Mỹ: Khi quan chức chính phủ 'lướt' chứng khoán
Báo Wall Street Journal (WSJ) đã phát hiện hàng ngàn nhân viên và quan chức liên bang Mỹ giao dịch cổ phiếu của những công ty mà cơ quan họ đang quản lý, và giá cổ phiếu công ty ấy tăng hay giảm sẽ tùy vào quyết định của chính họ.
Hơn 2.600 quan chức thuộc các cơ quan từ Bộ Thương mại cho đến Bộ Tài chính, thuộc cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ, đã đầu tư vào cổ phiếu của các công ty đang vận động hành lang những bộ này để hưởng những chính sách có lợi.
Con số đó tương đương hơn 1/5 số nhân viên cấp cao tại 50 cơ quan liên bang mà WSJ điều tra.
Xung đột lợi ích
WSJ đã thu thập và phân tích hơn 31.000 bảng khai tài chính của khoảng 12.000 nhân viên cấp cao, nhân viên chính trị và những người được tổng thống bổ nhiệm trong giai đoạn từ 2016 - 2021.
Các tài liệu bao gồm thông tin về khoảng 850.000 tài sản tài chính và hơn 315.000 giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và quỹ của các quan chức này cùng vợ/chồng hoặc con cái họ.
Điều tra phát hiện nhiều trường hợp xung đột lợi ích, dù một số chọn đầu tư thông qua cố vấn.
Chẳng hạn, một quan chức cấp cao của Cơ quan Bảo vệ môi trường, người ngồi ghế đầu trong các cuộc thảo luận về quy định môi trường liên quan năng lượng, lại mua cổ phiếu dầu và khí đốt trị giá hàng chục ngàn USD. Trả lời về vấn đề này hồi tháng 9-2022, vị quan chức khẳng định không biết gì về các khoản đầu tư.
Hay một quan chức khác ở Bộ Quốc phòng đã mua cổ phiếu của nhà sản xuất vũ khí Lockheed Martin năm lần trước khi công ty này giành được hợp đồng trị giá 1 tỉ USD đóng máy bay chiến đấu F-35 cho Lầu Năm Góc.
Giá cổ phiếu của công ty tăng 1,1% sau khi gói thầu được công bố. Còn quan chức này, thuộc bộ phận kiểm tra các máy bay, phủ nhận việc đã biết trước thông tin hợp đồng. WSJ cũng phát hiện thấy, trong Bộ Quốc phòng Mỹ, hầu hết nhân viên đều đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc bất chấp căng thẳng giữa hai nước.
Một trường hợp khác là lãnh đạo phòng kế hoạch của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có hàng chục ngàn USD cổ phiếu của các công ty thực phẩm và dược phẩm gồm Pfizer và Takeda. Tất cả đều trong danh sách mà FDA cấm nhân viên mua.
Quyền lực ngầm
Những quan chức này hầu như không được công chúng biết đến, và các khoản đầu tư của họ cũng không gây chú ý như đối với các chính trị gia.
Nhưng họ lại có sức ảnh hưởng rộng lớn. "Các quan chức liên bang nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng to lớn với những thứ tác động đến đời sống hằng ngày của người Mỹ như sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm, quan hệ ngoại giao và điều tiết thương mại" - ông Don Fox, một luật sư và cựu tổng cố vấn tại Cơ quan Giám sát các quy tắc xung đột lợi ích của Mỹ, nhận định.
Trong khi đó, việc quản lý các nhân viên này lại có nhiều chỗ sơ hở. Luật của Mỹ chỉ quy định chung cấm các nhân viên liên quan đến những lĩnh vực xung đột lợi ích, yêu cầu các nhân viên cấp cao công khai tài chính.
Dù vậy, các bản khai tài chính của họ chỉ được công khai khi có yêu cầu và hầu hết các cơ quan cũng không có cách xác minh những bản khai đó.
Luật Mỹ chủ yếu giao lại cho các cơ quan tự quyết những quy định chống xung đột lợi ích và nhiều nơi cũng đã cấm nhân viên mua cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực họ quản lý. Nhưng việc giám sát chuyện này lại lỏng lẻo.
Các chuyên viên giám sát đạo đức trong công ty thường chỉ báo lại việc xung đột lợi ích cho tổng thanh tra để trình lên Bộ Tư pháp nếu tìm thấy bằng chứng. Nhưng theo WSJ, báo cáo cho thấy những văn phòng này rất hiếm khi điều tra xung đột tài chính.
Các điểm chính trong điều tra của WSJ
• Trong khi chính phủ tăng cường giám sát các hãng công nghệ lớn, hơn 1.800 quan chức liên bang đã báo cáo sở hữu hoặc giao dịch cổ phiếu của ít nhất một trong bốn ông lớn công nghệ là Facebook, Google, Apple và Amazon.
• Hơn 50 quan chức tại năm cơ quan, bao gồm Ủy ban Thương mại liên bang và Bộ Tư pháp, đã giao dịch cổ phiếu của các công ty ngay trước khi cơ quan của họ công bố có hành động chống lại những công ty đó.
• Hơn 200 quan chức cấp cao của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) đã đầu tư vào các công ty đang vận động hành lang cơ quan này. Mỗi năm, các nhân viên EPA và gia đình mua từ 400.000 USD đến gần 2 triệu USD cổ phiếu của các công ty dầu khí.
• Tại Bộ Quốc phòng, các quan chức trong văn phòng thư ký mua từ 1,2 - 3,4 triệu USD cổ phiếu của các công ty hàng không và quốc phòng mỗi năm. Một số nắm giữ cổ phần của các công ty Trung Quốc mà Mỹ đang cân nhắc cho vào danh sách đen.
• Khoảng 70 quan chức liên bang sử dụng các kỹ thuật tài chính rủi ro hơn như bán khống và giao dịch quyền chọn đối với một số giao dịch có giá trị từ 5 - 25 triệu USD.
• Khi việc nắm giữ tài chính gây ra xung đột, các cơ quan đôi khi phớt lờ các quy tắc, cho phép các quan chức giữ cổ phiếu xung đột với chức năng nhiệm vụ của cơ quan họ.
Theo Trần Phương