Mỹ hưởng lợi khi châu Âu tìm khí đốt thay Nga
Các quốc gia tại châu Âu đang phải xoay sở tìm các nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt của Nga. Một trong số giải pháp hứa hẹn là khí đốt hóa lỏng (LNG) đến từ Mỹ.
Không dễ gì thay thế khí đốt Nga - nguồn cung cho đến tận năm 2021 vẫn đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. Đây là nhận định chung của tất cả các chuyên gia. Tuy nhiên, Khí đốt hoá lỏng (LNG) có thể được nhập khẩu từ những nhà cung cấp ở xa như Mỹ được đánh giá là một lựa chọn hứa hẹn.
Trung tâm Nghiên cứu châu Âu cho biết, vào tháng 3, Liên minh châu Âu đã quyết định mua thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để thay thế khí đốt của Nga. Hay như Đức - quốc gia ở vào vị thế dễ tổn thương nhất từ sự mất mát nguồn cung khí đốt Nga - đang nỗ lực để đưa vào hoạt động cảng LNG nổi đầu tiên của nước này sau vài tháng nữa.
Tuy nhiên, yêu cầu về hạ tầng để nhập khẩu LNG mới chỉ là một phần của vấn đề. Giá và chi phí vận chuyển LNG nhập khẩu từ Mỹ cao hơn từ Nga. Do vậy, châu Âu đang phải trả một chi phí kinh tế lớn cho việc này, khiến Mỹ trở thành một trong những nước hưởng lợi lớn.
"Mỹ đã đạt được mục tiêu của mình nhưng với cái giá là châu Âu đang phải trả phí cao hơn. Khí tự nhiên của Mỹ để khí hóa, vận chuyển và hóa lỏng đắt hơn nhiều so với khí đốt vận chuyển qua đường ống nhập khẩu", ông Demostenes Floros - Nhà phân tích kinh tế năng lượng cấp cao, Trung tâm Nghiên cứu châu Âu cho hay.
Ngoài chi phí cao hơn, vị chuyên gia trên cho biết việc khó tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đường ống dẫn khí đốt của Nga cũng đã buộc Italy phải đảo ngược quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Để đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông này, Bộ Chuyển đổi Sinh thái Italy ngày 6/9 đã đề xuất tăng cường sản xuất điện từ nhiên liệu không phải khí đốt tự nhiên.
Trong nửa đầu năm 2022, trong khi giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, Italy đã tăng đáng kể nhập khẩu than và dầu thô cũng của Nga để sản xuất điện. Tất nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững cho lâu dài
Ông Demostenes Floros nói: "Chúng ta phải biết rằng các biện pháp trừng phạt Nga cho đến nay vẫn chưa có tác dụng. Hơn 6 tháng trôi qua, dù chúng ta có muốn thừa nhận hay không thì nền kinh tế Nga không suy yếu như phương Tây mong đợi. Thay vào đó, người chịu ảnh hưởng là châu Âu, đặc biệt là Italy, không phải Mỹ".
Với giá năng lượng tăng cao và lạm phát cao ở các nước châu Âu, ngày càng nhiều công ty Italy không thể chi trả cho chi phí năng lượng cao. Nếu các động thái trừng phạt Nga tiếp tục, nhiều khả năng sẽ có nhiều công ty Italy phá sản hơn, dẫn đến nhiều người mất việc hơn.