Mỹ hứng chỉ trích vì khoản đóng góp quá “hẻo” tại COP28

Chia sẻ Facebook
02/12/2023 03:32:11

Với quy mô nền kinh tế như của Mỹ, không có lý do gì họ lại đóng góp ít hơn những nước giàu có khác, các chuyên gia về khí hậu cho biết.


Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP28 ở Dubai vừa giành được chiến thắng sớm ngay trong ngày khai mạc khi các đại biểu toàn cầu đã chính thức thông qua Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” và một số quốc gia đã cam kết gửi hàng triệu USD vào quỹ này để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu.


Chiến thắng này cho phép COP28, diễn ra từ 30/11 đến 12/12 tại quốc gia giàu dầu mỏ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), có nhiều thời gian hơn để thảo luận về các vấn đề gai góc xung quanh việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.


Tuy nhiên, Mỹ – một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu – đang bị chỉ trích vì đóng góp một số tiền quá “hẻo” cho quỹ này, chưa bằng 1/5 số tiền đóng góp của UAE hay Đức.


Mất 32 năm để tới đích


Nhu cầu về một quỹ, nơi các nước giàu có đổ tiền vào để tài trợ cho các nước đang phát triển trong công cuộc đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, đã cản trở tiến trình đàm phán của Hội nghị Thượng đỉnh thường niên này của Liên Hợp Quốc trong nhiều năm.


Các chi tiết về quỹ đã được nhất trí vào đầu tháng này tại cuộc họp trước thềm COP28 và chính thức được các đại biểu từ gần 200 nước tham dự thông qua vào ngày 30/11.


“Hôm nay chúng ta đã làm nên lịch sử – lần đầu tiên một quyết định được thông qua vào ngày đầu tiên của bất kỳ COP nào”, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber cho biết. Thỏa thuận về thành lập Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” được thông qua mà không vấp phải sự phản đối từ bên nào và thậm chí còn nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt.


Ngay sau khi quỹ được thông qua, một số quốc gia đã cam kết đóng góp. Nước chủ nhà COP28 UAE cam kết hỗ trợ 100 triệu USD, Đức cũng cam kết con số tương tự. Vương quốc Anh cam kết đóng góp 60 triệu bảng Anh (76 triệu USD), một phần trong số đó sẽ được sử dụng cho “các thỏa thuận khác”, trong khi Mỹ cam kết 17,5 triệu USD cho quỹ, và Nhật Bản đóng góp 10 triệu USD.


Tổng cộng gần 300 triệu USD đã được công bố. Không tệ cho ngày đầu tiên. Nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính cần tới 2.000 tỷ USD để tài trợ cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber nhận búa từ Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry của Ai Cập trong lễ khai mạc COP28 tại Dubai, UAE, ngày 30/11/2023. Ảnh: Xinhua


Để làm được điều đó, chỉ một cử chỉ thiện chí thôi là không đủ, mà sẽ cần nhiều tiền hơn từ nhiều quốc gia hơn. Trong khi các chuyên gia về khí hậu và các nhóm vận động vì môi trường phần lớn ca ngợi việc thành lập quỹ, họ cũng nói rằng đây chỉ là bước đầu tiên trên con đường dài nhằm đảm bảo các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng khí hậu được hỗ trợ đầy đủ.


“Quỹ Tổn thất và Thiệt hại sẽ là cứu cánh cho người dân trong thời khắc đen tối nhất của họ, giúp các gia đình xây dựng lại nhà cửa sau thảm họa, hỗ trợ nông dân khi mùa màng của họ bị xóa sổ và giúp đỡ những người phải vĩnh viễn rời bỏ nhà cửa của họ do nước biển dâng cao”, ông Ani Dasgupta, Chủ tịch & CEO của Viện Tài nguyên Thế giới – một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, cho biết. “Kết quả này rất khó khăn nhưng là một bước tiến rõ ràng”.


Cũng cần lưu ý rằng các bên đã phải mất 32 năm mới đến được cái đích đầu tiên này. Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” đã được nêu ra tại cuộc họp về biến đổi khí hậu lần đầu tiên của Liên Hợp Quốc vào năm 1991.


