Mỹ kêu gọi áp trần giá dầu Nga để đối phó lạm phát
Ngày 14-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi áp dụng mức giá trần cho dầu của Nga, lập luận rằng điều này sẽ giúp giảm lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.
Theo Đài CNBC, bà Yellen đã đưa ra lời kêu gọi trên trong bài phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 tại Bali, Indonesia. G20 là nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cụ thể, nữ bộ trưởng Mỹ tuyên bố cần phải nỗ lực để kiềm chế hai tác động kinh tế chủ chốt từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine: giá nhiên liệu cao và tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng. Bà cho rằng chi phí năng lượng cao đóng vai trò lớn trong tình hình lạm phát mạnh của Mỹ tuần này, với CPI tăng lên 9,1% - mức cao nhất trong 40 năm qua.
Bà Yellen nhấn mạnh: "Giới hạn giá dầu của Nga là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng ta, để giải quyết nỗi đau mà người Mỹ và các gia đình trên toàn thế giới đang cảm thấy tại các trạm bơm xăng và cửa hàng tạp hóa".
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh giữa bối cảnh Washington cấm dầu của Nga và các nước châu Âu tìm cách cắt giảm sử dụng dầu của quốc gia này.
Hồi tháng 3 vừa qua, giá dầu thô đã tăng trên 120 USD/thùng sau khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu. Các nhà kinh tế cảnh báo các lệnh cấm tiếp theo có thể đẩy giá lên tới 175 USD/thùng.
Theo CNBC, cơ chế giới hạn giá sẽ bao gồm việc Hoa Kỳ và các quốc gia khác hình thành một tổ chức chung để mua dầu của Nga với giá đủ thấp để Nga có lợi nhuận và chấp nhận tiếp tục cung ứng dầu, nhưng không giúp Nga có tiền để tài trợ cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Bà Yellen hy vọng mức trần sẽ hấp dẫn đối với nhiều công ty nhập khẩu dầu của Nga, vì phương án này sẽ giảm thiểu chi phí nhập khẩu cao do các lệnh cấm.
Nga đã im lặng trước đề xuất này, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ không cân nhắc.
Hôm 14-7, Trung Quốc cảnh báo áp mức giá trần cho dầu của Nga có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố phương án trên sẽ rất phức tạp, đồng thời kêu gọi các nước thay vào đó theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh.
Lạm phát ở Mỹ lại tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua và điều này có thể sẽ củng cố quyết tâm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong việc mạnh tay nâng thêm lãi suất trong tháng 7 này.