mình”, bà Yellen nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn ở Sedona, Arizona, hôm 3/5.

Các thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine tham gia huấn luyện tấn công chiến hào địch bằng thiết bị mô phỏng, tháng 2/2024. Ảnh: Anadolu


Sự chậm trễ trong viện trợ tài chính và quân sự đã khiến các quan chức ở Kiev đưa ra những cảnh bá o ngày càng khẩn cấp về nguy cơ Nga đột phá trong cuộc chiến khi các lực lượng Ukraine phải vật lộn với nguồn cung cấp đạn dược ngày càng cạn kiệt.


Diễn biến mới nhất diễn ra sau nhiều tháng thảo luận giữa các đồng minh về cách giải quyết những lo ngại của châu Âu về việc EU có nguy cơ gặp rủi ro khi sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga, đồng thời đặt viện trợ cho Ukraine trên một nền tảng bền vững hơn.


Hầu hết các quốc gia châu Âu đã phản đối việc tịch thu hoàn toàn tài sản và tỏ ra hoài nghi về những đề xuất mà họ lo ngại sẽ làm suy yếu sự ổn định của đồng Euro hoặc khiến họ phải chịu sự trả đũa của Nga.


Nỗ lực của Mỹ về cơ bản tập trung vào việc tìm cách cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ lớn nhất có thể một cách nhanh chóng thay vì với số lượng nhỏ hơn, bằng cách huy động tốt hơn lợi nhuận do tài sản bị phong tỏa tạo ra, nguồn tin của Bloomberg cho hay.


Ông Donald Trump, người đang tìm cách trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, đã bày tỏ sự hoài nghi về viện trợ cho Ukraine. Ngoài ra, sự chia rẽ chính trị ở Mỹ có thể khiến việc phê duyệt thêm hỗ trợ cho Kiev trở nên vô cùng khó khăn.


Gần 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị phương Tây phong tỏa kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2/2022, với khoảng 210 tỷ Euro (224 tỷ USD) được nắm giữ ở châu Âu thông qua cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ, và 5-6 tỷ USD ở Mỹ.


Moscow tuyên bố sẽ không để yên nếu phương Tây động vào tài sản của Nga. Hôm 23/4, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko cho biết nước này đã soạn thảo luật để trả đũa nếu gần 300 tỷ USD tài sản của Nga bị phương Tây tịch thu và sử dụng để giúp Ukraine.


“Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn câu trả lời”, bà Matviyenko, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, được hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời cho biết. “Chúng tôi có một dự thảo luật sẵn sàng xem xét ngay lập tức về các biện pháp trả đũa. Và người châu Âu sẽ mất nhiều hơn chúng tôi” .


Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)

Chia sẻ Facebook