Mỗi Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu đều có thể dẫn đến một cái đích nào đó, nhưng điều quan trọng là nó không đến nơi đủ nhanh.


Mặc dù trước đây tất cả các bên đều đồng ý thành lập quỹ này, nhưng có sự phản đối về việc cho phép Ngân hàng Thế giới (WB) làm “thủ quỹ”. Một số quốc gia phản đối việc WB quản lý quỹ vì tổ chức này có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ. Nhưng cuối cùng, tại COP28, tất cả các bên đã đồng ý với điều kiện rằng việc giám sát quỹ của WB sẽ chỉ là tạm thời.


Khoản đóng góp quá “hẻo”


Đặc biệt, Mỹ đã bị chỉ trích vì khoản đóng góp 17,5 triệu USD, mà một số chuyên gia và nhóm vận động cho là “đáng hổ thẹn” vì mức đóng góp là quá nhỏ so với cam kết của các quốc gia khác.


Ông Mohamed Adow, Giám đốc của Power Shift Africa – một tổ chức nghiên cứu về khí hậu và năng lượng, cũng chỉ trích sự đóng góp của Mỹ là quá nhỏ.


“Các cam kết tài trợ ban đầu rõ ràng là không đủ và sẽ như giọt nước trong đại dương so với quy mô nhu cầu mà mọi người phải giải quyết”, ông Adow cho biết trong một tuyên bố. “Đặc biệt, số tiền mà Mỹ công bố là đáng hổ thẹn cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry. Nó chỉ cho thấy đây mới chỉ là sự khởi đầu”.


Ông Tom Evans, cố vấn chính sách tại tổ chức tư vấn khí hậu quốc tế E3G, lưu ý rằng phái đoàn Mỹ tới COP28 đang chịu áp lực chính trị đáng kể từ các động lực trong nước, với Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Tuy nhiên, ông Evans cho biết, quy mô đóng góp của Mỹ vẫn quá “hẻo” so với khoản cam kết lớn hơn nhiều từ UAE và Đức.

Máy bơm hoạt động tại một giàn khoan đặt trên bệ giếng ở Hệ tầng Bakken, Williston, Bắc Dakota, Mỹ, ngày 8/3/2018. Ảnh: Bloomberg


Các quan chức Mỹ nói rõ rằng họ đang quyên góp cho một quỹ gọi là “Quỹ Tác động Khí hậu”, ông Evans nói và cho biết thêm rằng họ đang tìm cách tránh việc quỹ này bị gọi là “Quỹ Tổn thất và Thiệt hại” vì lo ngại về cách Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ sẽ xem xét khoản tiền đó như thế nào.


Ông Evans cũng lưu ý rằng khoản đóng góp mà Nhà Trắng công bố cần nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, đồng thời nói thêm “trước đây chúng ta đã thấy điều đó khó khăn như thế nào ở Mỹ”.


Đài CNN cho biết đã liên hệ với phái đoàn Mỹ tại COP28 để yêu cầu bình luận.


Bản thân Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích trước khi COP28 bắt đầu vì tin tức cho biết ông không tham dự hội nghị, thay vào đó ông chọn tập trung vào các vấn đề đối nội và cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.


COP28 sẽ tiếp tục đến hết ngày 12/12 và cung cấp không gian cho các nhà lãnh đạo và nhà khoa học thế giới thảo luận về biến đổi khí hậu và đưa ra chiến lược giải pháp. Sau cuộc bỏ phiếu về Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại”, giờ đây sự chú ý sẽ chuyển sang “Kiểm kê toàn cầu” lần đầu tiên, đánh giá mức độ tiến bộ đã đạt được đối với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.


Hiệp ước ràng buộc quốc tế đã được phê chuẩn tại hội nghị COP21 năm 2015, với thỏa thuận hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức tăng 1,5 độ C vào năm 2050, so với mức thời tiền công nghiệp .


Minh Đức (Theo CNN, Sky News)

Chia sẻ Facebook