Mỹ kéo dài thời hạn cắm chốt tàu sân bay gần châu Âu
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ra lệnh tiếp tục gia hạn đợt triển khai của tàu sân bay Truman tại Địa Trung Hải để trấn an đồng minh châu Âu.
"Sau khi đánh giá tình hình, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin quyết định nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ tại Địa Trung Hải thêm một thời gian gian nữa", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết hôm qua.
Thông báo được đưa ra 4 tháng sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman kéo dài thời gian triển khai và " cắm chốt " ở Địa Trung Hải để trấn an đồng minh châu Âu giữa lúc Nga dàn quân sát biên giới với Ukraine , thay vì vượt kênh đào Suez để tới Trung Đông như kế hoạch trước đó.
"Chúng tôi không muốn định trước ngày kết thúc đợt triển khai tạm thời này, vì Lầu Năm Góc muốn theo dõi tình hình thực địa và đưa ra những quyết định linh hoạt theo thời gian thực", phát ngôn viên Kirby nói, thêm rằng toàn bộ các đơn vị được triển khai tới khu vực làm nhiệm vụ răn đe Nga vẫn chưa được rút về.
Không đoàn trên hạm của tàu Harry S. Truman đã thực hiện khoảng 80-90 chuyến bay mỗi ngày. Hơn 10 tàu khu trục và tuần dương hạm Mỹ cũng đang hiện diện tại Địa Trung Hải và biển Baltic.
Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết tàu sân bay Harry S. Truman có thể hiện diện tại khu vực đến tháng 8, trước khi trở về cảng nhà ở bang Virginia. Tàu sân bay USS George H.W. Bush cùng một tàu sân bay khác từ Thái Bình Dương có thể được hải quân Mỹ điều động để thế chỗ USS Harry S. Truman.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 35 ngày chiến sự, lực lượng Nga đã rút khỏi một số khu vực ở miền bắc Ukraine và nhà máy điện Chernobyl sau tuyên bố "giảm hoạt động quân sự" để tạo điều kiện cho đàm phán.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoài nghi động thái này của Nga, cho rằng lực lượng Nga đang chuẩn bị mở đột tiến công lớn ở miền nam và vùng Donbass ở phía đông.
Mỹ đã tăng cường hỗ trợ Ukraine sau khi chiến sự bùng nổ, bao gồm cung cấp vũ khí và viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Washington đã loại trừ khả năng chuyển máy bay hoặc các hệ thống vũ khí lớn khác tới Kiev, khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố không muốn làm leo thang căng thẳng và gây đối đầu trực tiếp với Nga.
NATO gần đây triển khai thêm lực lượng tới sườn đông của liên minh trong lúc chiến sự giữa Nga và Ukraine diễn ra. Các thành viên NATO ngày 20/3 bắt đầu chuyển tên lửa phòng không Patriot tới Slovakia, quốc gia láng giềng của Ukraine, để củng cố khả năng phòng thủ.
Vũ Anh (Theo USNI )